Trang chủ Luận bàn - Phản biện 7 điều nói với Viện trưởng VKS

7 điều nói với Viện trưởng VKS

170
0

Bài viết của luật sư Trần Huy Tuấn

***

7 điều  nói với Viện trưởng VKS

Không muốn nhắc lại, nhưng Viện trưởng nói rằng: “Ai bảo viện trưởng kháng nghị sai thì nhờ chỉ ra”, nên xin phép Viện trưởng được nêu 7 ý kiến:

Thứ nhứt, Thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm trong Tố tụng Hình sự “theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án chết mà cần minh oan cho họ” được hiểu là thời hạn kháng nghị, chứ không phải số lần kháng nghị. Vì vậy, Viện trưởng VKSNDTC (trước đây) đã bác kháng nghị đối với vụ án thì không được quyền kháng nghị lại cùng vụ án đó, trừ khi có yêu cầu đặc biệt của UBTVQH.

Điều đó có nghĩa là VKSNDTC đã bác kháng nghị đối với vụ án HDH, rồi kháng nghị lại đối với cùng vụ án đó là không đúng thẩm quyền, hay nói một cách khác là không đúng qui định của pháp luật.

Thứ hai, Điều 371; “(ii)Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;” ở đây có 2 cụm:

– “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử”

– “dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”

Vậy, ở đây VKSNDTC kháng nghị theo vế thứ nhứt, nhưng thiếu vế thứ 2 là chưa đúng qui định của pháp luật. Và tại phiên tòa GĐT ngày 8/5 Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã làm rõ và có căn cứ để kết luận là không oan, dù sai (tố tụng) nhưng cái sai không làm thay đổi bản chất vụ án (tức không oan).

Thứ ba, việc Chủ tịch nước bác đơn ân giảm (xin miễn tử hình) đối với HDH là chấm dứt quá trình tố tụng, đồng thời luật thi hành án có hiệu lực pháp luật. Việc Văn phòng CHỦ TỊCH NƯỚC có đơn đề nghị VKSNDTC xem xét là “giải quyết theo đúng qui định và thẩm quyền” là văn bản hành chính chuyển đơn giải quyết theo thẩm quyền, chứ không phải là văn bản pháp luật, và (văn bản đó) không phải là căn cứ để VKSNDTC kháng nghị (như dòng thứ nhất ở trên)

Thứ tư, việc Hội đồng Thẩm phán TANDTC cho rằng VKSNDTC kháng nghị trái thẩm quyền (trái luật) nhưng TANDTC lại mở phiên tòa?! Điều này phải hiểu rằng, theo qui trình của tố tụng hình sự về thủ tục giám đốc thẩm, thì khi có kháng nghị của VKSTC (dù đúng hay sai), Tòa án vẫn phải mở phiên tòa để kết luận.

Thứ năm, về việc đã có phán quyết của Hội đồng Thẩm phán thì thẩm quyền xem xét lại (nếu có) thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, nhưng cần nhớ rằng, quyết định xem xét lại thuộc về Tòa án, dựa trên căn cứ mà UBTVQH xét thấy quyết định của Hội đồng thẩm phán là trái pháp luật, hoặc có chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ án thì yêu cầu Chánh án TANDTC giải quyết và dưới sự giám sát của UBTVQH. Điều này cũng có nghĩa rằng, UBTVQH không có thẩm quyền làm thay công việc của Tòa án.

Thứ sáu, Trong đơn báo cáo Tổng bí thư – Chủ tịch nước, Viện trưởng cho rằng HDH có khả năng bị oan vì HDH không thể có mặt tại thời điểm gây án, nhưng tại kháng nghị Giám đốc thẩm lại đề nghị trả hồ sơ để điều tra về hành vi “hiếp dâm” là trái thực tiễn, trái với khoa học pháp lý. Đây là kiểu báo cáo với kháng nghị mang tính lập lờ.

Thứ bảy, kháng nghị của VKSNDTC nêu ra là Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long an đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi mua con dao, cái thớt ngoài chợ về làm vật chứng vụ án. Tuy nhiên, tại phiên tòa Giám đốc thẩm, chính VKSNDTC cũng đã thừa nhận sai sót và xin đính chính lại nội dung kháng nghị này; nghĩa là con dao, cái thớt chỉ là cơ quan điều tra dùng làm vật tương tự để phục vụ công tác thực nghiệm điều tra chứ không phải là vật chứng của vụ án.

KẾT LUẬN:

Viện trưởng có báo cáo hay kiến nghị thế nào, thì kết quả cuối cùng, cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ giữ nguyên quyết định của HĐTP TANDTC ngày 8/5.

Tuy nhiên, hậu quả để lại của Viện trưởng là vô cùng khủng khiếp, tạo tiền đề để các thế lực thù địch lợi dụng tấn công vào nền tư pháp VN.

Nói thêm về một vài chi tiết nhỏ (nhỏ thôi) có trong hồ sơ vụ án. Là tại thời điểm xảy ra vụ án, HDH có mặt tại hiện trường không???

Tại Kháng nghị của Viện Kiểm sát cho rằng: “Không có căn cứ xác định Hải có mặt tại hiện trường khi xảy ra vụ án. Bản án kết luận Hải có mặt tại hiện trường vào khoảng 19h30’ là không có căn cứ và Hải không thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trước 19h39’22” theo lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường”….

Điều này, HĐTP TANDTC nêu rõ: Cần tổng hợp chứng cứ (tức là HĐTP bảo VKS cần tổng hợp chứng cứ lại để đánh giá, chứ không phải ngắt chứng cứ ra để kháng nghị).

Cũng tại lúc này, đại diện HĐTP TANDTC dẫn một số bút lục, tài liệu, bản ảnh liên quan có trong hồ sơ vụ án và chỉ rõ:

– Từ 19h30’ ngày 13/01/2008 trở đi, nhiều nhân chứng như anh Hồ Văn Bình, anh Đinh Vũ Thường, ông Nguyễn Văn Thu, bà Nguyễn Thị Rưởi… thấy Hải có mặt ở Bưu cục Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).

– Nhật ký điện thoại của Hải và của nạn nhân cho thấy lúc 19h13’, Hải nhận điện thoại gọi đến. Sau khi đó, Hải di chuyển và có mặt ở bưu cục Cầu Voi vào lúc 19h30’.

– Những mẩu vải, thắt lưng… còn sót lại sau khi Hải đốt quần áo của mình trùng hợp với nhiều đặc điểm của người mà nhân chứng đã nhìn thấy có mặt tại hiện trường sát trước thời điểm xảy ra vụ án.

– Theo nhân chứng Đinh Vũ Thường khai, lúc 19h30’ tối 13/01/2008, anh ta có đến Bưu điện cầu Voi để gọi điện thoại về nhà và nhìn thấy chiếc xe máy Dream màu nâu đã cũ, có gương chiếu hậu ngắn bên trái tay lái tại sân của Bưu điện. Chiếc xe bị thu giữ. Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Hải thừa nhận có sử dụng chiếc xe đó, biển số 62F5-0842 vào tối 13/01/2008, biển số 62F5-0842.

Qua ảnh chụp, các nhân chứng Đinh Vũ Thường, Nguyễn Thị Rưởi và Nguyễn Văn Thu đã nhận dạng đúng chiếc xe đó.

– Việc xác minh việc sử dụng thời gian của Hải tối 13/01/2008, Cơ quan điều tra phục dựng hành trình mà Hồ Duy Hải từ lúc trả chiếc xe Wave cho Dì ruột rồi mượn chiếc Dream 62F5-0842 đi đến hiệu cầm đồ. Hải đến hiệu cầm đồ lúc 19h13’ và tại đó đã nói chuyện điện thoại với anh Võ Lộc Đang khoảng 30s (theo nhật ký gọi điện của anh Võ Lộc Đang, đối khớp với nhật ký điện thoại của Hải). Chủ hiệu cầm đồ Kim Long xác nhận Hải làm thủ tục cầm đồ khoảng 5’ và sau đó di chuyển từ đó đến Bưu cục Cầu Voi. Điều tra viên đã cho Hải cầm chiếc Dream 62F5-0842 đi lại hành trình để thực nghiệm thì thời gian di chuyển 7,5km từ hiệu cầm đồ Kim Long đến Bưu cục Cầu Voi mất 15’. Vậy, Hải đến Bưu cục Cầu Voi và có mặt tại đó lúc 19h34’. Nhân chứng Đinh Vũ Thường không quen biết Hải nhưng đã nhận dạng thanh niên có mặt tại phòng khách bên trong Bưu cục Cầu Voi khớp với lời khai của nhân chứng Hồ Văn Bình về nhận dạng của Hải.

– Chị Nguyễn Thị Bích Ngân, người bán trái cây gần đó xác nhận có một phụ nữ đi ra từ Bưu điện Cầu Voi. Người này đến mua trái cây và nói rằng Bưu điện có khách và khách đưa tiền đi mua trái cây về ăn. Trong biên bản hỏi cung, Hải khai có đưa cho nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân để mua trái cây về ăn. Đôi khớp với biên bản khám nghiệm hiện trường mô tả và ảnh chụp hiện trường thì trên bàn nước cạnh bộ salon có một túi trái cây. Bà Ngân đã xác nhận chính túi trái cây đó do bà bán cho nạn nhân.

Tổng hợp các chứng cứ gián tiếp này cho thấy Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường Bưu cục Cầu Voi vào thời điểm xảy ra vụ án.

Án truy xét là án đặc biệt khó nhằn để truy tìm và nhận diện tội phạm, nên từ những dấu vết hồ sơ thu thập sau 1 tháng tổng hợp mới bắt được Hải. Khó khăn trong công tác điều tra chẳng ai hiểu được, ngoài lời nhận tội của hung thủ, lời khai của các nhân chứng/người liên quan khác, còn có truy xuất nhật ký cuộc gọi và đối chiếu, mặt dây chuyền nằm trong áo ngực nạn nhân khớp với sợi dây chuyện bị đứt mặt bích nằm trong tiệm cầm đồ được cơ quan điều tra thu hồi từ lời khai của Hải chỉ điểm, thế mà Viện trưởng lại bảo “vi phạm tố tụng thì phải huỷ, còn tìm được hung khí hay không là việc của cơ quan điều tra!!!”.

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây