Trang chủ Chính trị Chánh án Nguyễn Hoà Bình: “Chia sẻ hoà giải phải được giữ...

Chánh án Nguyễn Hoà Bình: “Chia sẻ hoà giải phải được giữ kín”

310
0

“Bảo đảm bí mật câu chuyện hòa giải là nguyên tắc bao trùm của chế định hoà giải, đối thoại tại toà án”

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh điều này khi báo cáo giải trình trước Quốc hội về một số nội dung đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ ngoài việc hòa giải ở trong cơ quan tòa án thì có thể ở ngoài tòa án nhưng phải có sự thỏa thuận của hai bên.

Theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình, hòa giải về mặt bản chất là tác động vào tâm lý của các bên tranh chấp, làm sao khơi dậy lòng vị tha, sự cao thượng, hướng thiện, sẵn sàng chia sẻ khó khăn và không cố chấp. Cho nên việc tác động này thông thường là lần lượt các bên và chủ yếu tác động vào bên đi kiện, tức bên nguyên.

Ví dụ như hai bên nợ nần nhau, bên khó khăn không trả được, bên đi đòi đâm đơn kiện thì chủ yếu tác động vào bên đi đòi để làm sao người ta chia sẻ khó khăn của bên nợ và và hai bên thỏa thuận với nhau.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình: “Chia sẻ hoà giải phải được giữ kín”
Chánh án Nguyễn Hoà Bình báo cáo, giải trình tại phiên họp sáng 25/5. Ảnh: Quốc hội

“Hay hai vợ chồng trục trặc, ly hôn thì chủ yếu tác động chia sẻ, vị tha vì các con. Người ta có thể lên chùa nhờ Hòa thượng nói thêm, những việc này chỉ cần một bên thôi chứ không nhất thiết phải hai bên dẫn nhau lên chùa. Việc như vậy đặt ra câu chuyện phải có sự thống nhất của cả hai bên thì hết sức khó khăn. Đây là một giải pháp linh hoạt” – ông Nguyễn Hoà Bình dẫn chứng.

Về quyết định công nhận của tòa án về kết quả hoà giải, đối thoại, theo ông Nguyễn Hoà Bình, có trường hợp cần quyết định nhưng có trường hợp lại không cần. Đơn cử như nợ nhau 100 triệu đồng, sau khi thoả thuận thì bên cho vay chỉ cần lấy 70 triệu và tranh chấp được giải quyết, không cần quyết định của toà án.

Nhưng có những quyết định thì dứt khoát phải có sự công nhận của tòa án như ngân hàng đòi nợ cả gốc và lãi nhưng sau đó chấp nhận không lấy lãi thì cần quyết định của toà để lãnh đạo cấp trên có căn cứ, tránh việc bị cho là gây thiệt hại cho ngân hàng hay móc ngoặc với nhau. Hay anh em thoả thuận chia đôi mảnh đất thừa kế, có quyết định công nhận của tòa án thì cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới có căn cứ giải quyết.

Về bảo đảm bí mật của câu chuyện hòa giải, Chánh án TAND Tối cao khẳng định đây là nguyên tắc bao trùm của chế định này. Bởi đôi khi người ta thổ lộ tâm tình với hòa giải viên những điều thầm kín như tại sao ly hôn thì những việc như thế không thể mang ra để thành câu chuyện đàm tiếu. Hay khi chia tài sản, người ta cũng không muốn công khai đất bao nhiêu, nhà bao nhiêu, tiền bao nhiêu, cổ phần cổ phiếu bao nhiêu.

“Tất cả những thông tin người ta chia sẻ về mặt đời tư thì bổn phận của hòa giải viên phải giữ bí mật. Đây là nguyên tắc rất lớn. Bản thân ông thẩm phán cũng không được phép biết về nội dung chia sẻ này. Chính vì vậy, theo luật không được ghi biên bản, không ghi âm hay ghi hình để bảo đảm rằng tất cả những điều mà người ta đã chia sẻ với hòa giải viên được giữ kín” – ông Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh./.

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây