Cuối tháng 5 vừa qua, hai kỳ họp thường niên quan trọng nhất của Trung Quốc là Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) và Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Nhân đại (Quốc hội), gọi tắt là Lưỡng hội, cuối cùng cũng sẽ được diễn ra sau hơn 2 tháng bị hoãn vì đại dịch Covid-19
Chia sẻ với PV, nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang, cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương, nhấn mạnh tính chất đặc biệt của kỳ Lưỡng hội này.
Ông nói: “Cuộc họp ngắn, báo cáo Chính phủ ngắn chưa từng thấy, trước đây thường 2 vạn chữ nay chưa đầy 1 vạn”. Nhưng điểm đặc biệt nhất chính là bức tranh Trung Quốc được hoạ ra là khó khăn và khá ảm đạm.
Qua nội dung kỳ họp được công khai trên báo chí, đặc biệt qua Báo cáo công tác Chính phủ do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trình bày có thể thấy một Trung Quốc đầy khó khăn.
Ông Lý Khắc Cường đã không giấu diếm gì khi vẽ ra một bức tranh kinh tế khá ảm đạm, ít nhất là trước mắt. Tình trạng này cũng dễ hiểu. Từ năm 2019, nền kinh tế tỷ dân cũng đã gặp nhiều sóng gió khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm chạp, thuơng mại Mỹ – Trung căng thẳng, nhiều vấn đề trong nước chưa giải quyết được. Sang đến năm 2020, đại dịch Covid – 19 bùng phát khiến kinh tế, thương mại, thậm chí cả ngoại giao của Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình hình chung càng tồi tệ hơn.
Khó khăn là vậy, nhưng tại Lưỡng hội này, cho thấy Trung Quốc dốc sức vượt qua khó khăn để giữ cho kinh tế ổn định là quyết tâm rất lớn. Ông Lý Khắc Cường, khi trả lời báo chí sau cuộc họp, nhấn mạnh: Giữ cho nền kinh tế Trung Quốc vận hành ổn định là đặc biệt quan trọng. Họ chấp nhận phát triển chậm lại để giữ bằng được yếu tố này. Đất nước 1,4 tỷ dân mà không ổn định sẽ rất nguy hiểm. Trung Quốc có câu “Thuyền lớn khó quay đầu”. Cứ hình dung một con tàu nhỏ gặp phải vật cản thì chưa chắc làm sao, nhưng như con tàu Titanic phát hiện tảng băng phía trước vẫn không xử lý kịp
Trong báo cáo có cụm từ “tiến lên trong ổn định” (ổn trung cầu tiến) được nhắc lại vài lần, muốn làm được vậy thì phải điều chỉnh phương thức phát triển. Người ta hay hỏi tôi: Trung Quốc có thay đổi mô hình tăng trưởng không? Tôi khẳng định là không có chuyện đó. Mô hình tăng trưởng ở mọi quốc gia, đặc biệt quốc gia lớn như thế không dễ dàng thay đổi chỉ vì một sự cố đột ngột – như Covid-19. Cái thay đổi ở đây chỉ là cách thức.
Kinh tế Trung Quốc được ví như cỗ xe tam mã, gồm đầu tư – xuất khẩu – tiêu dùng. Khoảng hơn chục năm gần đây, kể từ khi chuyển đổi phương thức phát triển, Trung Quốc ngày càng thúc đẩy tiêu dùng, khuyến khích nội nhu, phát huy vai trò thị trường nội địa.
Vào lúc này, khi dịch bệnh chưa dừng lại, kinh tế thế giới suy thoái, thương chiến Mỹ – Trung chưa biết ngày kết thúc, nên trông chờ vào xuất khẩu là không được. Thị trường nội địa 1,4 tỷ người là lợi thế của Trung Quốc, thị trường nội địa được phát triển cũng là một cách để Trung Quốc níu giữ các doanh nghiệp không rời đi vì căng thẳng thương mại lẫn đại dịch. Do vậy, hơn bao giờ hết, thương mại Trung Quốc phải quay về bên trong.
Biện pháp thứ hai là tăng đầu tư. Từ xưa đến nay, mỗi khi có khó khăn, Trung Quốc lại phải gia tăng đầu tư. Theo báo cáo chính thức của Thủ tướng Lý Khắc Cường, lượng đầu tư năm nay để giữ ổn định kinh tế, xã hội, đảm bảo việc làm, an sinh là con số lớn chưa từng có trong lịch sử.
Mức bội chi ngân sách Trung Quốc từ 2,8% trong năm 2019 đã tăng lên 3,6%, vượt mốc 3% thời khủng hoảng 2008. Con số này ước tính tăng hơn năm ngoái khoảng 1.000 tỷ NDT (tương đương 140 tỷ USD). Nước này cũng phát hành quốc trái đặc biệt khoảng 1.000 tỷ NDT nữa. Ngoài ra còn khoản trái phiếu 3.750 tỷ NDT cho chính quyền địa phương, nhiều hơn năm ngoái 1.600 tỷ NDT. Như vậy Chính phủ chấp nhận tăng trưởng âm trong ngân sách nhà nước cộng với nợ vay của dân là một con số không nhỏ.
Họ chấp nhận những điều này để giải quyết vấn đề dân sinh, bao gồm việc làm, cải thiện mức sống, cứu vãn các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Những điều này cũng có quan hệ logic với nhau, ví dụ cứu doanh nghiệp là cách tạo việc làm, tạo việc làm là tăng mức sống, tăng mức sống là kích thích tiêu dùng, từ đó khiến doanh nghiệp có động cơ sản xuất.
Báo cáo trước Chính phủ, Thủ tướng Lý Khắc Cường không đề cập đến mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay. Đây là một điểm lạ được báo chí quan tâm. Nhưng chính xác là nước này đang phải chững lại để ổn định bộ máy, sắp xếp lại đội hình, tạo bước đi vững chắc chứ không chạy theo tốc độ được. Không chạy theo tốc độ là không lấy tốc độ làm mục tiêu, chứ không có nghĩa là không phát triển.
Ông Lý Khắc Cường có một câu rất hay: “Phát triển là chìa khoá giải quyết mọi vấn đề của Trung Quốc”. Xưa ông Đặng Tiểu Bình từng nói: “Phát triển là đạo lý cứng” và người Trung Quốc coi đây là chân lý. Càng những lúc như này, thì không phát triển sao được. Riêng chỉ tiêu tạo 9 triệu việc làm trong năm nay cũng liên quan đến tăng trưởng. Theo tính toán năm 2019, cứ tăng trưởng 1 điểm % thì giải quyết 2,216 triệu việc làm. Vậy muốn tạo được 9 triệu việc làm phải tăng ít nhất là 4%.
Nói đến việc làm thì trong báo cáo của ông Lý Khắc Cường, cụm từ này đã xuất hiện 40 lần. Có thể hiểu việc làm ổn định là mục tiêu cơ bản, có ý nghĩa quan trọng. Chính vì vậy, Trung Quốc không đưa ra mục tiêu cụ thể cho tăng trưởng năm nay mà đặt ra mục tiêu việc làm cụ thể. Để làm được điều này, Chính phủ sẽ cung cấp hơn 35 triệu cơ hội đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, tăng thêm 2 triệu suất đầu vào tại các trường cao đẳng dạy nghề… Đồng thời Trung Quốc cũng tập trung cứu các doanh nghiệp thông qua việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp như giảm thuế, giảm phí, giảm lãi suất ngân hàng, nới rộng luật đầu tư v.v..
Tóm lại, nước này đang chuyển đổi phương thức phát triển, tập trung cứu vớt tất cả những gì mất đi bởi nạn dịch Covid-19. Các biện pháp đưa ra có liên quan với nhau chứ không rời rạc.
Năm 2020 là năm cuối cùng để Trung Quốc hoàn thành “mục tiêu 100 năm thứ nhất” – xây dựng thành công toàn diện xã hội khá giả vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Muốn hay không thì họ phải quyết liệt để làm. Việc chấn chỉnh đội hình lần này như sắp xếp lại bộ máy để nó đi lên một cách ổn định, tốc độ vừa phải, ở mức có thể chấp nhận được. Điều này không chỉ có ý nghĩ về kinh tế, mà còn mang giá trị chính trị, vì đây là một trong “hai mục tiêu 100 năm” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra trong lộ trình phát triển đến giữa thế kỷ 21.
Thúc đẩy Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI) được ông Lý Khắc Cường nhắc đến nhiều lần tại “Lưỡng hội”. Nhưng tôi tin tham vọng của họ chắc chắn không đạt được như mong muốn. Bản thân khi chưa có Covid-19, BRI đã không xuôi như những gì họ đặt ra.
Khi đại dịch xảy ra, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng BRI không ảnh hưởng gì, nhưng tôi không tin. Nhẩm lại, chưa nói về vấn đề chính trị, sáng kiến này cũng gặp nhiều trở ngại. Cụ thể như dự án đang triển khai ở các nước dọc tuyến BRI giờ nhân sự không qua được vì nhiều nước vẫn còn cách li xã hội. Nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc phối hợp cùng cũng phải đóng cửa do cách li xã hội.
Bên cạnh đó, lòng tin của các nước với dự án BRI của Trung Quốc giảm xuống. Tuyên truyền của Mỹ và các nước phương Tây có tác động tiêu cực vào các quốc gia đối tác của Trung Quốc là không phủ nhận được. Qua đại dịch, dường như các nước đang xem xét lại việc có nên làm ăn tiếp với Trung Quốc không. Nếu làm, phải hạn chế ở mức độ nào thì hợp lý. Các quốc gia không muốn phụ thuộc vào Trung Quốc, không muốn sa vào bẫy nợ, không muốn tin Trung Quốc như xưa nay họ vẫn tin. Cái này là cái khó của Trung Quốc.
Nhưng khó khăn như vậy không có nghĩa BRI sẽ phải dừng lại. Sáng kiến này sẽ được triển khai bằng cách khác. Chắc chắn Trung Quốc không lùi, không dừng, nhưng sẽ đưa ra những điều chỉnh mới, những cam kết mới.
Trung Quốc cũng đề cập đến việc hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua việc khởi động một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Nhật và Hàn tuy là đồng minh thân cận của Mỹ nhưng vì lợi ích của nước họ chứ không vì lợi ích nước Mỹ, họ vẫn phải làm ăn với Trung Quốc.
Từ chiến tranh thương mại, có những điều xảy ra rất ngược với tư duy truyền thống hồi Chiến tranh lạnh. Thời kỳ đó, kẻ thù của bạn là kẻ thù nhưng bây giờ, khi Mỹ – Trung đối đầu về thương mại, châu Âu lại làm ăn tốt hơn với Trung Quốc. Tất cả là câu chuyện lợi ích. Như Mỹ với Nhật Bản, tuy là đồng minh chiến lược, nhưng với vấn đề về kinh tế, đã có những lúc Mỹ muốn trừng phạt kinh tế. Vậy với thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc, Nhật, Hàn họ cũng sẽ cân nhắc nghiêm túc.
3 anh lớn ở Đông Bắc Á cuối cùng cũng phải gặp và hợp tác với nhau. Đây là nhu cầu đầu tiên của Trung Quốc nên nước này chủ động nhất trong bộ 3. Trước đây FTA này đã được xúc tiến rồi, và trong lúc thế giới bao vây như thế, xu hướng hợp tác sẽ chuyển về khu vực. Trung Quốc sẽ ưu tiên Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
FTA với Đông Bắc Á có thể ký được. Trung Quốc cũng muốn ký ngay Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực – RCEP hay ASEAN+6. Điều này rất khó đạt được trong năm nay, nhưng khó khăn gì Trung Quốc cũng muốn thúc đẩy.
Ông Vương Nghị từng nhấn mạnh quan hệ hợp tác với ASEAN và cho biết quý 1 vừa qua, kim ngạch thương mại Trung Quốc – ASEAN tăng 6,1%, đột phá 140 tỷ USD, lần đầu tiên ASEAN đứng lên vị trí số một trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Việc củng cố quan hệ với khối này có thể sẽ trở thành bàn đạp vững chắc cho Trung Quốc đi ra bên ngoài trong bối cảnh dường như đang bị cô lập.
Có thể thấy rằng qua sự cố đại dịch, xu hướng toàn cầu hóa đang bị thách thức, xu hướng khu vực hóa và bản địa hóa đang nổi lên, có thể đó cũng là sự lựa chọn của Trung Quốc trong tình huống này.
Với sự thay đổi, dịch chuyển của Trung Quốc, Việt Nam cần những tính toán mới. Việc doanh nghiệp từ Trung Quốc chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là điều rõ ràng. Đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam. Có đôi lúc việc này bị một số người đẩy lên quá mức, nhưng cơ hội là có thật, chúng ta phải tranh thủ.
Thế giới đang đầy biến động, đang sắp xếp lại chuỗi cung ứng. Quá trình này chúng ta phải tham gia, phải trở thành khâu nào đó trong chuỗi này. Nhưng nó không dễ. Có nhiều thứ phải làm, cụ thể như tạo môi trường cho doanh nghiệp đến. Người Trung Quốc có câu “trúc sào dẫn phượng” – xây tổ thì chim phượng mới về. Giờ phải xây dựng cơ sở hạ tầng, rồi điều chỉnh chính sách…
Điểm thứ 2 có thể tranh thủ được với phía Trung Quốc là BRI, chúng ta không nên đứng ngoài cuộc hoàn toàn. Lãnh đạo cấp cao hai bên đã khẳng định trong các văn kiện chung là: Tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, bao gồm kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, hai bên đã ký kết MOU cấp Chính phủ về vấn đề này. Việt Nam phải kết nối với BRI, nhưng quan trọng là chọn dự án có lợi, đảm bảo an ninh. Đến phút này chúng ta vẫn chưa triển khai dự án nào trên thực tế, nhưng tôi nghĩ đến lúc nào đó mình cũng phải làm. Có nhiều lý do, nhưng đặc biệt là phải củng cố hệ thống logistic để phát triển.
Nhưng dự án nào thì cũng phải có chọn lọc, không phải cứ mở cửa ào ào, ai có tiền thì đến đầu tư. Việt Nam có mục tiêu rõ ràng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ rồi, cái gì không phù hợp, ảnh hưởng đến môi trường, xã hội, mời đứng ra bên ngoài, chúng ta không chấp nhận.
Tôi rất mừng khi Thủ tướng quyết định thành lập Tổ Công tác đặc biệt để đón nhận đầu tư nước ngoài. Cần một nhóm chuyên trách chứ không chỉ là hô khẩu hiệu rồi đâu lại vào đấy. Đặc biệt gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, trong đó chỉ đạo rất cụ thể về việc đón nhận các nguồn đầu tư.
Gần đây dư luận lại nhắc đến dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Công trình này tác động rất xấu đến hình ảnh của Trung Quốc ở Việt Nam. Nhưng cũng phải nói thẳng rằng do cách chọn lọc ban đầu của mình chưa tốt. Người Trung Quốc làm những con đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, các công trình giao thông vận tải rất tốt ở chính nước họ và nhiều nơi trên thế giới. Vấn đề là chọn lọc, chọn đối tác.
Hoạt động của doanh nghiệp là hoạt động tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng đầu tư sang Việt Nam, người Trung Quốc phải nhận thức rằng nếu chỉ để doanh nghiệp tính toán lợi nhuận kinh tế của họ thì dễ thất bại. Trong hoàn cảnh lòng tin đang ở mức rất thấp, cần phải hợp tác để xây dựng lòng tin, phải tính toán cả lợi ích về mặt chính trị ở Việt Nam mới được. Nên đôi lúc, Trung Quốc phải chịu thiệt thòi về kinh tế để lấy uy tín với người Việt Nam. Giờ Trung Quốc chưa làm được việc đấy.
Trong khi rất cần có những dự án hợp tác điển hình ở Việt Nam, thể hiện trình độ công nghệ của Trung Quốc, uy tín của Trung Quốc và cả tình cảm của nhân dân Trung Quốc, thì trớ trêu thay, lại nổi lên công trình Cát Linh – Hà Đông. Tôi từng nói thẳng với phía Trung Quốc: làm dự án Cát Linh – Hà Đông là phá hợp tác.
Giờ nói đến tăng cường hợp tác làm ăn với Trung Quốc thì ít người ủng hộ. Rất khó. Nhưng khi tính toán một cách bình tĩnh, phải nhìn xem lợi ích quốc gia là gì. Nói không hợp tác với Trung Quốc là không được. Vấn đề là không được để nền kinh tế quốc dân phụ thuộc quá sâu vào một quốc gia nào.
Căng thẳng Mỹ – Trung khiến nhiều nước đồng minh của Mỹ tỏ ra lo lắng trước sức ép chọn phe. Với các nước bé, cần có sự chuẩn bị, sẵn sàng đối phó với tình huống xấu. Các nước cần cố gắng hết sức để không sa vào tình thế chọn bên. Trong ASEAN, nhiều nước đã bày tỏ quan ngại này và khuyến cáo không chọn bên. ASEAN phải đóng vai trò trung tâm, không nghiêng bên nào. Hơn nữa, Đông Nam Á là khu vực nhạy cảm, dễ biến thành chiến trường của sự đối đầu Trung-Mỹ.
Để làm được như vậy phải ra sức củng cố khối đoàn kết ASEAN. ASEAN thể hiện vai trò trung tâm khu vực thực sự. Chuyện này nói dễ làm khó. Nhưng tôi thấy Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) năm 2019 là một bước đi cần thiết. Việt Nam không thể tách khỏi ASEAN. Điều nguy hiểm hiện nay là có những quốc gia bên ngoài muốn chia rẽ ASEAN vì lợi ích của họ, các thành viên ASEAN cũng có những lợi ích riêng trong quan hệ với các nước đó. Việt Nam đã có bài học rồi, giữa các cường quốc, không nghiêng hẳn về bên nào, phải kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Với Trung Quốc, ta coi Trung Quốc là bạn, là đối tác rất quan trọng trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại v.v… nhưng nhiều người cho rằng riêng về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển Đông, họ là đối tượng đấu tranh của Việt Nam. Vì Trung Quốc đang bất chấp tất cả luật pháp quốc tế và sự quan tâm của quốc tế, gây tổn thất đến lợi ích của Việt Nam, điều này không thể chấp nhận được. Không những gây tổn thất cho Việt Nam mà còn rất trở ngại cho những nỗ lực của cả hai bên nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã khẳng định, nó cũng làm xói mòn uy tín Trung Quốc trên trường quốc tế. Trong cuộc đấu tranh này, Việt Nam phải bám chắc luật pháp quốc tế và các cam kết song phương, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và bạn bè quốc tế.
Nhưng tóm lại, Việt Nam không đứng bên này chống bên kia. Thay vào đó, những dự án nào có lợi cho Việt Nam thì chúng ta có thể cân nhắc kỹ để tham gia, kể cả đó là “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (IPS) hay sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI). Nước lớn có chiến lược của nước lớn, chúng ta có chiến lược của chúng ta.
(Theo TTT)
Nguồn: Cánh cò