98% đại biểu Quốc hội đánh giá tốt công tác tổ chức đợt 1 Kỳ họp thứ 9 và có đến 73% đại biểu đề nghi duy trì kỳ họp có 2 đợt trực tuyến và tập trung.
Sáng nay (29/5), tại Nhà Quốc hội, Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội tổ chức Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 12 và kết quả đợt 1, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là lần đầu tiên, Quốc hội tổ chức họp trực tuyến. Công tác chuẩn bị hết sức khẩn trương, bảo đảm công tác thông tin, hạ tầng công nghệ để Kỳ họp diễn ra thành công.
Qua lấy ý kiến các đại biểu quốc hội đánh giá kết quả họp trực tuyến cho thấy, có 98% đánh giá tốt công tác tổ chức; 97% đánh giá cao cách thức đăng ký phát biểu tại đợt họp trực tuyến; 95% đánh giá tốt và rất tốt về hệ thống đường truyền âm thanh, tín hiệu; 99% đánh giá tốt công tác hỗ trợ cho đại biểu trong tham gia họp trực tuyến; 94% đánh giá tốt công tác thông tin tuyên truyền và có đến 73% đại biểu đề nghị nên duy trì cách thức tổ chức một kỳ họp chia hai đợt.
Ngoài ra, công tác hậu cần, bảo đảm an ninh an toàn, an toàn thông tin mạng cũng được các đại biểu đánh giá tốt và rất tốt.
Thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 12, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, Trung ương đặc biệt lưu ý, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những đồng chí thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; có tầm nhìn và tư duy chiến lược; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức, có tài.
Về phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ tới, Trung ương chỉ rõ, tiêu chuẩn người ứng cử hoặc được đề cử để bầu làm Đại biểu quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải căn cứ vào tiêu chuẩn được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tiêu chuẩn cán bộ được quy định trong các nghị quyết, quy định của Đảng. Riêng đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.
“Giới thiệu người ứng cử phải đảm bảo trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp. Phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thứ hai, có một quốc tịch Việt Nam, điều này đang đưa vào trong Luật tổ chức Quốc hội, đại biểu đề nghị thêm từ “chỉ”- chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Có phẩm chất đạo đức tốt, “Cần kiệm liêm chính- chí công vô tư”, gương mẫu chấp hành bản lĩnh kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch cửa quyền các hành vi vi phạm pháp luật khác. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân lắng nghe ý kiến của nhân dân được nhân dân tín nhiệm”, ông Phúc nêu rõ./.
Nguồn: VOV.vn