Lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm, Quốc hội Việt Nam tiến hành họp trực tuyến đã đảm bảo thông suốt, thành công, hiệu quả
Kết thúc tuần làm việc trực tuyến thứ 2, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã dành phần lớn thời gian để bàn, cho ý kiến về nhiều dự án Luật quan trọng, đồng thời dành riêng 1 ngày để thảo luận Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đây cũng là tuần cuối cùng Quốc hội họp trực tuyến, để chuẩn bị bước vào đợt 2- họp tập trung vào ngày 8/6 tới.
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV
Báo cáo giám sát cho thấy, mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại, một năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1.286 trẻ em bị xâm hại và có 84 trẻ em bị mang thai. Đây là những con số được đưa ra tại phiên thảo luận trực tuyến việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.
Chưa dừng ở những con số này, theo nhiều đại biểu, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, chưa xử lý đầy đủ, nhất là có những hành vi lại xuất phát từ những người thân gây tổn hại về thể chất, tinh thần, sức khỏe cho trẻ em. Đó là mảng màu tối được nêu lên trong phiên thảo luận về nội dung này.
Ngoài những kẽ hở trong quy định pháp luật, đại biểu Quốc hội cho rằng, “vẫn còn nhiều góc khuất khác về hành vi xâm hại” mà một trong số đó “vẫn đang diễn ra công khai, thậm chí còn được cổ súy nhưng chưa được nhìn nhận trong Báo cáo giám sát lần này, bởi nó được khoác lên mình lớp vỏ bọc văn hóa”. Đó có thể là các chương trình, trò chơi giải trí… với đối tượng tham gia là trẻ em… đang khá phổ biến trên các phương tiện truyền thông hiện nay.
Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày nay, với những tiện ích của công nghệ thông tin, mạng xã hội, cùng mặt trái của kinh tế thị trường, sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận trong xã hội, thì ngoài “biết ăn ngủ, biết học hành”, trẻ em đã, đang và tiếp tục phải trang bị thêm kiến thức, kỹ năng mới: Tự vệ trước những hành vi bị xâm hại.
Với cách nhìn toàn diện như vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhất, hiệu quả nhất nghị quyết giám sát mà Quốc hội sẽ ban hành và tin tưởng rằng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng sẽ đạt được kết quả tốt hơn, vững chắc hơn.
Có lẽ chưa bao giờ một phiên giám sát tối cao của Quốc hội lại đong đầy các cung bậc cảm xúc như Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em lần này. Qua gần 50 ý kiến phát biểu, tranh luận của các đại biểu Quốc hội, bức tranh về xâm hại trẻ em với nhiều cảm xúc, mảng màu được “phác họa” một cách khá toàn diện.
Đại biểu Quốc hội thảo luận trên Hội trường tại Kỳ họp thứ 9
Để có một phiên họp sôi nổi, đầy trí tuệ, phải kể đến vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, nhất là các đại biểu chuyên trách. Có thể khẳng định, đại biểu chuyên trách chính là “linh hồn” của Quốc hội, bởi họ là hạt nhân trong hoạt động của cơ quan dân cử.
Từ thực tiễn hoạt động, các đại biểu chuyên trách là người đi đầu đóng góp quan trọng cho hoạt động của Quốc hội, nhất là trong việc xây dựng pháp luật, giám sát chuyên đề. Nhờ đó, hoạt động của Quốc hội luôn nhận được sự đồng thuận của cử tri.
Và một trong những nội dung của Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm là nên hay không nên nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách từ 35% tổng số ĐBQH như hiện nay lên mức 40% tổng số ĐBQH hoặc cao hơn nữa cho phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18 của Trung ương.
Đây là điểm nhấn của dự thảo Luật so với Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Tuy nhiên, cũng đặt ra sự mâu thuẫn trong sửa đổi Luật lần này khi vừa muốn tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, tăng số lượng ĐBQH có chất lượng cao, có trình độ chuyên sâu trong từng lĩnh vực nhằm hướng đến nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội; mặt khác, lại vừa muốn bảo đảm tính đại diện.
Một số dự án Luật khác được thảo luận trong tuần đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cử tri, nhân dân, đó là việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án hứa hẹn sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập của những cơ chế hòa giải, đối thoại hiện hành, giúp người dân có thêm lựa chọn để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. Đồng thời, giúp ngành tòa án giải tỏa bớt áp lực do tồn đọng, quá tải các vụ án cần phải xét xử.
Việc mở rộng đối tượng và diện tích đất được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ giúp người dân tiết kiệm được khoản tiền lớn, tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc miễn sắc thuế, tán thành và nhấn mạnh sự cần thiết ban hành nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nông thôn phát triển.
Một trong những vấn đề được cho là rất khó, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua đó chính là cơ chế chia sẻ rủi ro. Cơ chế chia sẻ rủi ro cũng được coi là một đề xuất táo bạo được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm trong dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư – PPP. Theo đó, để chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư, dự thảo Luật – PPP mới nhất đưa ra 2 cơ chế, đó là cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa nhà nước và nhà đầu tư.
Tại phiên thảo luận sáng 28/5, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với quan điểm cần có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Trong đó, phương án chia sẻ rủi ro theo phần tăng, giảm doanh thu của dự án được nhiều đại biểu ủng hộ bởi vừa hài hòa được lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư vừa bảo đảm tính hấp dẫn của dự án PPP.
Không có doanh nghiệp nào mà người lao động chủ yếu là người không nghề nghiệp, công cụ lao động là dao kiếm, thủ đoạn là vũ lực, đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Mai Bộ đưa ra để góp ý vào Luật đầu tư sửa đổi để đồng tình đề xuất bỏ dịch vụ đòi nợ thuê. Việc đưa kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm của Luật đầu tư (sửa đổi) tiếp tục nhận được nhiều luồng ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội trong tuần. Nếu được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 17/6 tới, dịch vụ đòi nợ thuê sẽ chính thức bị “khai tử”.
Cũng trong tuần, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Đồng thời, nghe Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm, Quốc hội Việt Nam tiến hành họp trực tuyến đã đảm bảo thông suốt, thành công, hiệu quả khi hoàn thành khối lượng công việc lớn. Việc đổi mới cách thức kỳ họp thể hiện Quốc hội luôn thay đổi, linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để theo kịp tình hình kinh tế, xã hội vì lợi ích nhân dân như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên khai mạc Kỳ họp. Đây là tình huống đặc biệt trong một bối cảnh đặc biệt, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Với việc ứng dụng thành quả của công nghiệp 4.0, phương thức hoàn toàn mới, thậm chí mang tính đột phá của Quốc hội lần này đã đặt nền tảng để tiến tới Quốc hội điện tử.
Từ ngày 8 đến ngày 18/6 tới đây, Quốc hội sẽ họp đợt 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, để xem xét, thông qua nhiều vấn đề quan trọng, trong đó một số vấn đề về kết quả của đợt họp trực tuyến này sẽ được tổng hợp rút kinh nghiệm./.
Nguồn: VOV.vn