Hàng loạt các quan chức sai phạm, dù là về hưu hay còn đương nhiệm đều bị xử lý nghiêm khắc, đúng người, đúng tội và thu được số tiền trục lợi bất chính về cho ngân sách nhà nước. Cuộc chiến chống tham nhũng được thực hiện xuyên suốt, thậm chí cường độ ngày càng “ép-phê” hơn, khi Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Xử lý mạnh hơn, không nhụt chí trước tham nhũng, không phải vì Đại hội Đảng mà chùng lại”. Các thành viên Bộ Chính trị nêu quan điểm tiếp tục đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, tiếp tục tổ chức điều tra, phát hiện tới đâu, xử lý tới đó.
Từ chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: xử lý tham nhũng nghiêm minh không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Hàng loạt các vụ án chấn động, các cán bộ tham nhũng được đưa ra xét xử. Điển hình gần đây nhất là đại án MobiFone, cựu bộ trưởng TT&TT, ông Nguyễn Bắc Son ăn hối lộ 3 triệu USD đã lãnh mức án tù chung thân và phải nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính trên; cựu bộ trưởng TT&TT, ông Trương Minh Tuấn bị phạt 14 năm tù và phải nộp lại 200.000 USD ăn hối lộ; ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, 23 năm tù và nộp 2,5 triệu USD; ông Cao Duy Hải, cựu tổng giám đốc MobiFone, bị 14 năm tù, nộp 500.000 USD.
Ban Chỉ đạo nêu ra hàng loạt vụ án phải xử lý trong năm 2020, trong đó có các vụ nổi cộm: “Buôn lậu, rửa tiền” xảy ra tại Công ty Nhật Cường; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri); Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP.HCM… Đó là những vụ án nhức nhói, gặm nhấm, hút máu không biết bao nhiêu tài nguyên của quốc gia, sự thiệt hại không chỉ có tiền, mà còn làm cản trở sức bật phát triển của đất nước, trong giai đoạn hội nhập, đất nước cần nguồn lực để đón đầu.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, các cơ quan có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hai ủy viên Bộ Chính trị.
Tham nhũng được ví như những con bọ chét hút máu, bên cạnh con to nhất luôn có những con bọ nhỏ kèm theo. Con càng lớn thì hút máu càng nhiều, gây nhiều thiệt hại, làm ảnh hưởng càng nhiều đến sức khỏe vật chủ. Như những con bọ ẩn nấp tinh vi, cán bộ tham nhũng cũng vậy, không bao giờ có một cá nhân tham nhũng mà là cả một đường dây, năm, bảy người. Khi những người cán bộ chức càng cao, không giữ được mình, lòng tham không được “nhốt lại” thì sai phạm càng lớn, đồng bọn càng đông và độ mưu mô xảo quyệt, xóa dấu vết càng tinh tường.
Để đưa những vị cán bộ tham nhũng, phá hoại tiền ngân sách ra ánh sáng, đó là cả quá trình khó khăn, gian nan và đầy thử thách. Đòi hỏi các lực lượng thực thi công vụ, điều tra không chỉ giỏi nghiệp vụ, mà còn phải bản lĩnh, biết giữ mình và không bị cám dỗ, lôi kéo. Khó như vậy đó, cho nên, khi thấy những con “bọ” tham nhũng, đục khoét, hút máu đất nước lần lượt được lôi ra ánh sáng pháp luật, rồi đứng trước vành móng ngựa, người dân ai cũng vui mừng. Chính sự quyết liệt, hành động cụ thể trong công tác chống tham nhũng – diệt giặc nội xâm của Bộ Chính trị ngày càng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
Một con “bọ chét” được loại trừ, đưa ra khỏi hàng ngũ cán bộ, không chỉ giúp thanh sạch hệ thống chính quyền, là động lực để hệ thống công quyền phục vụ tốt hơn cho nhân dân, giúp đất nước có nhiều hơn các cơ hội để phát triển, mà trên hết là thiết lập kỷ cương, đủ tính răn đe cho những ai lăm le sai phạm, nhìn vào đó mà cảnh tỉnh.
Và cho đến ngày hôm nay, quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là tiếp tục đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, tiếp tục tổ chức điều tra, phát hiện tới đâu, xử lý tới đó. Quan điểm xuyên suốt của Bộ Chính trị trong công tác chống tham nhũng: không có vùng cấm, không loại trừ bất kỳ ai dù ở cương vị nào. Ấy vậy mà, các thành phần chống phá, tổ chức Việt Tân, các thành phần lưu vong dựng chuyện, xuyên tạc trắng trợn thành “Bộ Chính trị bảo vệ cho tham nhũng; không trinh sát Đảng viên”, mục đích vẽ nên bức tranh xám xịt cho chế độ, hòng gây mất niềm tin, chia rẽ nhân dân và chính quyền. Đây là những thủ đoạn đã quá quen thuộc mà những kẻ chống phá thực hiện. Tuy nhiên, dù có xảo biện, hay sử dụng bất cứ kỹ xảo nào, những kẻ cơ hội chính trị cũng không thể thay đổi được sự thật. Nhất là trong thời đại 4.0, các kênh thông tin rộng mở, ngay cả Quốc hội họp, đại biểu phát biểu vấn đề gì, cũng được truyền thông rộng rãi, trên tinh thần dân chủ, minh bạch, dân biết, dân bàn thì “tin vịt” của những bàn tay nhám nhúa, dã tâm đen tối làm sao qua mặt được người dân Việt Nam.
Muốn biết chế độ như thế nào, các cơ quan công quyền phục vụ người dân ra sao, chỉ cần nhìn vào sự phát triển của đất nước, sự hài lòng của số đông người dân là phần nào đánh giá được. Với sự ủng hộ của người dân trong công cuộc chống tham nhũng của Đảng, mỗi khi có cán bộ nào sai phạm bị kỷ luật, cách chức, truy tố, người dân lại hồ hởi nói “củi lại vào lò” – hẳn là ai cũng biết, uy tín và niềm tin của Đảng trong dân?!
Hải Yến
Nguồn: Cánh cò