Dựa vào dân để phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”, chống đặc quyền, đặc lợi; đồng thời trừng trị nghiêm những cá nhân, tập thể tham nhũng.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với việc xây dựng Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân theo quan điểm “lấy dân làm gốc”, cán bộ, đảng viên của Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Quan liêu, xa rời quần chúng sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường
Phân tích về nội dung này, ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, Bác Hồ ví dân như gốc của cây – bộ phận quan trọng nhất để duy trì cho cây được sinh trưởng tốt. Cũng như vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của người cán bộ, đảng viên là phải giữ mối liên hệ mật thiết, thường xuyên với nhân dân. Để thực sự trong sạch và vững mạnh thì Đảng phải gần dân, vì nhân dân, học hỏi ở nhân dân và lắng nghe ý kiến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đảm bảo cho Đảng ta thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Nếu quan liêu, xa rời quần chúng sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, làm cho cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, không xứng đáng với vai trò lãnh đạo và càng không làm “sứ mệnh” của người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, với bất cứ việc to, việc nhỏ thì “sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải là từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”, phục vụ trên tinh thần “luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ”….
Theo Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 90 năm ra đời, hoạt động trưởng thành và lớn mạnh, Đảng ta đã phát huy dân chủ, huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Tuy nhiên, thực tế gần 35 năm đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận thì vẫn còn tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên với những biểu hiện quan liêu, cửa quyền, tham ô, tham nhũng, sách nhiễu dân, lợi ích nhóm…
“Thờ ơ, vô cảm, xa dân đang là những vấn đề nhức nhối trong xã hội, nó tồn tại ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của Đảng trong sự nghiệp cách mạng. Ở nhiều nơi, quyền làm chủ của nhân dân bị vi phạm, cán bộ, đảng viên nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, những việc có hại đến nhân dân vẫn làm ngơ, không giải quyết hoặc đùn đẩy trách nhiệm… làm cho dân chúng nghi ngờ, thậm chí bất mãn, không ủng hộ, từ đó dẫn đến những vụ việc khiếu kiện kéo dài, là cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước” – ông Nguyễn Văn Công phân tích.
Lấy dân làm gốc
PGS.TS Đỗ Xuân Tuất (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu của sự nghiệp đổi mới, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì cần phải phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ; thực hiện tốt, có hiệu quả trong thực tế các hình thức dân chủ theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.
“Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược đổi mới, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Phát huy tính tích cực chính trị-xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng hệ thống chính trị. Đồng thời xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân” – PGS.TS Đỗ Xuân Tuất cho biết.
Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về lấy dân làm gốc trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, suy cho cùng để hướng đến phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân thông qua việc thực tốt chủ trương, chính sách trên tất cả các mặt.
Ông Nguyễn Văn Công cũng cho rằng, để chống nguy cơ xa rời quần chúng nhân dân cần nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Cán bộ, đảng viên phải thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình trong Đảng.
“Dựa vào dân để phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”, chống đặc quyền, đặc lợi; đồng thời trừng trị nghiêm khắc những cá nhân, tập thể tham ô, tham nhũng, làm giàu bất chính, xâm phạm lợi ích của nhân dân, dù đó là ai, giữ chức vụ gì hay đã nghỉ hưu” – ông Nguyễn Văn Công nói và nhấn mạnh một yêu cầu hết sức quan trọng là tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện, có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời, cần coi việc cần coi sự đánh giá của nhân dân là thước đo chính xác, là một trong những tiêu chuẩn đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm của cấp ủy các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong mọi mặt công tác, trong quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ.
Những phân tích trên một lần nữa cho chúng ta thấy, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân là một trong những nguyên tắc quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là yêu cầu khách quan, nhất quán của Đảng cầm quyền để xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ mấy chục năm trước vẫn luôn luôn có giá trị nếu thực hiện tốt, góp phần chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh.
Trí Anh/VOV
Nguồn: Cánh cò