Chiều 5/6, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở Du lịch và Hiệp Hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã công bố chương trình kích cầu du lịch nhằm thu hút du khách sau mùa dịch COVID-19.
Kích cầu để khôi phục du lịch
Ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên ngành du lịch của tỉnh bị tê liệt hoàn toàn, lượng khách du lịch giảm đến 90% so với cùng kỳ. Số lượng khách huỷ phòng tại các cơ sở lưu trú là 50 – 90%, một số khách sạn công suất chỉ còn 5 – 10% để hoạt động cầm chừng, các điểm đến du lịch cũng giảm từ 70 – 80%.
“Đặc biệt, các công ty lữ hành thiệt hại hàng tỷ đồng từ chi phí thị thực, đặt cọc dịch vụ…và du lịch nội địa giảm hơn 85%. Ước tính, thiệt hại ngành du lịch địa phương và của các doanh nghiệp làm du lịch là hàng chục tỷ đồng. Hiện các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã phải gánh chịu rất nhiều tổn thất về kinh tế, từ giảm lượng khách 50% trong quý 1 đến phải đóng cửa 100%”, ông Phạm Ngọc Hải nói.
Để khôi phục và thu hút du khách đến tỉnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết tỉnh cũng đã vận động được 78 doanh nghiệp triển khai các gói ưu đãi về giá, cụ thể: giảm từ 10-50% dịch vụ lưu trú, nhà hàng giảm từ 10 -30%, các khu điểm đến vui chơi giải trí giảm 10-20% giá vé; kết nối các doanh nghiệp với các hãng hàng không giảm cho khách đoàn từ 40% trên tất cả các hành trình khứ hồi từ TP Hồ Chí Minh đi Phú Quốc, Đà Nẵng, Huế, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Hải Phòng, Đà Lạt; đường sắt, đường bộ giảm 20%…
Theo ông Trịnh Hàng, trong giai đoạn 2020 – 2025, Đảng bộ và chính quyền Bà Rịa – Vũng Tàu xác định bốn mũi nhọn phát triển kinh tế là công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Riêng ngành du lịch, tỉnh mới phát triển trong những năm gần đây nhưng được sự quan tâm đúng mức.
“Chúng tôi nhận định, tỉnh còn nhiều tồn tại và hạn chế để khắc phục phát triển ngành du lịch. Một trong những hạn chế lớn nhất đó là công tác kết nối với báo chí, truyền thông để tuyên truyền cho du khách trong và ngoài nước biết đến Bà Rịa – Vũng Tàu nhiều hơn. Bởi vừa qua, có tâm lý du khách đến Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ ăn và ngủ rồi về, không có thời gian chi tiêu, trải nghiệm các dịch vụ từ du lịch của tỉnh. Trong khi đó, tỉnh có rất nhiều tài nguyên du lịch, loại hình du lịch để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước”, ông Trịnh Hàng nói.
Tập trung phát triển 4 loại hình du lịch thế mạnh
Ông Trịnh Hàng cho biết về lâu dài, tỉnh hướng đến phát triển du lịch chất lượng cao để thu hút dòng khách cao cấp. Ngoài ra, tỉnh đang quan tâm phát triển các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí cao cấp để thu hút và giữ được khách lưu trú dài ngày; thực hiện trùng tu, cải tạo các di tích và cơ sở văn hóa để phục vụ du lịch, kết hợp phát triển các mô hình làng nghề, mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao với phục vụ cho du khách tham quan… khi đến tỉnh nhà.
Liên quan đến việc kết nối với các tỉnh lận cận để thực hiện kích cầu du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam, cho biết tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có vị trí gần TP Hồ Chí Minh, đây là cơ hội để tỉnh đón nhận nhiều du khách khác đến từ các tỉnh lân cận khi du lịch TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu cần cùng nhau đẩy mạnh liên kết vùng để kích cầu du lịch, thu hút du khách trở lại sau mùa dịch bệnh COVID-19.
“Hiện nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có lợi thế đường biển dài gần 300 km, có sông, rừng nguyên sinh và suối nước nóng Bình Châu với độ nóng cao nhất Việt Nam; có các di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với người dân…. Đây là những tài nguyên giúp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo đa dạng, phong phú để thu hút du khách TP Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung”, ông Nguyễn Hữu Thọ nói.
Để việc liên kết hiệu quả giữa các tỉnh lận cận với Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần tập trung phát triển 4 trung tâm du lịch đang là thế mạnh của tỉnh như: du lịch biển đảo (mỗi năm tỉnh đón từ 15-20 triệu du khách); du lịch hội nghị, mice và hội nghị khen thưởng; du lịch tàu biển và du thuyền (mỗi năm tỉnh đón 400 – 500 tàu biển và du thuyền quốc tế cập cảng Cái Mép – Thị Vải), cuối cùng là thế mạnh là có trung tâm đào tạo nghề du lịch chuẩn quốc tế (trường cao đẳng IMPERIAL), sau khi ra trường sinh viên có thể bắt tay vào làm việc tại các điểm đến, cơ sở du lịch của cả nước.
Nguồn: Báo Tin tức