Trang chủ Chính trị 4 vấn đề cần làm rõ khi bỏ Sổ hộ khẩu

4 vấn đề cần làm rõ khi bỏ Sổ hộ khẩu

170
0

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết dự Luật cư trú sẽ bãi bỏ Sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, Cơ quan thẩm tra cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Tiếp theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, sáng nay (23/5), Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Bỏ Sổ hộ khẩu

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết,  hiện nay, các quy định của Luật Cư trú về điều kiện, thủ tục đăng ký cư trú đã tương đối cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú, lựa chọn nơi cư trú. Tuy nhiên trình tự, thủ tục đăng ký cư trú còn mang tính thủ công, rườm rà, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

Do đó, một trong những chính sách cơ bản của dự án Luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng sử dụng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

4 vấn đề cần làm rõ khi bỏ Sổ hộ khẩu
Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Tờ trình của Chính phủ, sáng 23/5.

 

Dự thảo luật bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ Hộ khẩu, đăng ký tạm trú bằng Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Cùng với đó là bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các thủ tục hành chính có nội dung liên quan đến Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú như: Tách Sổ Hộ khẩu; cấp đổi Sổ Hộ khẩu; cấp lại Sổ Hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu; xóa đăng ký thường trú…

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân, bởi phương thức quản lý này sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính, bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý dân cư chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn, khắc phục nhiều bất cập trong công tác quản lý dân cư ở nước ta hiện nay.

“Đây cũng là phương thức quản lý cư trú hiện đại dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế phát triển, được một số quốc gia trên thế giới áp dụng” – ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Nhiều vấn đề cần giải quyết

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của phương thức quản lý cư trú mới,  không gây xáo trộn lớn đối với cuộc sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động của các cơ quan nhà nước khi bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ 4 vấn đề.

Thứ nhất, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Tuy nhiên sau 4 năm mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam. Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.

4 vấn đề cần làm rõ khi bỏ Sổ hộ khẩu
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra.  

 

Thứ hai, nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Theo quy định của Luật Căn cước công dân, chậm nhất từ ngày 01/01/2020 phải thực hiện thống nhất công tác quản lý công dân thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, đến nay Cơ sở dữ liệu này vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, đã phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và chậm về tiến độ so với yêu cầu của Luật.

Vì vậy, để bảo đảm tiến độ hoàn thành việc xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất là bảo đảm việc bố trí đủ vốn cho dự án xây dựng các cơ sở dữ liệu này.

Thứ ba, khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ Sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân vì việc chứng minh hộ gia đình và quan hệ nhân thân hiện đang chủ yếu dựa vào Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Các thủ tục này đang được quy định trong một số văn bản luật và nhiều văn bản dưới luật.

Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới, đề nghị cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế các sổ này trong việc chứng minh quan hệ hộ gia đình, xác định quan hệ nhân thân, giải quyết thủ tục hành chính để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.

Thứ tư, trong quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân, Sổ hộ khẩu trong nhiều trường hợp cũng là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch dân sự như mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại… nhằm xác thực thông tin về nhân thân và nơi cư trú của bên sử dụng dịch vụ. Khi không còn Sổ hộ khẩu thì việc thực hiện các giao dịch này có thể sẽ khó khăn vì các bên không thể tự mình truy cập Cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết; nếu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin thì phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà và tăng thêm chi phí, thời gian.

Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ và quy định ngay trong Luật trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước; việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu về cư trú của tổ chức, cá nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú… trong các cơ sở dữ liệu.

Ngọc Thành/ VOV


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây