Trang chủ Chính trị Chuẩn bị tốt nguồn lực để tận dụng và phát huy lợi...

Chuẩn bị tốt nguồn lực để tận dụng và phát huy lợi thế, cơ hội trong hội nhập

152
0

Hôm qua, ngày 8-6, kỳ họp thứ chín, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc và là ngày làm việc tập trung đầu tiên sau đợt họp trực tuyến.

Mở đầu phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu một số vấn đề về kết quả họp trực tuyến, nêu rõ: Ðến thời điểm hiện nay, kỳ họp thứ chín đã đi được nửa chặng đường, hoàn thành tốt chương trình nghị sự của đợt 1. QH đã thảo luận về 10 dự án luật, bảy dự thảo nghị quyết; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; nghe tờ trình về sáu dự án luật khác, các báo cáo về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ chín, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tám.

Chủ tịch QH cho biết: Dư luận cử tri và đại đa số đại biểu QH cho rằng, mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội nước ta, trong đó có hoạt động của QH, nhưng với quyết tâm, trách nhiệm cao trước đồng bào, cử tri cả nước, QH đã chủ động, kịp thời đổi mới, linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng điều kiện hoàn cảnh thực tế, bảo đảm tiến hành kỳ họp theo đúng quy định. Lần đầu tiên, QH Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày và các nội dung đã diễn ra thông suốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đạt hiệu quả cao. Số lượng đại biểu đăng ký phát biểu từng phiên họp tăng lên đáng kể; không khí thảo luận, tranh luận tại nghị trường, 63 đầu cầu rất sôi nổi, công khai, dân chủ, được dư luận và cử tri đánh giá cao. Ðây là kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, tạo tiền đề để QH tiếp tục nghiên cứu, phát huy, hoàn thiện phương thức họp QH trong thời gian tới. Kết quả này cũng một lần nữa khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, QH cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân và đất nước.

Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA, EVIPA, Công ước 105

Ðầu giờ làm việc sáng qua, các đại biểu QH đã nghe: Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EVFTA) và dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định này. QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA với 94,62% tổng số đại biểu QH tán thành.

Chuẩn bị tốt nguồn lực để tận dụng và phát huy lợi thế, cơ hội trong hội nhập
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA .

Hiệp định EVFTA gồm 17 chương, tám phụ lục, hai nghị định thư, hai biên bản ghi nhớ và bốn tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề bao gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm, các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý – thể chế. Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền rà soát các văn bản quy phạm pháp luật tại Phụ lục 4 kèm theo Nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện có hiệu quả và theo đúng lộ trình các cam kết của hiệp định. Nghị quyết giao Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hiệp định; phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện hiệp định; chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế mà hiệp định đem lại; xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hiệp định; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả và hiệu quả thực thi các cam kết đã ký trong hiệp định, định kỳ hằng năm báo cáo QH về việc thực hiện hiệp định.

Tiếp đó, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên hiệp châu Âu và các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EVIPA), nghe dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định này. Các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVIPA, với 95,45% tổng số đại biểu QH tán thành.Hiệp định EVIPA có nhiều quy định khác nhau nhưng không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013; cơ bản phù hợp pháp luật Việt Nam và qua rà soát hệ thống pháp luật, nước ta chưa quy định liên quan việc công nhận và cho thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư thành lập theo Hiệp định EVIPA để giải quyết tranh chấp giữa Nhà đầu tư của một Bên và Bên kia. Việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo dựng một khung pháp lý đầy đủ và có hiệu quả hơn nữa cho việc bảo hộ hoạt động đầu tư của nhà đầu tư EU tại Việt Nam cũng như nhà đầu tư Việt Nam tại các nước thành viên EU, đồng thời góp phần củng cố niềm tin của các doanh nghiệp vào quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tại phiên họp, lãnh đạo Ủy ban Ðối ngoại của QH đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức và Tổng Thư ký QH trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước. QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước, với 94,82% tổng số đại biểu tán thành. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế – quốc tế, thực hiện CNH, HÐH đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế – xã hội và pháp lý.

Cũng trong ngày làm việc hôm qua, QH nghe Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU, nghe Ủy ban Tư pháp báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết nêu trên. Thảo luận ở hội trường, các ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Nghị quyết, đồng thời đề nghị, các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong đó có ngành tòa án cần phối hợp các cơ quan liên quan tổng kết việc thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất phương hướng giải quyết những bất cập có thể phát sinh trong quá trình thực hiện. Qua đó, rút ra những nội dung cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ðồng thời cần thành lập bộ phận chuyên trách, phối hợp các chuyên gia trong và ngoài ngành tòa án, trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về nội dung nêu trên.

Kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Chiều cùng ngày, QH thảo luận ở tổ về báo cáo kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Liên quan các báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu cho rằng, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ cần xác định một số mục tiêu cụ thể như kiên trì giữ vững các thành quả của công tác kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh trong những tháng qua; ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, tiếp tục kiểm soát lạm phát; bảo đảm an sinh xã hội thông qua các gói hỗ trợ người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn, người vô gia cư; đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động. Dẫn số liệu thống kê trong 5 tháng đầu năm 2020 về 26 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động nhưng số doanh nghiệp làm thủ tục giải thể lại thấp hơn cùng kỳ, đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý: các doanh nghiệp hiện đang chờ cơ hội để quay trở lại thị trường. Nói cách khác, bên cạnh những chính sách hiệu quả đối với cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua như gia hạn nợ, giảm lãi suất, giảm tiền thuê đất… Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu thêm những gói hỗ trợ tương tự, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn.

Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về một số chỉ số trong báo cáo của Chính phủ. Cụ thể, quá trình chuyển dịch kinh tế ở nước ta thời gian qua tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vậy nhưng khu vực này lại chỉ đạt hơn 3%, nghĩa là thấp hơn mức tăng GDP bình quân cả nước. Vì vậy, cần có những nhìn nhận cụ thể hơn, thẳng thắn hơn về các vướng mắc trong tái cơ cấu các khu vực kinh tế; tính thiết thực của các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; công tác quy hoạch lại các ngành, các khu công nghiệp công nghệ cao… Ðối với việc các doanh nghiệp rút khỏi thị trường một cách ồ ạt thời gian qua, cần đánh giá chi tiết hơn về tính hiệu lực, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, Chính phủ cần thận trọng hơn với bài toán tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế gắn với vấn đề chuỗi cung ứng, tránh để rơi vào tình thế khó khăn, chật vật như một số nền kinh tế khác trong khu vực cũng như trên thế giới.

Theo đại biểu Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) và một số đại biểu khác, việc Việt Nam khống chế tốt dịch Covid-19 là cơ hội hiếm có để tận dụng rút ngắn khoảng cách kinh tế với các quốc gia phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh QH đã phê chuẩn hai hiệp định EVFTA và EVIPA. Tuy nhiên, Chính phủ cần thận trọng trong xây dựng kế hoạch hành động phát triển kinh tế – xã hội, bởi cả hai hiệp định nêu trên đều có những cơ chế, chế tài chặt chẽ hơn rất nhiều so với các hiệp định kinh tế mà chúng ta từng ký trước đây.

* Sáng cùng ngày, tại khu vực phía trước Tòa nhà Quốc hội, Bộ Công an tổ chức diễu hành, ra mắt lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCÐ) Kỵ binh. Ðến dự, có các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; lãnh đạo Bộ Công an; đại diện một số bộ, ban, ngành; cùng các đại biểu QH dự kỳ họp thứ chín, QH khóa XIV.

Phát biểu ý kiến tại buổi diễu hành, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và QH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, thời gian qua, lực lượng cảnh sát nói chung, CSCÐ nói riêng đã đóng góp vai trò quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Việc thành lập Ðoàn CSCÐ Kỵ binh nhằm từng bước tăng cường năng lực, sức chiến đấu cho lực lượng CSCÐ. Với bề dày 46 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng CSCÐ, Ðoàn CSCÐ Kỵ binh sẽ vượt qua khó khăn ban đầu, từng bước phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân…

Về những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, Ðoàn CSCÐ Kỵ binh chủ động nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của lực lượng CSCÐ, trong đó có khối Kỵ binh nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng này. Bộ Công an, Bộ Tư lệnh CSCÐ cần quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, doanh trại, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để lựa chọn cán bộ, chiến sĩ và chú trọng đào tạo cán bộ, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Ðoàn CSCÐ Kỵ binh cần làm tốt công tác rèn quân, đoàn kết xây dựng lực lượng kỷ cương, kỷ luật, từng bước nâng cao trình độ huấn luyện, sử dụng ngựa có sức chiến đấu cao phù hợp nhiều địa bàn; phối hợp các lực lượng khác thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác…

Ngày 8-6, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh điện đàm với Cao ủy Thương mại EU P. Hô-gân thông báo việc Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua EVFTA cũng như phê chuẩn Công ước 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). EU đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hiệp định, coi đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên; đồng thời đề nghị đưa hiệp định vào thực thi từ ngày 1-8 tới. Việt Nam đề nghị thúc đẩy việc thực thi EVFTA trong thời gian sớm nhất để hai bên có thể tận dụng các cơ hội từ hiệp định, nhằm cải thiện tình hình kinh tế thương mại sau những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Ðể chuẩn bị thực thi EVFTA, hai bên đã thống nhất thúc đẩy sớm triển khai Dự án Hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN liên quan thương mại dành cho Việt Nam (ARISE+ Việt Nam).

(Theo ND)


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây