Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu những người làm công tác nhân sự Đại hội Đảng cần tinh tường, tỉnh táo, thận trọng lựa chọn cán bộ liêm chính, đủ tâm-tầm-tài, biết lo cho dân.
Lựa chọn đúng cán bộ, đặt đúng vị trí, phát huy được năng lực, sở trường của họ là trọng trách của những người “cầm lái” trước mỗi kỳ Đại hội Đảng.
Đó cũng là những vấn đề được các thế hệ đảng viên và toàn dân quan tâm với mong muốn có được đội ngũ những cán bộ liêm chính, đủ tâm-tầm-tài, biết lo cho dân, đưa “đất nước phát triển, nhân dân được nhờ” và sâu xa hơn là liên quan đến sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.
Khi đề cập về nhân sự Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phải sự tinh tường, thận trọng trong giới thiệu, lựa chọn cán bộ “đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong.”
Ngẫm ngợi, từ những ngày đầu cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, luôn có chính sách đặc biệt để thu hút người tài, đức tham gia xây dựng và kiến thiết đất nước.
Tiêu chí để Người lựa chọn nhân sự là những phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ;” nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, gần dân, hiểu dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân.
Người luôn căn dặn: “Phải trọng dụng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi người có ích cho công việc chung;”“Phải biết tùy tài mà dùng người, sử dụng cán bộ đúng chỗ, đúng việc.”
Nói ngắn gọn, tư tưởng thông suốt và nhất quán của Hồ Chí Minh là lựa chọn cán bộ có tài năng, có tinh thần vì dân, vì nước. Những lời dạy của Người cũng trở thành định hướng quan trọng cho công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp sau này, nhằm tìm ra những cán bộ lãnh đạo chủ chốt.
Đặc biệt, từ khóa XI đến nay, một loạt quy định, quy trình về công tác cán bộ, về lấy phiếu tín nhiệm… để ngày càng hoàn thiện hơn công tác cán bộ, trong đó phải kể đến Quy định số 262-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội; Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quy định số 105-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử…
Thông điệp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra, có thể hiểu rằng, việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự cấp ủy, các tổ chức Đảng phải rất thận trọng, tỉnh táo và tinh tường.
Khi nhìn nhận, đánh giá cán bộ, tránh lầm tưởng bởi “cái mã bên ngoài” là tiền bạc, hình thức, bằng cấp, danh hiệu, học hàm, học vị, thậm chí là những phát ngôn gây sốc, đánh trúng vào lòng dân. Dứt khoát, nhân sự được tin tưởng giới thiệu, lựa chọn giao phó việc Đảng, việc nước, việc dân, phải được nhận diện qua “cái bên trong,” tức là hiệu quả công việc, dựa vào thông tin từ dân, dựa vào các chi bộ.
Nhân sự đó phải hội tụ các phẩm chất như có đạo đức, có thực tài, có tinh thần yêu nước sâu sắc, có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược; biết “đặt lợi ích quốc gia dân tộc, của đất nước, của Đảng, của nhân dân lên trên hết.”
Nói ngắn gọn, nhân sự đó là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc (“chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.”)
Trong lịch sử, qua các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta đều xây dựng và ban hành những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình về giới thiệu, lựa chọn nhân sự, nhưng rồi vẫn “lọt” vào Trung ương những người trước đây đã từng mắc sai phạm, hoặc giáo điều, giỏi hô hào khẩu hiệu “học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ” nhưng hành động thực tế lại đi ngược với những gì Bác đã dạy.
Ở không ít cấp ủy, tổ chức Đảng, trong bộ máy Nhà nước có những cán bộ khi là công chức, viên chức bình thường thì giữ được đạo đức công vụ, sống đạm bạc, giản dị, hòa đồng với đồng nghiệp. Nhưng khi nắm chút quyền chức trong tay, họ lại trở nên thoái hóa, biến chất, tiêu cực, tham nhũng để rồi phải sa vào vòng lao lý.
Gần 100 cán bộ cao cấp vi phạm bị xử lý, kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội khóa XII đến nay, trong đó có những người giữ cương vị rất cao trong hệ thống chính trị và không ít người đã phải ngồi tù, cho thấy những vấn đề vô cùng phức tạp trong công tác cán bộ-công tác con người, đặc biệt là những vấn đề có liên quan tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Sự giản đơn, nóng vội, chủ quan, duy ý chí trong giới thiệu, lựa chọn cán bộ, những người đứng ra gánh vác việc Đảng, việc Nước, việc Dân, thật khó mang lại kết quả tốt đẹp.
Vẫn còn đó bài học về Nguyễn Xuân Anh, người từng làm tới Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa IX, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khóa XXI và nổi tiếng với những câu nói “có gang, có thép” như “tham nhũng là có tội với nhân dân, lãng phí là xúc phạm đến lòng tin của dân.”
Thế nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng vào cuộc, kiểm tra lại “lộ” ra hàng loạt vi phạm, khuyết điểm của Nguyễn Xuân Anh trong nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên.
Tấm bằng Tiến sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS) của Nguyễn Xuân Anh không được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận.
Những vi phạm, khuyết điểm của Nguyễn Xuân Anh nghiêm trọng đến mức làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, buộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng thi hành kỷ luật: Cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020; và cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Còn đó những vấn đề trong đề bạt, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ đối với trường hợp Trịnh Xuân Thanh – người khi là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Công ty này thua lỗ trầm trọng đến cả trên 3.274 tỷ đồng năm 2013, nhưng vẫn tiếp tục được thăng chức, leo lên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, tham gia ứng cử và được bầu làm Đại biểu Quốc hội…
Đáng suy ngẫm là sự thiếu tinh tường, thiếu thận trọng để “lọt” nhân sự kém năng lực và phẩm chất đạo đức, cũng đang diễn ra với xu hướng ngày càng phổ biến ở cấp ủy, chi bộ – nơi gần dân nhất.
Hiện tượng này gây ra bao điều ngang trái, như trường hợp Trần Thị Ngọc Ái Thảo – một nữ cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk “mượn” bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông của chị gái để làm việc và tiến thân; Phạm Trung Thành, Đảng ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Bảo vệ chính trị nội bộ thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương không có Bằng tốt nghiệp Phổ thông Trung học và đã sử dụng Bằng tốt nghiệp Phổ thông Trung học không hợp pháp để thi tuyển, học tập, tốt nghiệp và được Trường Đại học Luật Hà Nội cấp bằng cử nhân Luật…
Chính vì những lẽ này, trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, yêu cầu tinh tường, tỉnh táo, thận trọng, “đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong” đối với những người làm công tác nhân sự Đại hội, mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, đang được các thế hệ đảng viên cũng như toàn dân quan tâm, đồng tình, ủng hộ. Tất cả một lòng trông đợi Đảng, Nhà nước có được đội ngũ những cán bộ liêm chính, đủ tâm-tầm-tài, biết lo cho dân.
Mong mỏi đó như khẳng định của Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thông điệp mà người đứng đầu Đảng, Nhà nước gửi tới, đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân để chọn cho được đội ngũ cán bộ cấp cao, nhất là đội ngũ cấp chiến lược phải là những người thực đức, thực tài. Đó cũng chính là ý chí của toàn Đảng, toàn dân.
Những tiêu chuẩn này được cân nhắc rất kỹ lưỡng và đúc rút kinh nghiệm từ những bài học đắt giá, từ những sai lầm, khiếm khuyết trong công tác cán bộ thời gian qua.
“Muốn tìm đúng cán bộ có đức, có tài, không có gì tốt hơn là lắng nghe ý kiến của nhân dân. Việc lấy ý kiến nhân dân cũng phải có cơ chế, như việc cần thiết công khai quy hoạch nhân sự Trung ương dự kiến để toàn dân được biết và được đóng góp ý kiến. Nhân dân rất sát cuộc sống, lại gần với cán bộ nên họ biết ai là người thật, người giả, ai là người tốt, người xấu, ai là người tận tụy vì dân, ai là người luôn miệng nói vì dân nhưng thực chất là vì mình,” giáo sư Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Hạnh Quỳnh/ TTXVN
Nguồn: Cánh cò