Tình cảm của người dân Việt Bắc dành cho Đảng, cho Bác Hồ vẫn một lòng sắt son, không phai mờ theo thời gian.
Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bắc Kạn được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là một trong những căn cứ địa, lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng. Cho đến nay, hơn nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng tình cảm của người dân nơi đây dành cho Đảng, cho Bác vẫn một lòng sắt son.
Bác Hồ với nhân dân Việt Bắc.
Trong những ngày giữa tháng 5, chúng tôi có dịp trở lại Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn. Đây là địa điểm Bác Hồ đã sống và làm việc từ tháng 8 đến hết tháng 12/1947. Thăm di tích Bản Ca, nơi có nền lán Bác Hồ từng ở dưới chân đồi Khau Phay, ông Bàn Văn Cống, một người dân Bản Ca cho hay: theo lời bố ông kể, đúng thời điểm ông chào đời (1947) cũng là lúc Bác về ở bản. Khi đó Bản Ca chỉ có 7 hộ đồng bào Dao, nhà nào cũng nghèo, cũng khó khăn nhưng những người dân nơi đây đã không quản nguy hiểm để che giấu, bảo vệ Bác cùng cán bộ cách mạng.
Ông Bàn Văn Cống nhớ lại: “Bố tôi kể, khi có thông báo Bác về, bố tôi cùng 2 ông trong làng nữa ra đón từ Đèo So. Khi Bác về, bố tôi còn lấy gạo, bắt lợn để bà con trong làng đến làm lán cho Bác. Lúc về thì Bác còn cho gia đình tôi một số đồ như kiềng đun bếp, áo dạ để mặc, hiện chúng tôi đã hiến cho bảo tàng. Bác Hồ là vị Chủ tịch tìm đường cứu nước, bây giờ nhân dân ta có đường to đi lại, có nhà khang trang là nhờ ơn Đảng, ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Ông Bàn Văn Cống, Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn thăm di tích nơi Bác Hồ sống và làm việc cuối năm 1947.
Những cái tên như Bản Ca, Nà Pậu, hay Pù Cút, Tổng Luyên, Khuổi Cuồng… đã trở thành niềm tự hào của đồng bào khi là nơi đùm bọc, chở che cho Bác và Trung ương Đảng trong những ngày gian khó. Tại nơi đó, không chỉ có sự hy sinh, gian khổ mà còn có niềm tin, tình yêu thương của đồng bào dành cho Bác cũng như sự quan tâm, ân cần của Bác đối với đồng bào. Bởi sinh thời, Người luôn dành tình cảm đặc biệt cho Việt Bắc, trong đó có Bắc Kạn.
Năm 1951, Bác đã đến thăm Phân đội Thanh niên xung phong 312 làm đường tại Nà Cù, Cẩm Giàng, Bạch Thông và tặng thanh niên 4 câu thơ bất hủ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”… Bác cũng đã có nhiều lần gặp gỡ, làm việc với cán bộ và nhân dân tỉnh Bắc Kạn sau khi địa phương được giải phóng. Ông Đồng Phúc Túc, một đảng viên năm nay đã hơn 100 tuổi, nguyên là Bí thư tỉnh đoàn Bắc Kạn vẫn nhớ như in lần được Bác hỏi chuyện về tình hình thanh niên tại địa phương trong lần gặp năm 1958.
Ông Đồng Phúc Túc nhớ lại: “Bác hỏi số lượng đoàn viên thanh niên của Bắc Kạn là bao nhiêu, tôi trả lời là có hơn 400 đoàn viên. Bác mới bảo, đoàn viên là phải đông hơn Đảng viên mới đúng, đoàn viên ít hơn thì không phải cánh tay khỏe, nó là cánh tay yếu. Nhớ Bác, nhớ lời dạy của Bác, chúng tôi luôn cố gắng phấn đấu. Nhất là đoàn viên thanh niên phải cố gắng học tập, nắm thêm nhiều vấn đề”.
Di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn).
Mỗi cuộc gặp của Bác Hồ đều để lại ấn tượng sâu sắc đối với đồng bào, nhân dân bởi phong cách quần chúng, giản dị, cách nói chuyện gần gũi, thân tình. Nhà văn, lão thành cách mạng Nông Viết Toại có vinh dự gặp Bác nói: “Tình cảm của bà con từ cán bộ đến nhân dân với Bác Hồ rất khác, Bác luôn khiến bà con cảm thấy gần gũi. Chúng tôi kính trọng Bác và cảm thấy rất thân tình, không có gì ngăn cách. Bác không nói lý luận, sách vở gì, chỉ nói những thứ về gần gũi, chủ yếu về trồng trọt chăn nuôi, làm đường, canh gác… chứ không nói gì xa xôi”.
Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, Việt Bắc hôm nay đã đổi thay từng ngày, đời sống của người dân ngày một nâng lên. Nhưng tình cảm với Bác, với cách mạng vẫn còn mãi trong tâm trí đồng bào các dân tộc nơi đây./.
Nguồn: VOV.vn