Hình ảnh viên cảnh sát ngạo nghễ một tay đút vào túi quần và dùng đầu gối đè cổ người đàn ông da màu ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ), trong khi người này liên tục rên rỉ “Please, I can’t breathe” nghĩa là “Tôi không thể thở được” cho đến khi chết hẳn đã làm cộng đồng người da màu thật sự phẫn nộ. Đó là một trong những nguyên nhân làm dấy lên cuộc biểu tình phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc. Sự việc đã diễn ra mấy ngày nay nhưng tới thời điểm này, tuyệt nhiên vẫn chưa thấy bóng dáng của một tổ chức nhân quyền nào trên thế giới hay ở Mỹ lên tiếng.
Cái chết của một người Mỹ gốc Phi đã khiến dư luận Mỹ tức giận, phẫn nộ. Ngay sau đó, chính thành phố Minneapolis, nơi người đàn ông da màu tắt thở đã trở thành “điểm nóng” biểu tình, bạo động, đốt phá, cướp bóc. Không chỉ vậy, trên khắp nước Mỹ, căng thẳng đang leo thang; theo một thống kê mới nhất, 25 thành phố thuộc 16 bang đã ban hành lệnh giới nghiêm. Trong khi đó, hơn 10 bang đã triển khai Vệ binh Quốc gia xuống các điểm nóng. Một số thành phố như Los Angeles ở California đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Nổi bật lên trong bức tranh biểu tình, hỗn loạn đó là hành động đối phó, ứng xử bằng bạo lực của các lực lượng chức năng Mỹ. Những con cảnh khuyển dữ tợn nhất cùng nhiều vũ khí đáng sợ nhất của nước Mỹ đã tung ra. Pháp luật Mỹ cho phép cảnh sát bắn vào bất cứ kẻ nào chống đối. Thế nên, nhiều mật vụ đã hành động không thương tiếc với những kẻ quá khích. Ít nhất, vài trăm người da màu đã bị thương rất nặng. Không quá khó hiểu khi người biểu tình bị chiếc xe SUV của cảnh sát New York đâm thẳng trực diện. Chưa kể, người biểu tình còn bị bắn bằng đạn cao su, xịt hơi cay, bị dí roi điện, lựu đạn khói… và họ có thể sẽ bị thương hoặc chết bất cứ lúc nào. Bạo lực cứ thế đang tiếp diễn ở Mỹ. Và thật khiếp sợ khi vô tình bắt gặp hình ảnh một nữ phóng viên đưa tin về biểu tình đã bị trúng đạn cao su khiến mắt trái mù vĩnh viễn. Còn ở bang Indiana, một người đã bị bắn chết trong vụ nổ súng.
Khi số người chết do dịch bệnh Covid-19 không phải nhỏ, thiệt hại kinh tế hầu như gõ cửa từng nhà. Gói trợ cấp thất nghiệp được Quốc hội Mỹ thông qua sẽ hết hạn vào cuối tháng 7. Thất nghiệp là điều đã, đang và sẽ ra diễn ra rất nhiều ở Mỹ. Người dân túng quẫn mà dường như không có sự trợ giúp nào, không có sự chỉ đạo rõ ràng về những gì sẽ xảy ra, điều đó tạo điều kiện cho giận dữ, tuyệt vọng cấu thành nên nguy cơ bất ổn. Không ai đồng tình việc những người quá khích, hung hăng cướp bóc, đốt nhà cửa, công ty. Nhưng cũng không ai chấp nhận được cảnh sát đè cổ người da màu đến chết. Hành động này không chỉ làm rúng động thế giới về sự xâm phạm sâu sắc về nhân quyền, kỳ thị sắc tộc mà nó như “giọt nước tràn ly” khiến tất cả vỡ lẽ bạo lực có thể xuất hiện ngay cả ở đất được xem là văn minh, giàu có nhất thế giới.
Thế nhưng thật lạ khi không thấy bất kỳ một tổ chức nhân quyền nào trên thế giới hay trong lòng nước Mỹ lên tiếng chỉ trích những hành động bạo lực đang diễn ra ở đất nước họ. Hàng loạt cái tên tổ chức như “Người Bảo vệ Nhân quyền” Defend the Defender (DTD), Ân xá quốc tế (AI), Phóng viên không biên giới (RSF), Cơ quan Truyền thông Toàn cầu của Mỹ (USAGM), thậm chí là tổ chức Nhân quyền Human Rights Foundation (HRW) có trụ sở ở New York thường xuyên lên tiếng các vấn đề diễn ra trong nước Việt Nam, nay cũng im thin thít. Chẳng lẽ đúng như câu ông bà ta đã nói “bụt chùa nhà không thiêng”?
Đáng bàn, các tổ chức nhân quyền luôn tự khoác lên mình chiếc áo quan tòa để cho mình cái quyền rao giảng, đánh giá, phán xét về các vấn đề nhân quyền của các quốc gia không phù hợp “khẩu vị” và lợi ích của phường Tây, trong đó có Việt Nam. Lợi dụng cái mác vì “nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ ở Việt Nam đã trở thành sở trường của họ. Cụ thể ở Việt Nam chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật bị bắt giữ, truy tố và xét xử theo đúng quy định luật pháp hiện hành thế nhưng các tổ chức nhân quyền, đặc biệt là HRW chuyên đi rêu rao cái gọi là những “nhà hoạt động và bất đồng chính kiến” hay như “tù nhân lương tâm” cố tình đánh lận con chữ, làm sai lệch bản chất vấn đề để từ đó đưa ra những đánh giá, nhận định sai trái về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người; thực tế rõ ràng là điều mà bất kỳ một ai cũng không thể phủ nhận và bác bỏ. Cũng là biểu tình đấy, nhưng cách các chiến sỹ lực lượng vũ trang của Việt Nam đối xử với người dân lại hoàn toàn khác với cảnh sát Mỹ. Dù được huấn luyện chuyên nghiệp, được trang bị đầy đủ các phương tiện chiến đấu nhưng trước nhân dân, họ chấp nhận buông vũ khí, đứng yên để nhân dân ném bùn đất vào người, không để rơi vào tình thế đối đầu với nhân dân. Những hình ảnh xúc động thế này chưa bao giờ được các tổ chức nhân quyền thế giới ghi nhận, thay vào đó chỉ có những luận điệu xuyên tạc, sai trái hòng tạo mâu thuẫn giữa nhân dân và chính quyền, gây bất ổn tình hình xã hội trong nước ta.
Trở lại vấn đề nước Mỹ hiện nay, nếu các tổ chức kể trên thực sự ra đời dựa trên tôn chỉ bảo vệ quyền và lợi ích của con người thì đáng lẽ ra, họ không nên đứng ngoài trơ mắt nhìn và im lặng trước tình cảnh người da màu Mỹ bị bạo lực thế kia. “Làm ơn! Tôi không thể thở” đang trở thành khẩu hiệu biểu ngữ có tính lay động lòng người và lan tỏa lớn nhất nước Mỹ hiện nay. Một tổ chức nhân quyền đúng nghĩa chắc chắn sẽ không đứng ngoài cuộc nhìn nhiều người da màu khác có nguy cơ phải rên rỉ “Tôi không thể thở!” một lần nữa và chắc chắn vấn nạn phân biệt chủng tộc vốn là “ung nhọt nhức nhối” trong lòng xã hội Mỹ sẽ có được cách điều trị hợp lý hơn chứ không tồi tệ như hiện nay. Thế nên, nếu không có tổ chức nhân quyền nào lên tiếng thì thật khó để người dân Việt không nghĩ rằng họ thực chất chỉ là bàn tay nối dài của Chính phủ, lợi dụng “nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam chứ chẳng hề có tý khách quan nào với chính đất nước mình.
Đặng Trường
Nguồn: Cánh cò