Tăng vốn điều lệ cho Agribank, mở rộng chi nhánh đến các vùng sâu, vùng xa nhằm đẩy lùi tín dụng đen, cho vay nặng lãi…
Thảo luận tại hội trường chiều nay (10/6) về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), đa số đại biểu đều tán thành, nhất là trong thời kỳ khôi phục kinh doanh sau Covid-19 và nông nghiệp vẫn đóng vai trò lớn với nền kinh tế trong nước.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn thành phố Hồ Chí Minh.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ sự đồng tình việc bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để chi bổ sung vốn điều lệ cho Agribank thêm 3.500 tỷ. Điều này sẽ góp phần tăng sức chịu đựng của các ngân hàng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động bất thường.
“Việc tăng vốn điều lệ còn giúp gia tăng được huy động vốn, từ đó mở rộng được tín dụng. Mà tín dụng của Agribank thì 70% là đi vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đây là điểm mà chúng ta cần phải hỗ trợ để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cũng như phát triển ngành nông nghiệp bền vững hơn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân chỉ rõ.
“Quan trọng nhất, chúng ta chi bổ sung thêm 3500 tỷ. Đây không phải là chi tiêu dùng. Đây là một khoản chi đầu tư, đã đầu tư là phải quan tâm đến yếu tố hiệu quả. Theo báo cáo kiểm toán, năm 2019, khoản nộp ngân sách của Agribank là 6.300 tỷ đồng. Tôi nói như vậy có nghĩa là chúng ta tự tin để hỗ trợ vốn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Tăng cường chi nhánh khu vực vùng sâu, vùng xa
Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng kiến nghị: Agribank cần phát triển thêm mạng lưới chi nhánh ưu tiên khu vực nông thôn, miền núi, hạn chế bớt các chi nhánh nội đô thị, vì mục tiêu là nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, do bản chất nông nghiệp, nông thôn là ở vùng sâu, vùng xa, cho nên đề nghị Agribank tăng cường thêm hoạt động của các ngân hàng di động.
“Thời gian qua, Agribank có khoảng 68 xe lưu động. Tôi đề nghị cần phải đầu tư thêm. Khi mở rộng được cái này, chúng ta đấu tranh đẩy lùi được cho vay nặng lãi, đẩy lùi được tín dụng đen ở khu vực vùng sâu, vùng xa”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, đoàn Ninh Thuận (Ảnh: Quốc hội)
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, đoàn Ninh Thuận cho rằng, nếu không tăng vốn điều lệ Agribank trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là trong năm nay thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu về vốn phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.
“Agribank được tăng vốn thì đồng nghĩa với việc hàng triệu hộ nông dân, doanh nghiệp sẽ có những nguồn vốn hợp lý để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, tăng lợi nhuận và nộp thuế cho Nhà nước, đóng góp tích cực vào phát triển nền kinh tế cho nên tôi rất ủng hộ chủ trương này”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.
Trong khi đó đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn Bình Dương tuy đồng tình với việc tăng vốn điều lệ cho Agribank nhưng đề nghị cần giám sát tốt hơn để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
“Nếu tăng vốn mà không có giám sát kiểm tra, không nêu rõ trách nhiệm thì tôi nghĩ là Quốc hội quá tạo điều kiện cho Agribank. Nên có quy định cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ trong việc thực hiện tăng vốn điều lệ này, tránh lại rơi vào tình trạng để thất thoát tài sản nhà nước. Tôi nghĩ là cần phải tính toán việc này”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nêu ý kiến.
Liên quan đến việc cổ phần hóa, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng kiến nghị Chính phủ phải xác định rõ lộ trình để cổ phần hóa Agribank, liệu có giữ 100% cổ phần Nhà nước nữa hay không? Hay là đến thời điểm nào thì phải cổ phần hóa./.
Nguồn: VOV.vn