VOV.VN -Tại phiên làm việc chiều 10/6, Quốc hội đã thông qua 2 Nghị quyết và 1 dự án luật quan trọng với tỷ lệ đại biểu tham gia biểu quyết đều đạt trên 90%.
Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 với tổng số 454/460 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94% tổng số đại biểu Quốc hội).
Với tổng số 454/460 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94% tổng số đại biểu Quốc hội) đã thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 các dự án, dự thảo: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10).
Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình tại một kỳ họp); Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Điều chỉnh thời gian trình đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021).
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua nhiều Nghị quyết, dự Luật quan trọng.
Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (tháng 3/2021), trình Quốc hội thông qua 4 dự án gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021) trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021) trình Quốc hội cho ý kiến 6 dự án gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong chiều nay, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 409/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,96% tổng số đại biểu Quốc hội).
Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 409/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Một trong những nội dung đáng lưu ý nêu trong luật này là sửa đổi thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp và cấp thẻ giám định viên tư pháp”.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này, đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm giám định viên pháp y thuộc bộ mình.
Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc bộ, ngành mình.
Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý hoạt động giám định tư pháp có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này, đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý.
Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này, tiếp nhận hồ sơ của người đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp quy định tại Điều 8 của Luật này, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương.
Bên cạnh 2 nội dung nêu trên, điểm đáng chú ý trong phiên họp Quốc hội chiều nay là Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với tỷ lệ 456/460 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,41%).
Cụ thể, Quốc hội quyết nghị kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 đến hết ngày 31/12/2025.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021./.
Nguồn: VOV.vn