Trang chủ Chính trị Bí thư cấp ủy: Sàng lọc kỹ thì không lo phiếu bầu

Bí thư cấp ủy: Sàng lọc kỹ thì không lo phiếu bầu

158
0

VOV.VN -Trước đại hội, nếu công tác sàng lọc nhân sự được tiến hành nghiêm túc, đảm bảo độ tuổi, uy tín, kinh nghiệm thì kết quả bầu cử sẽ không bất ngờ.

Sau một thời gian tạm hoãn do đại dịch Covid-19, đại hội Đảng cơ sở và cấp trên cơ sở đang được tiến hành khẩn trương trên toàn quốc. Một trong những yêu cầu của Đại hội là bầu được Ban chấp hành và người đứng đầu cấp ủy đủ uy tín và phẩm chất, có thể gánh các được công việc của địa phương trong nhiệm kỳ mới. Muốn vậy, công tác lựa chọn và sàng lọc nhân sự trước Đại hội có một ý nghĩa quan trọng. Nếu sàng lọc kỹ, lựa chọn công tâm thì kết quả bầu cử ở Đại hội có thể nhìn thấy rõ.

Bí thư cấp ủy: Sàng lọc kỹ thì không lo phiếu bầu
Đại hội Đảng bộ xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An

Dân tự biết mình cần lựa chọn ai

Đảng bộ xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương là một trong 5 đảng bộ cơ sở được Nghệ An lựa chọn để bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội. Đầu tháng 5 vừa qua, tại Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, ông Phan Bá Ngọc đã được bầu lại làm Bí thư Đảng ủy xã với số phiếu gần như tuyệt đối, 216/217 phiếu. Tìm hiểu thực tế thì được biết, ông Ngọc giữ chức Chủ tịch xã gần 10 năm qua và có 2 năm làm Bí thư xã. Lăn lộn với thực tiễn, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, ông Ngọc được dân tin chính là bởi tính cách “nói đi đôi với làm”.

Thanh Liên là xã thuần nông, nếu không dám “nghĩ lớn” thì thu nhập của bà con sẽ không bao giờ bứt lên được. Ông Ngọc vận động bà con nhận những diện tích lớn để làm nông nghiệp “ra tấm ra món”. Những mảnh nào đất xấu, bạc màu, vị trí không thuận lợi thì cán bộ xã phải nhận và bắt tay vào làm. Bản thân ông trực tiếp nhận 1,5 ha đất bạc màu (loại đất 5%), tiến hành cải tạo đất và trồng trên đó rất nhiều loại cây ăn quả và hoa màu. Kết quả, mỗi năm, gia đình ông có thu nhập từ 300-400 triệu đồng. Và những mô hình như vậy ở Thanh Liên ngày càng nhiều, hiện đã lên tới con số gần 40 hộ. Thu nhập của bà con trong xã tăng lên. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư, tu bổ. Thực tiễn đó đã quyết định lá phiếu tại đại hội. Dân tự biết mình cần lựa chọn ai.

Bí thư cấp ủy: Sàng lọc kỹ thì không lo phiếu bầu
Ông Phan Bá Ngọc- Bí thư Đảng ủy xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, Nghệ An

“Dân bầu cho mình như thế, thực lòng thì mình thấy trách nhiệm càng lớn bởi nếu không làm cho Thanh Liên thay đổi, khấm khá hơn trước thì mình đã phụ lòng tin của dân rồi”- Bí thư Đảng ủy xã Thanh Liên Phan Bá Ngọc cho biết.

5 năm trước, cũng tại huyện Thanh Chương, đại hội điểm được tổ chức tại xã Thanh An, vị cán bộ được cơ cấu chức Bí thư đã không trúng cử vào Ban chấp hành. Thanh Chương coi đây là bài học trong công tác cán bộ. Cũng bởi vậy, trong nhiệm kỳ vừa qua, 12 cán bộ chủ chốt cấp xã (bí thư hoặc chủ tịch) đã bị điều chuyển bởi năng lực yếu và cả mắc sai phạm. Chẳng hạn như vụ việc xây dựng chùa Linh Sâm, xâm lấn vào đất đền Hữu – một di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia ở Nghệ An xảy ra tại xã Thanh Yên. Đầu năm nay, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Yên phải nhận kỷ luật cảnh cáo và chuyển xuống làm Chủ tịch hội nông dân xã bởi nếu để vị cán bộ này tiếp tục ở lại thì chắc chắn dân sẽ không bầu tại Đại hội Đảng nhiệm kỳ này. 

Bí thư cấp ủy: Sàng lọc kỹ thì không lo phiếu bầu
Ông Trình Văn Nhã, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Thanh Chương, Nghệ An

Ông Trình Văn Nhã, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Thanh Chương cho biết, nhân sự toàn bộ 73 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 38 xã- thị trấn đã được duyệt rất kỹ. Một điều đặc biệt là chưa có nhiệm kỳ nào mà trước đại hội, số đơn thư lại ít như nhiệm kỳ này. Đây là điều không đơn giản ở một địa phương có hơn 13.400 đảng viên và nặng về văn hóa làng xã.

“Trước đại hội, công tác sàng lọc nhân sự được tiến hành rất nghiêm túc. Nếu không đảm bảo độ tuổi, uy tín, kinh nghiệm thì cương quyết điều chuyển. Khi dân có ý kiến, đảng viên có ý kiến thì phải giải quyết kịp thời, xử lý dứt điểm. Có thế thì dân mới tin. Tại đại hội Đảng cấp cơ sở, cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn, Thanh Chương chấp nhận cho bầu thiếu Ban chấp hành chứ không có chuyên du di. Nếu chuẩn bị tốt nhân sự thì khi ra đại hội, không lo phiếu bầu” – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Thanh Chương Trình Văn Nhã khẳng định.

Thay thế cán bộ “xã cử, dân bầu”, học hành chắp vá

Tại một địa phương khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An là thị xã Hoàng Mai- cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, công tác sàng lọc nhân sự trước đại hội cũng được tiến hành rất nghiêm túc. Trong nhiệm kỳ qua, 3 trong tổng số 10 xã, phường trên địa bàn Hoàng Mai đã phải thay bí thư, chủ tịch UBND và tại đại hội đảng cấp cơ sở lần này, thêm 2 cán bộ nữa từ Thị ủy Hoàng Mai được điều chuyển xuống làm Bí thư đảng uỷ.

Bí thư cấp ủy: Sàng lọc kỹ thì không lo phiếu bầu
Ông Võ Văn Dũng- Bí thư Thị ủy Hoàng Mai, Nghệ An

“Nơi nào “hổng” cán bộ, hoặc năng lực hạn chế, chúng tôi tiến hành thay thế và công việc ở đó chuyển biến rõ nét. Những cán bộ không đảm bảo yêu cầu, dần dà sẽ được thay thế, trong đó có những cán bộ “xã cử, dân bầu”, học hành chắp vá, giải quyết công việc theo kiểu kinh nghiệm chủ nghĩa, thiếu tầm nhìn và nhiều khi chấp nhận sống chung với bất cập, không nỗ lực giải quyết”.

Bí thư Thị ủy Hoàng Mai Võ Văn Dũng nêu thực tế tại địa phương và cho biết, hướng sắp tới của Hoàng Mai là sẽ phấn đấu 60-70% Bí thư cấp ủy xã, phường phải là những người được đào cơ bản, lý luận cao cấp bởi chất lượng cán bộ sẽ quyết định chất lượng phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Nếu mọi việc được giải quyết tốt ở cơ sở thì cấp trên sẽ “nhàn” đi rất nhiều để có thể thực hiện những kế hoạch, chủ trương lớn hơn.

“Muốn có cán bộ tốt thì khâu lựa chọn cán bộ phải hết sức công tâm, khách quan, không có yếu tố cá nhân, thân quen, cánh hẩu ở đây. Cán bộ phải thực sự tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì vậy chọn cán bộ phải từ hiệu quả công tác ở vị trí được giao, được nhân dân ủng hộ”- Bí thư Thị ủy Hoàng Mai chia sẻ.

Bí thư cấp ủy: Sàng lọc kỹ thì không lo phiếu bầu
 Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Yên Thành lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 -2025. Ảnh: Báo Nghệ An

Thực hiện chủ trương khuyến khích bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội, Nghệ An chọn 5 đảng bộ cơ sở thực hiện chủ trương này. Kết quả cho thấy, các Bí thư cấp ủy đều trúng cử với tỷ lệ rất cao (cao nhất là 100% và thấp nhất là 95%). Theo kế hoạch, đến ngày 30/6, hơn 1400 tổ chức cơ sở Đảng và chi bộ cơ sở ở Nghệ An sẽ hoàn thành đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 theo tiến độ chung. Đánh giá về công tác sàng lọc cán bộ trước kỳ Đại hội, ông Hồ Phúc Hợp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, tinh thần chung là kiên quyết loại bỏ những cán bộ không đủ năng lực, không chuẩn về bằng cấp. Đánh giá cán bộ phải nhìn vào quá trình công tác, nhìn vào uy tín.

Cũng theo ông Hợp, trong tháng 5 này, 4 đảng bộ cấp trên cơ sở tại Nghệ An được chọn để tiến hành đại hội điểm là Yên Thành, Con Cuông, Đảng bộ thị xã Cửa Lò và Đại hội Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh. Dù là đại hội điểm nhưng nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu thì có thể bầu thiếu Ban chấp hành rồi sau này bổ sung chứ không vì cơ cấu mà xem nhẹ chất lượng. 

Dự kiến, các đảng bộ cấp trên cơ sở tại Nghệ An sẽ hoàn thành đại hội trong tháng 8 và Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh sẽ tiến hành vào tháng 10 năm nay./.

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây