Với đại biểu dân cử Vũ Mão đã nói là phải làm, dù khó khăn đến mấy. Anh là con người của nhiệt huyết và hành động.
Năm 1978, tôi là một trong 9 cán bộ Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam về tăng cường cho biên giới Đông Bắc. Tôi đứng chân ở Lâm trường Tiên Yên, Quảng Ninh.
Chiến tranh biên giới nổ ra ít lâu, tôi được anh Lê Thanh, Trưởng ban Tuyên huấn huyện ủy đến tận văn phòng lâm trường trao quyết định về làm phó giám đốc đài truyền thanh huyện. Trước khi khăn gói về nơi làm việc mới anh Lê Thanh bất ngờ hỏi tôi: “Ông có biết ai bắt phóng viên đài phát thanh trung ương về làm đài huyện không? Không biết chứ gì? Ông kia kìa”. Lê Thanh nháy mắt, chỉ ra khoảng sân rộng trước ngôi nhà hai tầng kiểu tây, trụ sở huyện ủy. Một anh trung niên đậm người áo bay màu cỏ úa, quần xanh, đi khá nhanh, hai tay vẩy đều ra sau đang tới. Thấy tôi, anh cười, má lúm đồng tiền, tay xiết chặt, truyền cảm hứng và sự tin cậy. Anh Lê Thanh giới thiệu:
Ông Vũ Mão ngồi giữa. Nhà báo Vĩnh Trà đứng sau cùng.
“Đồng chí Vũ Mão, tỉnh ủy viên, giám đốc Sở Thủy lợi Quảng Ninh về nhận chức Bí thư huyện ủy, kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang trên địa bàn Tiên Yên. Còn đây là…”
“Tôi được anh Trịnh Tuấn, Phó Bí thư huyện ủy cho biết Vĩnh Trà là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Tốt lắm. Lúc này tuyên truyền trên đài quan rất trọng. Làm tốt nhé”- ông Vũ Mão nói.
Anh Vũ Mão hơn tôi 7 tuổi, chơi bóng bàn nhì nhằng như nhau nên chuyện trò với nhau khá bỗ bã. Tôi gọi anh, đồng chí bí thư, nhưng lúc ăn cơm văn phòng, chơi bóng thì Vũ Mão cứ là ông tôi, tớ cậu đều đều.
Bí thư huyện ủy giao cho đài huyện là xã nào, đội sản xuất nào của lâm trường cũng phải có bằng được loa truyền thanh. Phải nâng chương trình phát thanh lên 30 phút mỗi ngày. Chương trình nào cũng phải có tin tức nóng sốt từ các cơ sở. Chả là trước đó đài huyện thường hầu hết đọc tin, bài và xã luận báo Nhân dân từ hôm trước, vì báo đến chậm một vài ngày. Áo bay cỏ úa, mũ cối, dép rọ là trang phục thường ngày của Vũ Mão cùng xe u oát và tôi đi hầu hết các xã từ biển Pa gốt, Hà Dong lên vùng cao, xa nhất như Hà Lâu đến Đông Ngũ, Đông Hải, Yên Than, Hải Lạng, Phong Dụ. Anh phăm phăm đi trước, mắt nghề nghiệp lia mọi chỗ. Nơi nào có suối, có sông là anh gợi ý cho xã làm thủy lợi. Anh bảo làm thủy lợi tốt chỉ có lợi, không có hại.
Vũ Mão giao thêm cho tôi nhiệm vụ là hễ có nhà báo, nhà văn nào của tỉnh, của trung ương đến Tiên Yên thì cùng tiếp khách với anh. Năm 1980 nhà văn Võ Huy Tâm ghé thăm Tiên Yên. Ông bảo ở xã Đại Dực có người dân tộc Sán dìu, Sán chỉ. Nhà văn già giải thích thêm, Sán dìu là Sơn du, nghĩa là nay đây mai đó đi làm ăn, sinh sống, còn Sán chỉ là Sơn tử, con của núi rừng. Lời nhà văn gạo cội như một gợi ý cho tôi leo đèo, lội suối đến xã vùng cao Đại Dực.
Cảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là các cô giáo bám bản, gieo con chữ cho trẻ thơ. Chậu rửa mặt hay đựng nước uống đều dùng bằng nửa quả bầu khô. Lương thấp, chợ xa nên không có đồ dùng bằng nhựa, bằng nhôm như ở dưới xuôi. Có cô đã cắm bản hơn chục năm, thậm chí hai mươi năm, hết cả tuổi xuân, tóc đã hoa râm mà chưa chồng con. Chưa được chuyển về xuôi. Một cảnh nữa làm tôi vui, thích thú là bà con ở đây biết đắp bờ làm ruộng bậc thang đầy nước vừa trồng lúa, vừa nuôi cá. Đến vụ gặt, thu hoạch luôn cá rô, cá diếc, cá quả béo ngậy.
Tôi viết phóng sự phát trên đài huyện, trên Đài Tiếng nói Việt Nam và báo cáo cặn kẽ với Bí thư Vũ Mão. Nghe xong, anh mời trưởng Phòng Nông nghiệp và Giáo dục của huyện lên làm việc và chỉ thị Phòng Giáo dục khảo sát, nghiên cứu kỹ, xin ý kiến của tỉnh và bộ có chính sách luân chuyển giáo viên cắm bản vùng cao. Trong khi chờ quyết sách thì huyện, xã phải giải quyết khó khăn cho giáo viên. Phòng Nông nghiệp nghiên cứu ngay, nhân rộng mô hình lúa + cá không chỉ cho miền núi mà cho cả đồng bằng. Sau cuộc họp, anh Hạnh, Trưởng Phòng Giáo dục vỗ lưng tôi “anh lại bày thêm việc khó cho tôi rồi”
Chương trình truyền thanh Đài huyện Tiên Yên hàng ngày phát đi nửa giờ, từ 11 giờ 30 phút đến 12 giờ, sau đó tiếp âm bản tin trưa của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nội dung có tin tức cơ sở, phóng sự, câu chuyên gương người tốt việc tốt. Khó nhất là phỏng vấn tại chỗ (Vì Đài huyện thời ấy chưa có máy ghi âm). Tôi xin ý kiến bí thư là được phỏng vấn trực tiếp các thủ trưởng ngành và chủ tịch xã, anh Vũ Mão hoan nghênh và đồng ý ngay. Nhân đà thuận, tôi đề nghị bí thư mỗi tháng trả lời phỏng vấn đài huyện một lần. Anh nhất trí và dặn phải cẩn thận, không thì bà con bảo ông bí thư thích lên đài khoe thành tích.
Năm 1994, các phiên họp của Quốc hội lần đầu được tường thuật trực tiếp và từ đó đến nay, việc này được tiến hành thường xuyên.
Lần đầu tiên bí thư ngồi vào studio trả lời phỏng vấn trực tiếp. Mới chào mời mấy câu, anh ho sù sụ. Anh bảo ngắt máy và hỏi “Mình ho thế này bà con có nghe không?” Tôi trả lời “Không sao anh ạ. Nếu lỡ ho thì mình xin lỗi mà. Hôm nay làm thử, anh đừng ngại” Anh cười, vẫn má lúm đồng tiền thân thiện “Làm thử mà khó thế, làm thật chắc khó nữa nhỉ. Làm phát thanh cũng gian nan đấy.” Sau đó, đều đều cứ tuần đầu tháng, Bí thư huyện ủy Vũ Mão trả lời phỏng vấn trực tiếp trên đài huyện một lần. Tôi đem thực tế từ cơ sở, nhất là những vướng mắc, kiến nghị của dân làm câu hỏi, anh đều trả lời chắc chắn, suôn sẻ. Có lần anh thẳng thắn phê bình một cơ sở, hôm sau cán bộ lên xin lỗi bí thư.
Năm 1994, trước giờ khai mạc kỳ họp của Quốc Hội, tôi gặp anh Nguyễn An Duyệt, phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam ở sảnh chính Hội trường Ba Đình. Chúng tôi vui mừng vì lần đầu tiên Quốc Hội cho phát thanh truyền hình trung ương tường thuật trực tiếp các phiên họp quan trọng. An Duyệt mím môi “Căng lắm mới được đấy ông ạ”. Thì ra trước đó, lãnh đạo băn khoăn về giữ bí mật đến đâu, công khai đến đâu, lợi hại như thế nào. “Đến tối hôm qua vẫn còn căng”.
Theo lời An Duyệt thì đến phút 89, anh Vũ Mão – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội còn mời An Duyệt đến bàn việc bảo đảm trực tiếp an toàn. Căng đến mức anh Vũ Mão kiên quyết là lấy sinh mạng chính trị đảm bảo. Từ đây mở ra nét mới trong sinh hoạt Quốc Hội và chính trị cả nước là trực tiếp, công khai đưa hình ảnh, lời nói của đại biểu quốc hội từ nghị trường đến cử tri. Nói như anh Vũ Mão, đây cũng là dịp để cử tri giám sát công khai Quốc Hội và đại biểu Quốc Hội. Với đại biểu dân cử Vũ Mão, đã nói là phải làm, dù khó khăn đến mấy. Anh là con người của nhiệt huyết và hành động.
Chỉ có một điều, anh đã nói trước tết với tôi là năm nay, hai anh em về thăm lại Tiên Yên mà anh không làm được. Anh đã rời cõi tạm để về chốn vĩnh hằng. Xin được kể lại vài câu chuyện ở Tiên Yên một thời để nhớ về anh./.
Lễ tang ông Vũ Mão được tổ chức ngày 3/6 theo nghi thức Lễ tang Cấp cao
Lễ Truy điệu được tổ chức vào hồi 10 giờ 45 phút ngày 3/6. Lễ an táng cùng ngày tại Nghĩa trang Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Nguồn: VOV.vn