Ngày 1/6, tại Trung tâm triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh (Hà Nội) khai mạc Triển lãm tranh lần thứ 5 của nhóm họa sĩ “Sơn ta Việt Nam”. Thông qua tác phẩm trưng bày tại đây, nhóm nghệ sĩ cho thấy mức độ biểu đạt của chất liệu sơn ta (sơn mài) có thể đáp ứng bất kỳ phong cách hội hoạ nào.
Triển lãm lần này có sự tham gia của 18 họa sĩ thuộc nhóm “Sơn ta Việt Nam”, những người đang tìm kiếm, khai phá sức biểu đạt bằng chất liệu sơn ta trong khi vẫn bảo toàn tiêu chí: Bóng, nhẵn, sâu của tranh sơn mài.
Sơn mài vốn được cho là khó đem lại cảm giác mềm mại, phóng khoáng như các chất liệu khác, khó gây ra rung động tức thì và do đặc thù về chất liệu, bảng màu, kỹ thuật làm tranh nên phần nào hạn chế ý đồ nghệ thuật và phong cách của người họa sĩ. Các họa sĩ nhóm Sơn ta Việt Nam đã cố gắng vượt ra khỏi những khuôn khổ để làm mới mình và đem đến những ấn tượng thị giác mới lạ, hiện đại hơn cho tranh sơn mài.
Trong triển lãm lần này, có một điểm thú vị là các họa sĩ đã tận dụng hiệu ứng sâu thăm thẳm của tranh sơn mài để gửi gắm nội tâm cùng nhiều chủ đề tư tưởng, tạo nên một vệt tranh biểu tượng bên cạnh loạt tác phẩm đặc tả thiên nhiên, thiếu nữ…
Ngoài ra, triển lãm còn có thêm nhiều tác phẩm với những bước đột phá trong cách vẽ sơn mài, điển hình là bộ tác phẩm Giếng trăng và Giếng nào có trăng của tác giả Phùng Văn Huy – một họa sỹ trẻ, có nhiều nghiên cứu về sơn ta. Tác phẩm tạo nên sự thích thú cho khán giả khi ngắm những giọt sơn ta được đắp nổi, miệng giếng nổi lên trên bề mặt tranh từ quá trình sáng tác rất kỳ công bằng sơn mài của tác giả.
Triển lãm kéo dài tới hết ngày 8/6/2020.
Nguồn: Báo Tin tức