Đại diện các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam và các chuyên gia kinh tế đều cho rằng sau dịch COVID-19, một cơ hội đã tới với ngành du lịch. Đó là cơ hội cơ cấu lại thị trường trường khách để tạo bộ mặt mới cho ngành du lịch và khởi động lại nền kinh tế dịch vụ.
5 xu hướng du lịch của người Việt sau giãn cách xã hội
Chiều 21/5, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch phối hợp với Ban IV (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đã tổ chức hội nghị bàn “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19”.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TAB cho biết: Những nghiên cứu của Hội đồng tư vấn Du lịch và các đối tác trong 3 tuần gần đây chỉ ra 5 xu hướng của người Việt sau giãn cách xã hội. Những xu hướng này đang góp phần định hướng phát triển sản phẩm du lịch trong thời gian tới…
Cụ thể, xu hướng đầu tiên là thị trường bắt đầu phục hồi trở lại vào giữa tháng 4 với trên 50% sẵn sàng du lịch trở lại. Thứ hai là ưu tiên về an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có ưu đãi. Thứ ba là xu hướng muốn du lịch biển và thiên nhiên. Thứ tư là xu hướng khách lựa chọn đi tour ngắn ngày, gần nơi sinh sống và 70% là lựa chọn đi cùng nhóm nhỏ, bạn bè. Cuối cùng là xu hướng khách muốn đặt tour trực tiếp với nhà cung cấp thông qua dịch vụ trực tuyến, trong đó có tới 62,1% muốn đi du lịch tự túc.
“Những xu hướng này cho thấy doanh nghiệp du lịch sớm đẩy nhanh chuyển đổi số để tăng năng lực cạnh trạnh so với thế giới và khu vực”, ông Trần Trọng Kiên đưa ra nhận định.
Còn ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist cho biết: Từ đầu tháng 5, đơn vị đã tái khởi động toàn hệ thống các gói kích cầu, liên kết các sản phẩm dịch vụ trong hệ thống và tiên phong phát động du lịch nội địa. Tuy nhiên, thực tế, vẫn có những hạn chế, tâm lý e dè, ngại tập trung du lịch theo nhóm.
Trong khi đó, ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết: Để phát triển du lịch nội địa và quốc tế thời điểm này, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan liên quan rất quan trọng, trong dó phải làm sao để người dân thấy an toàn khi du lịch.
Đứng ở góc độ chuyên gia, ông Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam kiến nghị: “Du lịch được coi là ngành mũi nhọn nên sau dịch COVID-19, chúng ta phải làm mới ngành du lịch của Việt Nam. Chúng ta cần có chiến lược cụ thể, không chỉ xoay quanh việc hạ giá, kích cầu mà là dịp để tái cấu trúc ngành du lịch từ thị trường, xúc tiến quảng bá và mở rộng các nước được miễn visa để thu hút khách”.
“Trước mắt, ngành du lịch kiến nghị với Chính phủ yêu cầu ngành giáo dục kéo dài kỳ nghỉ hè để kích cầu du lịch và khởi động lại một loạt ngành kinh tế dịch vụ khác”, ông Trần Đình Thiên cho biết.
Thực tế từ các chuyến khảo sát mới đây của Hiệp hội du lịch Việt Nam và phát động kích cầu du lịch nội địa từ các thành viên của hiệp hội, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam khẳng định: Trước mắt phải tạo tâm lý an toàn để khách đi du lịch, có như vậy hoạt động dịch vụ du lịch mới khởi động lại sau khi ngừng hoạt động từ tháng 4. Do đó, việc lựa chọn các điểm kích cầu là những nơi hàng không Việt Nam có đường bay để khởi động ngay chương trình kích cầu.
Ông Bình đề xuất phải liên minh kích cầu du lịch làm sao trong hai tháng là bước chạy đà khôi phục và phục hồi sau 4 tháng. Đến cuối năm, du lịch trở lại hoạt động như cũ, như vậy mới triển khai được du lịch quốc tế.
Lập sẵn kế hoạch phục hồi du lịch quốc tế
Ông Craig Douglas, Phó Chủ tịch công ty đầu tư Lodgis Hospitality Holdings nhận định: “Thị trường trong nước, khu vực châu Á không thể phục hồi nhanh, nhưng có thể từng bước mở cửa để đảm bảo Việt Nam là điểm đến an toàn vì thành công trong việc kiểm soát COVID-19. Thế giới cần biết thông điệp này, cần định vị Việt Nam như một thiên đường an toàn và cần tuyên truyền mạnh vấn đề này. Do đó, Việt Nam sớm sớm khởi động các chiến dịch marketting càng nhanh càng tốt”.
Đồng quan điểm, ông Christophe Lajus, Giám đốc khối kinh doanh khách sạn và du lịch, Tập đoàn BRG, chia sẻ: Việt Nam là điểm đến an toàn được cả thế giới công nhận. Đây cũng là thông điệp chính để giới thiệu Việt Nam với khách quốc tế. Và ngành du lịch Việt Nam nên truyền tải thông điệp này tới các du khách trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể đưa ra gói hỗ trợ truyền thông mạnh mẽ hơn để du khách an tâm tới thăm các điểm đến lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… Để quảng bá thành công, Chính phủ phải gia tăng mục tiêu an toàn, giải pháp tại chỗ để du khách yên tâm khi tới Việt Nam.
Đứng ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo đẩy mạnh du lịch nội địa và mở cửa du lịch quốc tế khi đảm bảo điều kiện cho phép để kích cầu du lịch nội địa. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng khởi xướng kế hoạch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và nhiều hoạt động đã được triển khai. Nhiều tỉnh chủ động kích cầu ngành như Quảng Ninh, Nghệ An… Sự bắt tay liên kết của các doanh nghiệp sẽ góp phần hiệu quả vào việc kích cầu.
Về thị trường du lịch quốc tế, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Việt Nam có nhiều lợi thế khi kiểm soát thành công COVID-19, được các nước đánh giá cao. Do đó, Việt Nam cần tranh thủ hiệu ứng truyền thông và kết quả hiện tại để tuyền bá hình ảnh và nâng cao hiệu quả du lịch Việt Nam. Trong tuần qua, một số đại diện cơ quan du lịch nước ngoài tại Việt Nam như Thái Lan, Hàn Quốc đã làm việc với Tổng cục Du lịch để thảo luận phát triển du lịch song phương, phục hồi như trước dịch.
Còn ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sau đợt dịch COVID-19, các đơn vị đều nhận thấy cần liên kết và đây là tín hiệu vui với du lịch nội địa. Hơn 80% khách của ngành hàng không là khách du lịch nên ưu tiên đầu tiên là hợp tác giữa hàng không và du lịch.
“Với thị trường nội địa, chúng ta nói nhiều về giảm giá, cam kết… nhưng mọi người phải đồng hành với nhau để không ai quá thiệt thòi. Bởi các doanh nghiệp nhỏ sẽ dễ phá sản nếu giảm giá sâu. Do đó, trong giai đoạn này, bên cạnh kích cầu là lựa chọn nhóm đối tượng cần hỗ trợ nhất để kiến nghị với Chính phủ. Chúng ta nên hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể thay đổi thị trường”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết.
Liên quan tới thị trường quốc tế, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết liên quan nhiều tới thời điểm, cách thức mở… với sự đồng hành của cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, công tác truyền thông điểm đến an toàn của Việt Nam vẫn còn yếu. “Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì, xây dựng kế hoạch mở cửa lại thị trường quốc tế theo 4 giai đoạn. Chúng ta chỉ sẵn sàng khi Việt Nam và các nước khác song phương đồng ý mở cửa”, ông Tùng cho biết.
Nguồn: Báo Tin tức