Ảnh: Ngư dân Việt Nam quyết tâm bám biển (nguồn Internet)
Cục Hải cảnh Trung Quốc vừa ngang nhiên đưa ra cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp” ở biển Đông với sự giám sát của lực lượng hải cảnh và kiểm ngư. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Trung Quốc áp dụng lệnh này đối với hải phận của nước mình, nhưng không, như mọi lần “lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp” lại hết sức phi pháp khi Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc ra thông báo Quy chế cấm đánh bắt cá trên biển Đông, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc biển Đông đến 12 độ Vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/5/2020 đến ngày 16/8/2020.
Việc đưa ra cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp” nằm trong hoạt động thường niên hằng năm của Trung Quốc nói chung và đặc biệt trong năm nay nó nằm trong chuỗi các hoạt động ngang ngược của chính quyền Bắc Kinh muốn hướng lái dư luận trong và ngoài nước sau những tiếng xấu để lại trong việc để bùng phát đại dịch Covid 19 ra toàn cầu. Đồng thời, Trung Quốc lợi dụng thời điểm các nước khác đang bận bịu chống dịch để thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Peter Jennings, cựu quan chức quốc phòng Australia, nói “Đây là chiến lược có tính toán kỹ của Trung Quốc nhằm cố gắng lợi dụng khoảng thời gian các nước khác bớt chú ý và năng lực của Mỹ suy giảm để gây áp lực với các nước láng giềng”. Trước đó, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các động thái leo thang như đầu tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại khu vực đảo Phú Lâm, vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Triển khai hai trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh vệ tinh chụp ngày 10/4 cho thấy Trung Quốc triển khai trái phép ít nhất một trinh sát cơ KQ-200 tại đá Chữ Thập. đưa nhóm tàu sân bay Liêu Ninh vào Biển Đông, đưa nhóm tàu khảo sát HD-8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và khu vực đang khai thác dầu của Malaysia; phê chuẩn thành lập 2 quận đảo tại Hoàng Sa và Trường Sa; đặt tên cho một loạt đảo, bãi đá ở Biển Đông; đệ trình Công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (với nội dung tán thành bản tuyên bố về hải phận của Trung Quốc) lên Liên Hiệp Quốc; và yêu cầu Việt Nam rút khỏi các đảo, đá…
Ngay sau đó, Việt Nam, cụ thể là Hội nghề cá Việt Nam gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ban đối ngoại Trung ương, đề cập nội dung: Quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc không có giá trị pháp lý với các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. “Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình”, Hội nghề cá nêu và bày tỏ “kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc”. Quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam; vi phạm quyền và lợi ích pháp lý, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế khác.
Trái ngược lại đó, một số kẻ có ý đồ xấu lại ra sức tuyên truyền xuyên tạc, kích động quần chúng nhân dân biểu tình, đập phá. Thậm chí ngây thơ hơn, chúng tuyên truyền luận điệu rằng Việt nam phải liên minh quân sự với Mỹ để chống lại Trung Quốc?!? Tuy nhiên, những kẻ xúi bẩy đó lại cố ý lờ đi việc Việt Nam mạnh hơn Trung Quốc về bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, Việt Nam nên bảo vệ chủ quyền biển bằng cách tận dụng pháp luật quốc tế và mối quan tâm chung về an ninh hàng hải. Thứ hai, liệu rằng Việt Nam có còn độc lập, tự chủ hay sẽ biến thành chiến trường của Mỹ và Trung Quốc… có lẽ những điều này chỉ cần là một người tỉnh táo ai cũng có thể phát hiện âm mưu của những kẻ đứng sau. Như vậy, trong bối cảnh này, tốt nhất ta nên giữ vững niềm tin vào y tín và năng lực của Chính phủ Việt Nam đồng thời tẩy chay những luận điệu làm phức tạp thêm tình hình bởi vì Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam./.
Thiên Bình
Nguồn: Non sông Việt Nam