Trang chủ Chính trị “Chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng là chưa có tiền lệ“

“Chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng là chưa có tiền lệ“

154
0

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết như vậy trước thông tin Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long.

Sáng nay (22/5), bên hành lang Quốc hội, báo chí đã nêu câu hỏi xung quanh câu chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng kiêm nhiệm giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long.

Như tin đã đưa, ngày 18/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu đã ký quyết định về việc công nhận Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng là Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long.

Ông Nguyễn Văn Thắng sẽ kiêm nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long nhiệm kỳ 2020-2025.

“Chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng là chưa có tiền lệ“
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

“Câu chuyện Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh làm Hiệu trưởng trường đại học Hạ Long, nhiều người băn khoăn là kiêm nhiệm có đúng không?” – trả lời câu hỏi này của báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 22/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng Chủ tịch UBND tỉnh là cán bộ được bầu lên, thực hiện nhiệm vụ của cán bộ. Còn hiệu trưởng thì là chức danh trong đơn vị sự nghiệp. Cá nhân ông chưa thấy có quy định về vấn đề này.

“Có nghĩa là lâu nay chưa có tiền lệ việc Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm thêm chức Hiệu trưởng?” – “Chưa có. Có thể tham gia trong hội đồng trường” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời và cho biết sẽ xem xét lại thông tin.

Trao đổi với VOV.VN, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc chủ tịch một tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng một trường ĐH chẳng khác nào “vừa đánh trống vừa thổi còi”. Việc này hoàn toàn không nên, xưa nay chưa từng có.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời VOV.VN, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng hiệu trưởng một trường có thể do hội đồng trường đề nghị. Nhưng trong Luật Giáo dục đại học hiện hành cũng quy định người làm hiệu trưởng một trường đại học phải có kinh nghiệm quản lý đại học.

Một trường đại học có rất nhiều công việc, từ thi cử, tuyển sinh, công tác cán bộ, hoạt động nghiên cứu khoa học, nếu chưa có kinh nghiệm thì sẽ làm thế nào. Chưa kể, chủ tịch tỉnh phải làm rất nhiều việc, thời gian đâu để sát sao với công tác hiệu trưởng? Nếu đúng mục đích muốn trường phát triển, đáng ra chủ tịch tỉnh nên là người đứng ra chỉ đạo tìm một người có kinh nghiệm quản lý giáo dục về đảm nhiệm. Trong trường hợp không thể tìm được người thay thế, tình thế bắt buộc mới phải làm như vậy./.

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây