Sáng 8-6, khi Đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh (Đoàn) ra mắt, bên cạnh nhiều người dân cảm thấy hứng thú, thì có một bộ phận quen thuộc trong giới “rân chủ” liền tỏ ra hiểu biết, đi săm soi vào đóng phân ngựa, giễu cợt, rồi phán kiểu lấy tiền thuế của dân nuôi ngựa chỉ để trang trí, diễu hành. Nhưng những con ngựa chiến, trong đoàn kỵ binh của Việt Nam nào chỉ để “làm đẹp”.
Sử dụng kỵ binh để truy bắt tội phạm, dẹp bạo loạn, trấn áp tội phạm biểu tình phạm pháp, đe dọa an ninh trật tự là điều mà rất nhiều quốc gia phát triển cấp tiến trên thế giới đã và đang ứng dụng.
Để giải tán đám đông, điều hàng chục hoặc hàng trăm cảnh sát sẽ dễ dẫn tới xô xát. Khi không thể đưa trực thăng hay xe tăng tùy tiện vào dòng người trong thành phố. Và cách tốt nhất mà các quốc gia lựa chọn là dùng… ngựa.
Như vừa mới đây, tại Anh, hưởng ứng phong trào Black Lives Matter (Mạng sống của người da màu quan trọng) tại Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, đám đông cũng xuống đường tại nhiều thành phố, trong đó có London. Cảnh sát kỵ binh ở London đã tham gia dẹp biểu tình. Đoàn người biểu tình bạo loạn đó nhanh chóng di tản khi một đoàn cảnh sát kỵ binh đi qua.
Nói về sức mạnh tác chiến của kỵ binh, ông Glen Potter, người đứng đầu bộ phận cảnh sát kỵ binh ở bang Tây Úc cũng đã khẳng định: “Nếu bạn có một con ngựa thì y như bạn có 10 sĩ quan cảnh sát ngay tại đó vậy”. Công ty nghiên cứu quốc phòng RAND, trụ sở ở Mỹ cũng kết luận: Cảnh sát kỵ binh khi tuần tra có mức độ tham gia tương tác ngẫu nhiên lớn hơn nhiều so với cảnh sát đi bộ.
Tại Việt Nam, sự có mặt của đoàn kỵ binh đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bên cạnh việc phục vụ những nghi thức, nghi lễ, dẹp bạo loạn, đảm bảo an ninh trật tự như các nước bạn đang thực hiện, thì kỵ binh còn có một sứ mệnh đặc biệt hơn, đó là: truy bắt tội phạm lẩn trốn ở rừng núi, biên giới, địa hình khó khăn, vùng sâu vùng xa, những nơi ôtô, môtô không thể chạy được.
Đã có không ít các trường hợp lực lượng chức năng mất dấu tội phạm, không truy lùng kịp các tội phạm buôn ma túy, vì chúng lựa địa hình hiểm trở ẩn náo, xe cơ động khó di chuyển vào truy bắt. Cũng không hiếm các trường hợp tội phạm trốn truy nã trốn sâu trong rừng rú, để vào được những nơi đó, các chiến sĩ “tầm nã” phải mất sức đi bộ hàng trăm cây số, nếm mật nằm gai trong rừng mới truy bắt được đối tượng. Thế nhưng, khi đoàn kỵ binh ra đời, chắc chắn sẽ hỗ trợ đắc lực cho chiến sĩ, nhất là truy bắt tội phạm, đi tuần ở những vùng đồi núi hiểm trở, xa xôi. Những chú kỵ binh sẽ là những người bạn đồng hành của các chiến sĩ, bộ đội biên phòng. Lực lượng an ninh có thêm một công cụ hỗ trợ, tác chiến nghĩa là tội phạm sẽ phải bị co cụm lại, ít manh động hơn, từ đó vấn đề an ninh trật tự sẽ ngày càng được kiểm soát tốt hơn.
Ông bà ta có câu: “Mật gấu cũng tốt, mà cỏ mực cũng tốt” – cái nào cũng có lợi ích của nó, vấn đề là ứng dụng phù hợp, sẽ phát huy được công dụng của cả hai. Việc Bộ Công an bổ sung đoàn kỵ binh vào biên chế, sẽ phối hợp cùng các phương tiện tác chiến khác, truy quét nhiều hơn các loại tội phạm. Đây được xem là một trong những sự chủ động đáng khen ngợi của lực lượng công an. Có lẽ đã nhìn thấy những uy lực của kỵ binh và phần nào hình dung được nhiệm vụ của đoàn kỵ binh trong thời gian tới, cho nên những ngày qua, khá nhiều tổ chức chống phá, khủng bố Việt Tân đã lu loa các kiểu.
Thái Thanh
Nguồn: Cánh cò