Ngày 15/5/2020, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam đã phối hợp lực lượng chức năng bắt đầu phá dỡ giai đoạn 2 công trình vi phạm trật tự xây dựng 8B Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình. Tuy nhiên, quá trình cưỡng chế công trình này, chủ đầu tư là Công ty May Lê Trực đã không hợp tác và nhiều lần gây khó khăn bằng cách gửi đơn kiện cáo, phản đối, không chịu bàn giao mặt bằng và cũng không có mặt chứng kiến khi UBND quận Ba Đình thực hiện cưỡng chế. Bên cạnh đó, một số người đã mua nhà tại tầng 17 và 18 của Tòa nhà này cũng đến căng băng zôn phản đối việc phá dỡ phần sai phạm.
Chủ đầu tư đã gửi kiến nghị đến Bí thư Hà Nội đề nghị dừng việc phá dỡ vì cho rằng “dự án 8B Lê Trực thuộc đối tượng không phải cấp phép xây dựng và giấy phép xây dựng cấp cho công trình này cũng sai luật vì không đúng với tiêu chuẩn xây dựng 323/2004 cũng như sai quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500” và cho rằng việc UBND quận không căn cứ vào quy hoạch mà chỉ căn cứ vào giấy phép xây dựng để chỉ đạo phá từ 53 m trở lên là không có căn cứ, trái quy định của pháp luật. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cho rằng, 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của quận Ba Đình vào tháng 10/2015 và tháng 1/2016, đến nay đã hết hiệu lực thi hành vì quá 2 năm nên không còn giá trị thực hiện.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch quận là ông Tạ Nam Chiến khẳng định giấy phép xây dựng đúng và thành phố giao quận thực hiện theo đúng giấy phép xây dựng. Tầng 17 và 18 tại dự án này vượt quá giấy phép xây dựng về chiều cao và diện tích sàn nên buộc phải cưỡng chế sau khi đã thuyết phục chủ đầu tư tự tháo không thành.
Về thời hạn xử lý vi phạm hành chính, chủ đầu tư quên rằng, Quyết định cưỡng chế chỉ hết hiệu lực khi việc cưỡng chế đã hoàn tất và dù đã quá 2 năm mà chủ đàu tư không chấp hành thì UBND quận vẫn có thể áp dụng các biện pháp để khắc phục hậu quả.
Việc những khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực liên tục căng băng rôn, biểu ngữ kêu cứu trước cổng công trình và các ban, ngành chức năng, tôi cho rằng điều này là dễ hiểu, bởi họ cũng là nạn nhân của chủ đầu tư. Nhiều hộ dân sau khi ký hợp đồng mua nhà, đã thanh toán đến 90% giá trị hợp đồng và nhiều người còn tiếp tục đầu tư để hoàn thiện nội thất. Có lẽ đây là rủi ro không đáng có và phần lỗi lớn nhất thuộc về chủ đầu tư.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật, việc cưỡng chế của UBND quận Ba Đình là hoàn toàn đúng. Chúng ta không thể chấp nhận một công trình vi phạm trật tự xây dựng ngay giữa lòng Thủ đô vì điều này có thể trở thành tiền lệ xấu. Mặt khác, việc cưỡng chế công trình sai phạm còn đảm bảo lợi ích về quốc phòng an ninh của đất nước và trên hết là của những người dân đã trót mua nhà tại dự án này.
Trên thực tế, suy xét thấu đáo mọi vấn đề, tôi cho rằng để đảm bảo lợi ích của người mua nhà, cách tốt nhất là phải tạo điều kiện cho đơn vị phá dỡ nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Nếu tình trạng ngăn cản đơn vị thi công phá dỡ không sớm chấm dứt thì lợi ích của người mua nhà càng bị ảnh hưởng, trong khi mà quyết định cưỡng chế là hợp pháp và không thể thay đổi.
Cho đến nay, việc chống đối của chủ đầu tư và phản đối của các hộ dân mua nhà tại công trình dẫn đến nhiều đơn vị từ chối cho thuê cần trục tháp, vận thăng, vì thế việc tháo dỡ sai phạm sẽ bị chậm tiến độ. Những người mua nhà tại tầng 17 và 18 của tòa 8B Lê Trực cần tỉnh táo để không bị kích động, bị lợi dụng vào các mục đích đen tối và để đảm bảo lợi ích của chính mình.
***
Trước đó, hôm 7/5/2020, các lực lượng chức năng của quận Ba Đình đã triển khai công tác cưỡng chế tại tầng 18 Tòa 8B Lê Trực. Hoạt động cưỡng chế được tiến hành dưới sự giám sát của đại diện Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội và đại diện tổ dân cư số 6, số 12 phường Điện Biên.
Để đảm bảo an toàn cho lực lượng thực thi việc cưỡng chế và cho các hộ dân xung quanh, Tổng công ty 789 – Binh đoàn 11 đã tiến hành rà bom mìn, vật liệu nổ, đảm bảo an toàn cháy nổ cho khu vực cưỡng chế.
Sau khi phá khóa, lực lượng cưỡng chế đã kiểm kê vật dụng, tài sản bên trong các căn hộ sau đó tháo dỡ, niêm phong và đưa về nơi bảo quản là Cung thể thao Quần Ngựa. Mọi hoạt động kiểm đếm, tháo dỡ đều được ghi hình và lập biên bản.
Ngày 12/5/2020, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam tiếp quản mặt bằng và ngày 15/5/2020 đã triển khai tháo dỡ theo kế hoạch, phương án được duyệt. Toàn bộ quá trình tháo dỡ được giám sát chặt chẽ bởi Công ty TNHH xây dựng VNT giám sát.
Khoai@
Nguồn: Tre làng