Trang chủ Tin tức Hội nghị 'Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt'

Hội nghị 'Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt'

146
0

Chiều 16/5, tại Thanh Hóa, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Hãng hàng không Bamboo Airways tổ chức Hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt”.

Hội nghị 'Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt'Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: baothanhhoa.vn

Phát biểu khai mạc, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, từ tháng 3/2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam đã hạn chế các đường bay quốc tế, khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019. Việc tạm ngừng các hoạt động du lịch không chỉ tác động nặng nề tới người lao động trong ngành du lịch mà còn ở tất cả các ngành. Trước bối cảnh đất nước dần trở lại bình thường, Tổng cục Du lịch nhận thấy đây là thời điểm vàng để “phá băng”. Việc kích cầu hiện nay giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp, hãng hàng không, vận tải du lịch cùng hợp tác kích cầu để khôi phục du lịch nội địa. Từng doanh nghiệp cần cùng chung tay kích cầu du lịch. Ông cũng đề nghị Hội nghị phát động chương trình người Việt Nam đi du lịch ở Việt Nam, thông tin rộng rãi tới các địa phương, vận động các doanh nghiệp tham gia… xây dựng các chương trình kích cầu khuyến mại, cung cấp thông tin về dịch vụ giá cả khuyến mại, đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch mới. 

Trong hai phiên của Hội nghị, các đại biểu đã cùng bàn thảo về giải pháp kích cầu du lịch nội địa trong thời điểm vàng và giới thiệu thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt. Phát biểu đề dẫn tại phiên 1 “Giải pháp kích cầu du lịch nội địa trong thời điểm vàng”, ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban IV, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, đưa ra nhận định thị trường du lịch nội địa có thể tăng 95% trong 7 tháng còn lại của năm 2020. Người Việt có thể đi nước ngoài lên tới 16 triệu lượt khách và thị trường này năm nay không thể đi nước ngoài được nữa nên sẽ quay về đi du lịch Việt Nam. Việc kích cầu du lịch nội địa là yếu tố quan trọng, đây là cơ hội để chúng ta khám phá lại Việt Nam. Có rất nhiều gói kích cầu của các hãng hàng không, lữ hành. Đi tham quan bây giờ sẽ giúp vực dậy một ngành kinh tế mũi nhọn, mà trong 4 năm gần đây đã tạo ra hàng triệu việc làm mới.

Theo ông, công ty lữ hành, du lịch, hàng không cần ưu tiên đưa ra các gói sản phẩm linh động, sáng tạo, giá cả cạnh tranh. “Toàn bộ khách sạn, nhà hàng, hàng không đã trở về con số 0 trong tháng 4, nhưng nhà lãnh đạo của các ngành này đã rất nỗ lực vượt qua. Tuy nhiên, chúng ta tự tin là có thể vượt qua giai đoạn này”, ông Kiên cho biết. Ông đề nghị các đơn vị thảo luận thẳng thắn, đưa ra những gói kích cầu đẳng cấp quốc tế, những sản phẩm sáng tạo cho ngành du lịch Việt Nam khi mùa hè bắt đầu.

Nêu báo cáo đánh giá của Google về xu hướng du lịch của người Việt sau giãn cách, bà Emily Nguyễn, Giám đốc ngành Apps và Du lịch Việt Nam, Google châu Á – Thái Bình Dương, nêu rõ, dịch COVID-19 khiến nhu cầu du lịch đến các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương giảm 8,6% so với năm ngoái. Tuy nhiên, bắt đầu có sự phục hồi về nhu cầu du lịch ở Việt Nam từ giữa tháng 4 đến nay, khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Sự phục hồi này đa phần nhờ vào nhu cầu du lịch nội địa. Sự tìm kiếm liên quan đến chuyến bay nội địa chiếm 85% trong 30 ngày vừa qua và tăng 85% trong thời gian cùng kỳ. Các điểm đến được nhiều người tìm kiếm nhất trong 30 ngày qua lần lượt là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang, Huế, Quy Nhơn…

Khách du lịch Việt Nam quan tâm nhất hai vấn đề là các sản phẩm bảo vệ và giảm giá khi đặt vé máy bay hiện nay. Trong 6 tuần gần đây, lượng tìm kiếm liên quan tới du lịch biển đảo ở Việt Nam tăng gấp đôi. Những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất là Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, vịnh Hạ Long… Cũng trong 6 tuần qua, lượng tìm kiếm liên quan tới công viên, vườn quốc gia ở Việt Nam đã tăng thêm 25%. Mọi người chú ý đến các địa điểm như Phong Nha Kẻ Bàng,

Vườn quốc gia Ba Vì, Vườn quốc gia Cúc Phương, hang Sơn Đoòng, Vườn quốc gia Cát Tiên, rừng Cúc Phương. Một vài hãng máy bay và công ty du lịch đã có các chương trình hỗ trợ tốt cho khách hàng trong thời gian này là Bamboo Airways, Philippine Airlines, Traveloka.

Nói về hỗ trợ của Google cho doanh nghiệp du lịch Việt Nam, bà Emily Nguyễn cho biết, trong suốt thời gian hoạt động ở Việt Nam, tập đoàn này đã có rất nhiều chương trình thúc đẩy về văn hóa cũng như kinh tế cho Việt Nam, với 3 mục tiêu chính gồm: tôn vinh vẻ đẹp văn hóa Việt Nam; giúp đào tạo nguồn nhân sự về kỹ năng số thông qua đào tạo và hội thảo trực tuyến; đưa ra công cụ, dịch vụ kết nối với du khách một cách dễ dàng, miễn phí và an toàn. Chẳng hạn, chương trình đào tạo nhân sự kỹ năng tiếp thị số đã cam kết đào tạo 500.000 nhân sự vừa và nhỏ tại Việt Nam trong vòng hai năm tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy thông tin, trong quý I/2020, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh giảm 72%, trong đó khách quốc tế giảm 70%, khách nội địa giảm 75%. Tổng thu từ du lịch trong quý I/2020 giảm 72% so với cùng kỳ năm 2019. Cách đây 4 ngày HĐND tỉnh Quảng Ninh đã họp ban hành nghị quyết hỗ trợ kích cầu với rất nhiều ưu đãi, như miễn giảm lệ phí với tất cả khách đến tham quan Hạ Long, khu di tích Yên Tử, bảo tàng… Tỉnh miễn thuế VAT cho các doanh nghiệp, giảm thuế VAT cho tiêu dùng du lịch, đề nghị cho phép chậm nộp thuế doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, thuế đất với các khách sạn, nghỉ dưỡng, khu vui chơi. Về thị trường, tỉnh hưởng ứng chiến dịch “Người Việt Nam du lịch Việt Nam”…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Thiên Định cho biết, ngay khi đại dịch có xu hướng giảm, địa phương này đã triển khai một đề án kích cầu du lịch. Tỉnh miễn phí vé tham quan Đại Nội từ trước dịp nghỉ lễ 30/4 cho đến hết tháng 7/2020. Để phát triển du lịch nội địa, theo ông, cần phải tạo ra hệ sinh thái là các nhà hàng, dịch vụ, khách sạn. 

Cho rằng lúc nào du lịch biển cũng là thời điểm vàng, là tiềm năng nhưng lại không được phát huy đúng mức, các sở, ban, ngành đầu tư cho ngành du lịch rất hạn chế, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết nêu quan điểm – “chúng ta (đang) chờ đợi người ta tìm đến với mình chứ không tìm ra giải pháp để thu hút khách du lịch… Phải có trách nhiệm, tâm huyết mới làm được du lịch”. Đưa bài học của FLC trong đầu tư phát triển du lịch tại Thanh Hóa và Bình Định, ông Trịnh Văn Quyết nêu rõ, Hãng hàng không Bamboo kết hợp với hệ sinh thái của FLC tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo. Ngoài đưa ra các gói combo (kết hợp) cho khách hàng, Tập đoàn kết hợp với nhiều doanh nghiệp làm tour du lịch, quần thể nghỉ dưỡng, giúp những người không có điều kiện cũng có cơ hội đi du lịch.

“Ngành du lịch hãy hướng dẫn người làm du lịch tuân thủ quy định, thân thiện với du khách, không “chặt chém” khách hàng như Sầm Sơn 6 năm về trước thì chắc chắn du lịch nước nhà sẽ “phất”, không chỉ là mũi nhọn, mà hơn cả mũi nhọn”, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây