Trang chủ Chính trị Tránh “bò vào nhầm chuồng“, “xe đi nhầm đường” khi đầu tư...

Tránh “bò vào nhầm chuồng“, “xe đi nhầm đường” khi đầu tư cho miền núi

222
0

“Chính phủ phải có chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi sai phạm, tránh tình trạng “xe đi nhầm đường”, “bò vào nhầm chuồng”.

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh điều này khi thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, chiều 12/6.

Thời gian thực hiện Chương trình là 10 năm và chia làm hai giai đoạn 2021 – 2025 và 2026 – 2030. Chính phủ dự kiến tổng mức vốn thực hiện giai đoạn 1 là 137.664,95 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 134.270,70 tỷ đồng. Chương trình được đánh giá có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Cán bộ có tâm thì đồng bào mới được nhờ

Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện khó khăn chất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế – xã hội chậm phát triển nhất, tiếp cận các dịch vụ cơ bản thấp nhất và tỷ lệ người nghèo cao nhất.

Do đó đề xuất trồng cây gì, nuôi con gì, làm gì, vụ gì để tăng thu nhập cho người dân là câu hỏi không dễ trả lời. Vì vậy, chương trình hỗ trợ một khoản xây dựng các mô hình phù hợp với vùng đất, tập quán và nếu hiệu quả thì khuyến khích  nhân rộng, khởi nghiệp là khả thi. Với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi thì chắc chắn sẽ phát huy được sáng tạo của nhân dân.

Tránh “bò vào nhầm chuồng“,
Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang)

Tuy nhiên, đại biểu Leo Thị Lịch cũng cho rằng, trong khi nguồn lực còn hạn hẹp thì cần tập trung vào các dự án trọng điểm, cấp thiết để đầu tư từ những năm đầu giai đoạn. Cùng với đó phải khẩn trương ban hành văn bản pháp luật để thực hiện vì nếu chậm thì dự án khó thành công.

Nữ đại biểu cũng nhấn mạnh sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị cần có sự nghiên cứu toàn diện, nên sản xuất cái xã hội cần, cần thay đổi tư duy, lấy đặc sản thay cho cao sản, lấy trái vụ thay cho chính vụ, lấy thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay cho thuốc bảo vệ thực vật độc hại, phân bón hữu cơ thay cho phân bón vô cơ… và phải có cơ chế đảm bảo sản xuât theo chuỗi giá trị. Sáng tạo do người dân, nếu áp đặt chúng ta sẽ thất bại, do đó để đảm bảo khả thi thì khi xây dựng dự án cần quan tâm vấn đề cốt lõi.

Nhấn mạnh chính sách đúng dắn nhưng khâu tổ chức thực hiện từ đầu là rất quan trọng, đại biểu Leo Thị Lịch cho rằng, nếu người tổ chức thiếu chặt chẽ, thiếu trách nhiệm, thiếu cái tâm trong sáng thì hiệu quả sẽ kém, không đáp ứng được kỳ vọng của Quốc hội và của người dân.

Từ phân tích trên, đại biểu đoàn Bắc Giang đề nghị các cơ quan liên quan, trong đó có Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội cần giám sát ngay từ đầu. Chính phủ phải có chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi sai phạm, tránh tình trạng “xe đi nhầm đường”, “bò vào nhầm chuồng”, xin thành xã nghèo, hộ nghèo….

“Thiết nghĩ những người trực tiếp làm phải có tâm, có lòng nhân ái, “thương người như thể thương thân” thì đồng bào mới được nhờ cậy. Đây là cơ hội để đồng bào vươn lên, vượt qua đói nghèo, xây dựng cuộc sống đầy đủ và ngày càng bền vững” – nữ đại biểu bày tỏ. 

“Đồng bào không no ấm thì mất đi phên dậu sống”

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng Đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Quảng Bình khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế xã hội cho các dân tộc thiểu số, miền núi bởi lẽ họ chính là phên dậu của quốc gia. Hiện nay phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đang ngụ cư tại những nơi trọng yếu, vùng xa xôi, hẻo lánh, biên giới, hải đảo và nếu không đảm bảo đời sống no ấm, bền vững cho bà con thì không những chúng ta sẽ mất đi phên dậu “sống” đầu tiên mà còn mất đi những giá trị văn hóa không thể đong đếm.

Tránh “bò vào nhầm chuồng“,
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình)

Chia sẻ khó khăn của Ban soạn thảo khi phải lượng hóa những chỉ tiêu bằng những con số như: xóa được bao nhiêu nhà tạm, xây được bao nhiêu trường học, soạn thảo được bao nhiêu bộ tài liệu…, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, điều quan trọng nhất lại là những ngôi nhà đó trông như thế nào, có phù hợp cho bà con sinh sống ở địa bàn đó trong bối cảnh biến đổi khí hậu hay không, những trường học đó có đảm bảo dạy được chữ dân tộc thiểu số, dạy nói tiếng dân tộc, dạy nghề truyền thống của dân tộc đó trước khi thạo tiếng Kinh, thạo nghề phổ thông hay không thì lại chưa thấy toát ra trong dự thảo.

“Tôi băn khoăn bởi cụm từ xây nhà đạt chuẩn “3 cứng” chung chung, có thể là những mái nhà cấp 4 mái tôn, mái bằng, vách bê tông thay thế dần cho những mái nhà rông, những căn nhà sàn, nhà đất trên lưng chừng dốc, trên núi rừng. Không biết những ngôi nhà truyền thống dân tộc có còn không! Tôi còn lo lắng khi chưa thấy nói đến việc bắt buộc dạy trẻ dân tộc thiểu số tiếng nói và chữ viết dân tộc. Liệu đã đúng hay chưa khi chúng ta cho trẻ em người dân tộc thiểu số cắp sách đến trường để học tiếng Kinh qua những câu chuyện cổ của người Kinh do cô giáo người Kinh dạy?” – đại biểu Phương bày tỏ.

Đề cập nguồn lực, vị đại biểu đoàn Quảng Bình nhấn mạnh, thực tế dự kiến ngân sách đầu tư là đúng, nhưng hàm chứa rất nhiều yếu tố bất khả thi. Sở dĩ như vậy là vì ngân sách không phải tỉnh nào cũng có thể bố trí đạt yêu cầu, ngân sách quốc gia thường có những biến động đột biến nên thiếu hụt nguồn thu, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, trong lúc chương trình nào, đề án nào, nhiệm vụ nào cũng quan trọng như hiện nay. Vì thế, muốn giải pháp bền vững, cần có cơ chế xã hội hóa, dựa vào nguồn lực của cộng đồng để thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.

“Khi những đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua được trở ngại về văn hóa thì họ sẽ trở thành nguồn lực chứ không phải lực cản của kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam” – đại biểu chia sẻ khi kết thúc bài phát biểu./.

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây