Trang chủ Luận bàn - Phản biện Giám định tư pháp và những ‘món nợ’ thể chế

Giám định tư pháp và những ‘món nợ’ thể chế

165
0

Trong lĩnh vực hình sự án oan sai đã xẩy ra, trong đó nhiều vụ khiến cơ quan chức năng đã phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại, làm ảnh hưởng niềm tin công lý.

Chiều 21/5/2020, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giám định tư pháp, trong đó có việc bổ sung qui định về “Phòng giám định kỹ thuật hình sự” thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đây là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các thiết bị điện tử.

Nghị quyết 49 cách đây 15 năm

Trong thảo luận còn có ý kiến khác nhau, đó là sự bình thường. Tuy nhiên, sẽ là không bình thường nếu biết rằng dù có thêm một tổ chức mới về Phòng giám định trên đây thì cải cách tư pháp vẫn còn nợ Đảng và Nhân dân nhiều việc chưa làm được. Dự thảo của Chính phủ về tổ chức mới đó là rất tiến bộ, giúp củng cố niềm tin sẽ có thêm nhiều đổi mới tiếp theo để giảm các món nợ đã và đang có về cải cách tư pháp.

Còn nhớ, năm 2005, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 49 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (số 49/2005/NQ-BCT), trong đó đề ra nhiều việc phải làm. Từ đó đến nay, nền tư pháp đã làm được nhiều việc việc như: đặt công tố ngang hàng với bào chữa; bị can nếu bị điều tra có tội nghiêm trọng thì phải có luật sư ngay từ đầu; ban hành án lệ; chuyển giao tổ chức và công tác thi hành án dân sự cho Bộ Tư pháp…

Nhưng vẫn còn nhiều việc chưa làm được như: chưa hoàn thành việc tổ chức lại ngành Tòa án và ngành Kiểm sát theo cấp xét xử; chưa chuyển giao tổ chức và công tác thi hành án hình sự cho Bộ Tư pháp; chưa khắc phục triệt để tình trạng “án tại hồ sơ”; chưa thực hiện nghiêm qui định “chứng cứ là những gì có thật”; … Tất cả những thứ “chưa” đó và còn hơn nữa trong hoạt động thực tiễn của ngành tư pháp đã là mẫu số chung của những gì gọi là những tồn tại cần giải quyết của ngành này.

Đối với nhân dân, trong lĩnh vực hình sự, án oan sai đã xẩy ra, trong đó nhiều vụ khiến cơ quan chức năng đã phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho người bị kết tội không đúng pháp luật. Gần đây nhất, nhiều vụ đang gây bức xúc trong dư luận xã hội và một số đại biểu Quốc hội đã lên tiếng, ảnh hưởng đến niềm tin vào công lý.

Giám định tư pháp và những ‘món nợ’ thể chếVụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn gây ám ảnh khôn nguôi.

Ngược dòng lịch sử, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 đã không có thiết chế Viện Kiểm sát nhân dân, mà chỉ có Viện Công tố đặt trực thuộc Tòa án nhân dân. Thiết chế này tuy tiếp cận được với mô hình tiên tiến thời bấy giờ, nhưng không phù hợp với nguyên tắc “Dân chủ với nhân dân, Chuyên chính với kẻ thù” trong tổ chức nhà nước cách mạng.

Bởi vậy, năm 1958, Viện Công tố được tách ra khỏi hệ thống Tòa án, đặt trực thuộc Chính phủ để thực hiện các chức năng: điều tra, truy tố kẻ  phạm tội; giám sát việc điều tra, xét xử; thi hành án hình sự và dân sự; thực hiện giam giữ và cải tạo; khởi tố và tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự quan trọng liên quan đến lợi ích nhà nước và nhân dân.

Thiết chế này đã được hoàn thiện trong hiến định về Viện Kiểm sát nhân dân tại Hiến pháp năm 1959, năm 1992 và năm 2013 với những cải cách tư pháp theo các nghị quyết của Đảng, mà gần đây nhất là Nghị quyết 49 như nêu trên.

Để giảm án oan

Điểm nổi bật của nền tư pháp Việt Nam hiện hành là sự hiện diện của hai hệ thống, gồm Tòa án nhân dân với chức năng chủ yếu là xét xử; và hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân với chức năng chủ yếu là kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các tổ chức nhà nước, kinh tế, xã hội, và công dân, đồng thời thực hành quyền công tố.

Cả hai hệ thống này lại không có chức năng điều tra để phục vụ xét xử (có một số ngoại lệ). Chức năng điều tra từ năm 1946 đến nay đều do bộ máy hành pháp thực hiện, trong đó trước năm 1958 được giao chủ yếu cho Viện Công tố (trực thuộc Chính phủ), sau đó là Bộ Nội vụ, và hiện nay đang  giao Bộ Công an.

Khi Viện Công tố và Bộ Công an đều trực thuộc Chính phủ thì công tác kiểm sát điều tra là công việc thường ngày của hệ thống hành pháp; nay Viện Kiểm sát nhân dân tiến hành kiểm sát điều tra cũng tức là kiểm sát điều tra đối với hệ thống hành pháp, trong đó có cả sự liên quan từ Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, rộng ra là cả Chính phủ chứ không chỉ có một mình Bộ Công an.

Đó là những công việc không hề đơn giản, thậm chí rất phức tạp không chỉ trong lĩnh vực lập pháp, lập qui mà cả trong hoạt động thực tiễn. Trong khi phải tuân thủ sự phân công và phối hợp giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp theo hiến định thì có những công việc cụ thể, khẩn cấp, chứa đựng nhiều rủi ro đòi hỏi phải có qui định riêng ở tầm đạo luật, chẳng hạn như qui chế về “Phòng giám định kỹ thuật hình sự” thuộc Viện Kiểm sát nhân dân do Chính phủ đang trình Quốc hội tại kỳ họp khai mạc tháng 5 này.

Việc đó dù có thể sẽ làm tăng bộ máy, biên chế, chi ngân sách nhưng bù lại, chất lượng và hiệu quả của giám định tư pháp sẽ có bước ngoặt tăng lên về chất, trả được một món nợ cụ thể của cải cách tư pháp đối với Đảng, Nhân dân từ sau Nghị quyết 49. Từ nghị quyết này, ý Đảng đã rõ, lòng dân còn muốn hơn nữa.

Với quyền Tư pháp, mong sao sẽ có đột phá trong thời gian tới sau khi đã có thêm Phòng giám định trên đây của Viện Kiểm sát nhân dân; hoàn thành việc tổ chức lại hệ thống Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân theo cấp xét xử thay thế theo cấp hành chính lâu nay; công tác điều tra phục vụ xét xử  được thực hiện theo đúng sự thật, có sự giám sát thường xuyên của hệ thống hành pháp, và giám sát chuyên biệt của hệ thống tư pháp.

Nhân dân sẽ hài lòng nếu án oan sai sẽ không ngừng giảm xuống tới mức tối thiểu trong một trung hạn. Đặc biệt, đối với những “quan tham”, “quan sai”, nhân dân được ngang quyền với những loại quan này tại Tòa án trước khi chúng bị buộc tội.

Với quyền Lập pháp, mong rằng chức năng giám sát tối cao của Quốc hội sẽ chú trọng nhiều hơn tới những loại giám sát nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, công ăn việc làm, học hành của nhân dân. Về việc này, Kiểm toán Nhà nước là một thiết chế tiêu biểu tuy mới hình thành, nếu được nhân rộng thì hiệu quả, hiệu lực của giám sát tối cao sẽ có thể thay thế hàng loạt các loại giám sát mang tính biểu tượng khác.

Với quyền Hành pháp, đã đến lúc hệ thống điều tra, thanh tra, kiểm tra (viết tắt là Tam tra) cần có một Nghị quyết của Đảng để thực hiện một cuộc cải cách tương tự như Nghị quyết 49 về cải cách Tư pháp đã có từ năm 2005.

Trên thực tế, hệ thống Hành pháp đã nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ thực hiện cải cách hành chính với sự chú trọng dồn vào cải cách thủ tục, trong khi cải cách Tam tra lại chưa chính thức được gọi tên. Phần lớn những vi phạm pháp luật trong hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong xã hội đã được phát hiện không phải từ các tổ chức Tam tra mà là từ công tác kiểm tra và kỷ luật Đảng, hoặc qua tai mắt nhân dân và các phương tiện truyền thông. Thậm chí những sai phạm “ai cũng thấy như: Khai thác cát trái phép làm sụt lở bờ sông (nhiều nơi tại Đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng), xây nhà sai qui định (điển hình tại 8B Lê trực, Hà Nội), chặt cây phá rừng (điển hình tại Tây Nguyên), buôn bán hàng giả (tại hầu khắp các địa phương), tham nhũng các dạng.

Nhà nước Việt Nam được tổ chức theo ba quyền theo thông lệ quốc tế với một khác biệt, đó là có sự phân công và phối hợp giữa các Quyền Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp. Nói là cải cách riêng về Tư pháp hoặc cải cách riêng về Lập pháp, về Hành pháp cũng là nói về mỗi cải cách đó trong sự phân công và phối hợp giữa cả ba quyền.

Việc lập mới một “Phòng giám định kỹ thuật hình sự” đặt trực thuộc Viện Kiểm sát nhân dân do Chính phủ trình để Quốc hội xem xét và quyết định là một biểu tượng sinh động cho tính ưu việt của sự phân công và phối hợp giữa ba quyền.

Dự luật này đang được đánh giá cao và mong rằng dự án sẽ được Quốc hội hoàn thiện để thông qua sớm.

TS Đinh Đức Sinh

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây