Sau cơn bão dịch bệnh, câu chuyện nhận được sự quan tâm những ngày vừa qua chính là quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi, sinh con sớm. Một số ý kiến thắc mắc rằng tại sao người đứng đầu Chính phủ lại quan tâm tới chuyện kết hôn sớm hay muộn của người dân, đưa ra chính sách “giục cưới” như vậy?
Việc người đứng đầu Chính phủ khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi và sinh con sớm không đơn thuần chỉ là chuyện liên quan đến sức khỏe sinh sản. Mà đó còn là chuyện cơ cấu độ tuổi của dân số, vĩ mô hơn nhiều và liên quan đến sự phát triển bền vững của quốc gia.
Mặc dù Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng” – tức số người trong độ tuổi lao động, chiếm tỷ lệ cao, khoảng 70% dân số, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, theo Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc cho thấy, dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh, từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019, và con số này gấp đôi so với năm 1999. Hiện nay, Việt Nam được xếp vào nhóm nước có tốc độ già hóa của dân số nhanh nhất thế giới, đó là điều rất đáng lo ngại. Một bi kịch có thể dẫn đến với Việt Nam mang tên “chưa giàu đã già”, tức là dân số Việt Nam thoát qua “thời kỳ vàng”, dân số ở độ tuổi lao động hẹp lại, dân số già phình to hơn, tỷ lệ sinh ít đi. Và nếu không có giải pháp làm chậm tốc độ già hóa, phát huy lợi thế “dân số vàng” thì trong những năm tới đất nước sẽ phải đối mặt với nhiều hệ luy, nhất là gánh nặng về kinh tế, Việt Nam đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn và “sập bẫy” thu nhập trung bình.
Nguy cơ lệ thuộc lớn vào nguồn lao động nhập khẩu của Nhật Bản, Hàn Quốc… chính là những dẫn chứng, “vết xe đổ” sinh động để Việt Nam không thể ngồi chờ đến khi dân số hóa già rồi mới trở tay được. Vậy nên, quyết định 588 của Thủ tướng là bước chuyển đổi chính sách kịp thời nhằm làm chậm và làm giảm bớt tình trạng già hóa dân số, cải thiện chất lượng, cân bằng và phân bổ dân số hợp lý trên bình diện quốc gia. Không còn khuyến khích chung chung “mỗi gia đình sinh 1 – 2 con” hay “dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt” mà sẽ hướng đến cụ thể từng vùng, miền, từng khu vực, địa phương. Đối với địa phương có tỷ lệ sinh thấp như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lại là các địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, xã hội. Đây là những môi trường bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho nguồn lao động chất lượng cao trong tương lai nên sẽ khuyến khích tăng tỷ lệ sinh. Những địa phương có mức sinh cao, trung bình trên hai con thì sẽ vận động giảm tỷ lệ sinh để bảo đảm đồng đều trong cơ cấu dân số. Tin rằng với các giải pháp mà Chính phủ đưa ra để can thiệp sớm, Việt Nam bằng mọi cách sẽ làm chậm quá trình “chưa giàu đã già”.
Có thể thấy, đây là một chính sách vĩ mô, phương án đúng đắn cho đường dài cân bằng nhân lực đất nước, ấy vậy mà trên trang RFA xuyên tạc rằng “Trước đây cấm có nhiều con, nay hô hào kết hôn trước 30 và sớm sinh con”; còn trên trang cá nhân của Đỗ Ngà thì nói rằng “tăng số lượng người trong độ tuổi lao động để giải quyết bài toán con người cho phát triển chỉ là hạ sách, ngoài hạ sách này Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không thể làm gì hơn”… Đúng là suy nghĩ của những kẻ “thọc gậy bánh xe”, thiển cận chỉ biết xuyên tạc chứ nào có hiểu hết được vấn đề. Trước đây nhà nước đưa ra chính sách hạn chế sinh đẻ đó là những năm 80 khi đất nước còn khó khăn. Thế nhưng bây giờ bối cảnh đất nước đã khác, không thể chạy theo những chính sách đã cũ, không phù hợp với tình hình thực tế được. Đất nước muốn phát triển bền vững thì vấn đề dân số không thể xem thường. Mỗi một chính sách có một vòng đời nhất định, phù hợp với thời điểm nó ban hành. Vậy nên, trước các tình hình mới, đòi hỏi người đứng đầu Chính phủ cùng bộ máy đưa ra những phương án, giải pháp, lộ trình phù hợp, thay đổi để bắt kịp với dòng chảy của thế giới, như vậy là đúng hay sai? Thêm nữa, lo lắng cho nguồn nhân lực, cho tương lai, sự phát triển kinh tế đất nước thì sao lại gọi là hạ sách? Nếu muốn “bới bèo ra bọt” thì ít nhất cũng tìm hiểu kỹ trước khi phát ngôn chứ viết bài xuyên tạc bị hố như thế này thì các chuyên gia, người am hiểu kinh tế người ta cười cho nữa đấy, thưa các “nhà dân chủ”, “yêu nước”.
Tất nhiên, kết hôn và sinh con ở những ngưỡng tuổi nào là quyền của mọi công dân, Chính phủ chỉ đưa ra khuyến khích chứ không quy định bắt buộc. Dù vậy, thế hệ trẻ cần có sự định hướng, ngoài trách nhiệm với chính mình còn phải có trách nhiệm với chính thế hệ tương lai sau này. Việc khuyến khích này hoàn toàn có căn cứ khoa học, đem lại không chỉ đem nhiều lợi ích về mặt sức khỏe cho người dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực tốt cho sự phát triển đất nước.
Thế Khoa
Nguồn: Cánh cò