Hồ Chí Minh – nhà tiên tri về tương lai khăng khít của quan hệ Nhật-Việt
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng vô tận của các hãng truyền thông quốc tế, trong đó có các hãng truyền thông của Nhật Bản. Cũng không nhiều người biết Hãng truyền hình thông tấn NDN (Nihon Denpa News) đã có những bộ phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh gây hiệu ứng lớn đối với toàn thế giới từ những năm chiến tranh Việt Nam đang khốc liệt.
NDN thành lập năm 1960-Hãng thông tấn truyền hình đầu tiên của Nhật Bản có văn phòng đại diện tại Hà Nội từ 4/12/1964. Đặc biệt năm 1966, NDN-trở thành hãng truyền hình đầu tiên của Nhật Bản phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, vào năm 1969, hãng đã làm bộ phim tài liệu mang tên “Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Bộ phim đã được NDN trao tặng cho Đài Truyền hình Việt Nam vào năm 2008. Thông qua đây, lần đầu tiên nhân dân Việt Nam được chứng kiến những hình ảnh đầy đủ nhất về tình cảm của nhân dân Việt Nam, cộng đồng quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với Việt Nam anh hùng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhóm NDN trong Phủ Chủ tịch
Dự báo tương lai khăng khít của quan hệ Nhật-Việt
Nhà báo Suzuki Toshiichi của NDN đã trực tiếp phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc phỏng vấn diễn ra khoảng 15 phút với nội dung về cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam và sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc chiến tranh này.
Sau khi đã trả lời những câu hỏi về đặc điểm của cuộc chiến tranh Việt Nam, ý nghĩa của bức thư mà Người gửi cho Nguyên thủ các nước vào 24/1/1966, kêu gọi sự ủng hộ của các nước trên thế giới… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không quên cám ơn nhân dân Nhật Bản đã chung lòng, chung sức với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc:
“Sau cùng, tôi tỏ lòng chân thành cám ơn nhân dân Nhật Bản đã nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam chúng tôi. Nhân đây, tôi muốn nói thêm là nhân dân Nhật Bản nói chung, mà trí thức Nhật Bản nói riêng đã có hoạt động tích cực để chống chiến tranh xâm lược Mỹ và ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Có những cuộc diễn thuyết, có những bài viết về trí thức Nhật đi quyên tiền để thuê báo Mỹ, đăng những ý kiến của mình chẳng những cho nhân dân Nhật, mà còn cho nhân dân Mỹ biết những xu hướng, những ý kiến của trí thức Nhật đối với chiến tranh phi nghĩa là như thế nào và đối với chính nghĩa của nhân dân Việt Nam là hết sức ủng hộ”.
Bức thư viết tiếp: “Một thí dụ như cuộc vận động của toàn thể nhân dân Nhật chống lại điều ước Nhật-Hàn và lấy chữ ký, đã có 6 triệu người ký. Trong cuộc vận động đó, nhân dân Nhật cũng kết hợp ủng hộ việc chống đế quốc Mỹ và ủng hộ nhân dân Việt Nam. Thanh niên Nhật cũng hăng hái.
Nói tóm lại, chúng tôi rất biết ơn sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân Nhật, trí thức cũng như nhân dân lao động.
Còn Tôi thường tiếp được một số thư của công nhân, của thanh niên, nói lên cái lòng hăng hái của họ nếu khi nào nhân dân Việt Nam cần, thì họ sẵn sàng sang cùng nhân dân Việt Nam kề vai sát cánh, để chống lại đế quốc Mỹ. Đó là tình hữu nghị rất là quí báu. Mà như thế là nhân dân Nhật đã thấy tương lai của nước Nhật, tương lai của Việt Nam là nó khăng khít với nhau. Mà trong lúc Mỹ chiến tranh xâm lược Việt Nam, đồng thời nó cũng có âm ưu xâm lược Nhật, vì vậy, nhân dân hai nước chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, chống lại đế quốc Mỹ. Đó là lợi ích chung của nhân dân Việt Nam và nhân dân Nhật. Mà sự đoàn kết của chúng ta nhất định sẽ thắng lợi.
Tôi nói đến đây, nhờ các đồng chí chuyển lời biết ơn của nhân dân Việt Nam đến nhân dân Nhật.”
Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trầm, ấm đầy tình cảm khi nhắc tới sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân Nhật Bản, dự báo quan hệ tốt đẹp của hai nước trong tương lai vì lợi ích chung của nhân dân hai nước.
Và cuối cùng Hồ Chí Minh cảm ơn phóng viên Nhật Bản bằng câu tiếng Nhật “Arigatougozaimasu”.
Tầm nhìn quốc tế về vai trò của báo chí
Nếu như trong cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh của NDN, chúng ta thấy một Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược cho cuộc đấu tranh giải phóng giải phóng dân tộc, thì trong bộ phim tài liệu “Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh” lại là tình cảm đặc biệt của nhân dân Việt Nam, nhân dân quốc tế trong đó có nhân dân Nhật Bản đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bộ phim “Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh” có độ dài 9 phút do Hãng truyền hình Nihon Denpa News NDN (Nhật Bản) thực hiện năm 1969 bằng phim màu 32 ly.
Lời bình của phim bằng tiếng Nhật, tái hiện lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo gần dân, luôn dành nhiều thời gian đi thăm các tầng lớp nhân dân. Phim cũng ghi lại hình ảnh Người đã đến thăm và động viên bộ đội phòng không vào tháng 02/1966, trong lúc cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đang ở trong giai đoạn ác liệt.
Đặc biệt, phim nhắc lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng hoa cho từng nhà báo quốc tế trong buổi lễ mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1968. Điều này chứng tỏ Hồ Chí Minh có tầm nhìn quốc tế về vai trò của báo chí. Và thực tế sau này đã minh chứng điều đó.
Cuối bộ phim, sau khi nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta nhất định chiến thắng. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất” đã đưa ra lời bình rằng: “Tên tuổi và hình ảnh của Người mãi mãi khắc sâu trong trái tim, khối óc của nhân dân”.
Những hình ảnh đó đã được phát trên tất cả những kênh truyền hình của Nhật Bản lúc đó, gây tiếng vang lớn về nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cống hiến trọn đời cho dân tộc, cho nhân dân Việt Nam. Hơn thế nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh như tiếp thêm lòng can đảm cho người dân Nhật Bản và kể cả người dân Mỹ ủng hộ nhân dân Việt Nam và xuống đường phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam.
Nhà quay phim Ishigaki Misao kể lại rằng, những hình ảnh đầu tiên ông quay được, sau hai tuần đặt chân tới Hà Nội, là hình ảnh Hồ Chủ tịch đã nằm yên nghỉ trong Hội trường Ba Đình, với dòng người, dường như vô tận, vào tiễn biệt, trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ trầm buồn.
“Lần đầu tiên, tôi thấy cả một biển người đang khóc. Ở Nhật Bản chưa từng có một thời khắc lịch sử nào như vậy”, Ishigaki hồi tưởng quá trình quay bộ phim này.
Cả đất nước Việt Nam, cả thế giới đưa tiễn Người, nhưng cũng luôn khắc sâu hình ảnh một nhân cách lớn, trí tuệ lớn mang tầm ảnh hưởng tới cả tương lai.
Hồ Chí Minh-Người đáp ứng mong mỏi của nhân dân
Nhà báo Murano Hiroshi-nguyên lãnh đạo cao cấp của báo Asahi
Nhà báo Murano Hiroshi-nguyên lãnh đạo cao cấp của báo Asahi-một trong những tờ báo hàng đầu của Nhật Bản cho biết rằng, thời kỳ chiến tranh Việt Nam, ông chỉ là một chàng thanh niên mới vào nghề và sống trong thời kỳ đất nước Nhật Bản bắt đầu phát triển mạnh về kinh tế. Thế hệ người Nhật như ông đều biết đến Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nước Mỹ đã nhân danh tự do của Đông Dương vì một nước Mỹ hùng mạnh mà quên mất đi những mong mỏi chính đáng của con người, trong đó có cả những người công dân của chính đất nước họ. Và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đấu tranh vì những mong mỏi không những của nhân dân Việt Nam mà của cả nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới bị áp bức.
Ông Asano Katsuhito-nguyên Phó chánh văn phòng Nội các Nhật Bản
Ông Asano Katsuhito-nguyên Phó chánh văn phòng Nội các Nhật Bản khi đề cập tới Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm sự rằng, thời điểm những năm 60, ông đang làm ở Đài Truyền hình NHK. Khi đó, ông đã được xem cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh của hãng truyền hình NDN. Những chi tiết thể hiện sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhà báo Suzuki Toshiichi làm ông cảm động khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp bật diêm châm thuốc lá cho nhà báo. Đặc biệt ở phần cuối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tương lai của quan hệ Nhật Bản-Việt Nam là quan hệ khăng khít. Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược, dự báo trước về tầm quan trọng của quan hệ quốc tế trong đó có Nhật Bản không chỉ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà còn cả đối với sự phát triển sau này dựa trên lợi ích của từng nước.
Ông Asano cũng khẳng định rằng, với thế hệ ông, không chỉ ở Nhật Bản mà còn nhiều nước trên thế giới đã rất khâm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt tư tưởng giải phóng dân tộc của Người là nền tảng của tri thức nhân loại./.
Tài liệu tham khảo:
1. http://www.ndn-news.co.jp/
2. Huỳnh Phan, Hãng Truyền hình Nhật Bản NDN và Chiến tranh Việt Nam
Tuanvietnam (2013).
Nguồn: VOV.vn