Nếu như cách đây vài năm, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, thì nhiều người còn lo lắng về chủ trương xã hội hóa SGK, thì đến nay chúng ta đã có cơ sở để nói rằng đó là một chủ trương đúng. Chúng ta đã có 5 bộ SGK lớp 1 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vấn đề hiện tại là lựa chọn bộ sách nào trong khi năm học mới 2020-2021 không còn xa. Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi và làm khổ giáo viên.
Trước hết, chúng ta dễ dàng nhận thấy giáo viên và học sinh là những người sử dụng sách giáo khoa (SGK) chứ không phải cán bộ quản lý giáo dục hay phụ huynh học sinh. Cuốn được lựa chọn sẽ phải là cuốn thỏa mãn các tiêu chí do Bộ GD&ĐT đề ra, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Từ đây, chúng ta sẽ thấy, giao cho các trường và cơ sở giáo dục quyền lựa chọn SGK là chính xác.
Theo Luật Giáo dục 2019 thì quyền lựa chọn SGK thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, Luật này phải đến 1/7/2020 mới có hiệu lực, đo đó, Bộ GD&ĐT đã buộc phải ra Thông tư số 01 ngày 30/1/2020 để hướng dẫn lựa chọn SGK để đảm bảo kịp phục vụ cho năm học 2020-2021. Theo Thông tư 01 thì việc lựa chọn SGK theo chương trình mới thuộc quyền của các nhà trường, cơ sở giáo dục. Tất nhiên, các trường, cơ sở giáo dục chỉ được lựa chọn 1 trong số 5 bộ SGK đã được Bộ GDĐT thẩm định, phê duyệt.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, cuối tháng 3/2020, các trường phải có phương án chọn SGK lớp 1 theo chương trình SGK mới để áp dụng giảng dạy từ năm học 2020-2021. nếu theo đúng kế hoạch này, việc lựa chọn SGK trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi là gần như không thể vì các trường sẽ chỉ có khoảng hơn một tháng để nghiên cứu, đánh giá, nhận xét rồi đưa ra quyết định. Nói thêm về vấn đề này, để biết cuốn nào có giá trị thì cần dạy thử, học thử. Để dạy thử cho đủ tất cả các cuốn sách trên với ý nghĩa là thẩm định trực tiếp trên lớp thì cần nhiều thời gian hơn một tháng.
Đọc một cuốn rồi nhận xét, đánh giá cũng giống như một nhà khoa học thẩm định một công trình khoa học, nó đòi hỏi thời gian, công sức, trí tuệ… Nhưng mỗi giáo viên phải đọc ít nhất 5 cuốn, cuốn nào cũng phải nhận xét, đánh giá, sau đó mới so sánh 5 cuốn với nhau rồi đưa ra nhận định. Nếu theo hướng dẫn, cuốn sách này phải lấy ý kiến của phụ huynh học sinh, trong khi họ không phải nhà giáo, nhà thẩm định.
Nói như thế để thấy việc quy định như thế là không ổn chút nào, mà các trường, các cơ sở giáo dục làm sai, hoặc làm thiếu là không được. Đó là chưa kể đến giáo viên nào, phụ huynh nào, học sinh nào cũng có điều kiện mua đủ 32 cuốn sách về chỉ để đọc, nhận xét đánh giá, để rồi chỉ sử dụng có một cuốn. Việc đưa đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của trường vào thành phần hội đồng lựa chọn SGK rõ ràng chỉ mang tính hình thức. Bởi, không phải phụ huynh nào cũng có đủ kiến thức, thời gian vật chất để tham gia hội đồng này. Đặc biệt những cuốn sách đòi hỏi chuyên môn đặc thù như Âm nhạc, Mĩ thuật, Tiếng Anh.
Cuối cùng, giả sử như các giáo viên đã lựa chọn được cuốn sách phù hợp với trường mình thì liệu rằng, việc lựa chọn của họ có được chấp nhận hay không hay UBND tỉnh sẽ lại là cơ quan quyết định dựa trên cơ sở “tư vấn” của các chuyên viên?
Ong Bắp Cày
Nguồn: Tre làng