Trang chủ Tin tức Giữ gìn, phát triển khúc hát dân ca ví, giặm trên quê...

Giữ gìn, phát triển khúc hát dân ca ví, giặm trên quê Bác

182
0

Lúc sinh thời, dù bộn bề công việc của Đảng, Nhà nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian quý báu của mình cho khúc hát dân ca ví, giặm của quê nhà, vốn được Người trân trọng từ thuở còn trẻ và thường đi nghe hát phường vải. Và câu hò xứ Nghệ ấy vẫn day dứt theo Bác trước lúc đi xa.

Thực hiện ước nguyện của Người, giờ đây thế hệ con, cháu trên quê hương Bác đang ra sức bảo tồn, gìn giữ, phát triển khúc hát dân ca ví, giặm để ngày càng lan tỏa. 

Giữ gìn, phát triển khúc hát dân ca ví, giặm trên quê BácCâu lạc bộ dân ca ví, giặm Hồng Sơn, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn có 50 thành viên, sinh hoạt đều đặn 1 tháng/lần.

Cứ đều đặn hai tuần một lần, phụ nữ xóm Hồng Sơn, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn tạm gác lại công việc đồng áng, kinh doanh để sinh hoạt Câu lạc bộ dân ca ví, giặm. Các thành viên trong Câu lạc bộ đã sát cánh bên nhau hơn 30 năm trong Đội văn nghệ quần chúng của xã. Mọi người đều có chung một niềm đam mê với văn nghệ, đặc biệt yêu thích dân ca. Ban đầu chỉ vài thành viên, đến nay, Câu lạc bộ đã quy tụ 50 người từ hát chính, diễn viên, nhạc công hoạt động thường xuyên, trong đó, người lớn tuổi nhất là 70 tuổi và trẻ nhất là 20 tuổi.

Để Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, với cương vị là chủ nhiệm, chị Trần Thị Lan luôn tìm đến những người hát hay, biết kéo nhị, thổi sáo, đánh trống, đánh đàn… vận động họ tham gia vào Câu lạc bộ. Chị Lan cùng với thành viên trong Câu lạc bộ luôn đổi mới các tiết mục thông qua cách biên soạn, viết lời. Nhằm tạo sự gắn bó, gắn kết giữa từng hội viên, mỗi tháng Câu lạc bộ đề ra mục tiêu phải tập được một chương trình mới để biểu diễn phục vụ các sự kiện, ngày kỷ niệm như 8/3, 30/4, 1/5, Tết Trung Thu, các cuộc thi liên hoan dân ca ví, giặm do tỉnh, huyện tổ chức… Câu lạc bộ không chỉ có những thành viên xuất sắc mà còn có cả một dàn nhạc dân tộc đầy đủ, do các thành viên trong Câu lạc bộ tự nguyện góp tiền mua sắm.

Chị Trần Thị Lan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Hồng Sơn chia sẻ: Giây phút cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ muốn được nghe khúc hát dân ca quê nhà. Ước nguyện cuối cùng đó của Người là minh chứng cho tình yêu lớn lao mà Bác dành cho dân ca xứ Nghệ. Ước nguyện này cũng như một lời nhắn nhủ với hậu thế rằng tình yêu Tổ quốc trước hết phải bắt nguồn từ tình yêu quê hương.

“Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Hồng Sơn không đơn thuần chỉ là nơi sinh hoạt cho chị em, nông dân làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần mà chúng tôi còn muốn gửi gắm tình cảm, niềm yêu kính tới Bác Hồ, ca ngợi về Đảng, xây dựng quê hương đất nước thông qua các hình thức diễn xướng như các vở kịch, tiểu phẩm và các làn điệu dân ca ví, giặm. Qua đó, chúng tôi muốn lan tỏa khúc hát dân ca tới mọi miền trên Tổ quốc. Đây vừa là niềm vui và cũng là trách nhiệm của mỗi thành viên Câu lạc bộ trong việc bảo tồn, gìn giữ dân ca ví, giặm xứ Nghệ”, chị Lan xúc động nói.

Hiện nay, ngoài tập luyện các tiết mục văn nghệ, Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Hồng Sơn thường chia theo nhóm và xuống tận các thôn để truyền thụ hát dân ca cho các tổ phụ nữ, nông dân, các cháu thiếu nhi… Nhờ đó, dân ca ví, giặm đang dần lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân.

Ông Vương Bá Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết, xã sẽ nhân rộng và phát huy vai trò của Câu lạc bộ dân ca ví, giặm trở thành động lực xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ trên địa bàn, tiến tới kết hợp biểu diễn cho du khách khi về thăm Khu Di tích Kim Liên. Để duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động các Câu lạc bộ dân ca ví, giặm, ngoài trích ngân sách địa phương, chính quyền sẽ huy động xã hội hóa ủng hộ cho phong trào hoạt động thường xuyên. Bên cạnh đó, thông qua các trường học, địa phương phát hiện và tìm ra những nhân tố mới tham gia vào Câu lạc bộ để đào tạo đội ngũ kế cận hoạt động phong trào hát dân ca ví, giặm.

Với tình yêu dân ca, lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc, năm 2011, Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghi Long, huyện Nghi Lộc được thành lập với 30 thành viên tham gia, trong đó phần lớn là những người nông dân. Điều đáng nói, phong trào hát dân ca ví, giặm đã có truyền thống hàng trăm năm nay ở địa phương này. Những câu dân ca ví, giặm ngọt ngào được ra đời từ hoạt động sản xuất hay trên đồng ruộng và chính những câu dân ca ấy đã xua tan đi nỗi mệt nhọc, vất vả trong quá trình lao động của người dân nơi đây. 

Chị Ngô Thị Thủy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghi Long cho biết, hoạt động sôi nổi của Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghi Long đã thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ ở khu dân cư phát triển sâu rộng.

Thường xuyên theo bà, mẹ đi sinh hoạt Câu lạc bộ, em Nguyễn Hoài Thương rất yêu những câu hát dân ca. “Cháu rất yêu dân ca, đến đây hát cháu rất thích. Cháu hy vọng cũng hát hay được như các bác, các anh chị trong Câu lạc bộ”, em Nguyễn Hoài Thương chia sẻ.

Theo Nghệ nhân dân ca Bảo Phương, không chỉ trong nước mà ở nước ngoài, khi nghe được dân ca ví, giặm, khán giả đều bày tỏ sự thích thú và hào hứng. Điều đó trở thành động lực cho các thành viên trong Câu lạc bộ nỗ lực sáng tạo nhiều hơn trong các làn điệu dân ca ví, giặm.

Với niềm say mê của người dân ở Nghi Long, mạch nguồn dân ca ví, giặm luôn được gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo đó, năm 2017, tỉnh Nghệ An đã chọn Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghi Long là Câu lạc bộ dân ca ví, giặm cấp tỉnh.

“Dân ca ví, giặm vừa hay vừa sâu lắng, phản ánh đúng hiện thực cuộc sống hàng ngày của người dân. Chúng tôi phát hiện và bồi dưỡng lớp trẻ thông qua các cuộc thi hát tại trường học hoặc trong sinh hoạt của các Chi đoàn thanh niên cũng phổ biến rộng rãi việc sưu tầm các làn điệu dân ca trong lớp thanh, thiếu niên trên địa bàn. Các cuộc giao lưu văn hóa văn nghệ đều đặt ra tiêu chí ưu tiên biểu diễn các làn điệu dân ca ví, giặm nhằm khơi dậy niềm đam mê và bảo tồn, gìn giữ làn điệu dân ca”, ông Đinh Bùi Thương – Phó Bí thư UBND xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc cho biết.

Giữ gìn, phát triển khúc hát dân ca ví, giặm trên quê Bác Phân cảnh diễn xướng dân ca ví, giặm với chủ đề Hoàng Sa – Trường Sa của Câu lạc bộ dân ca ví, giặm trường THCS Kim Liên, huyện Nam Đàn. 

Năm 2014, UNESCO chính thức công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ chỗ chỉ có 60 câu lạc bộ vào năm 2013, đến nay, Nghệ An đã phát triển được hơn 100 Câu lạc bộ dân ca ví, giặm. Vượt qua những khó khăn về nguồn kinh phí hoạt động, mua đạo cụ để sinh hoạt, các thành viên trong các câu lạc bộ dân ca ví, giặm trên địa bàn Nghệ An vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê với từng câu hát ví, giặm.

Theo các thành viên trong các Câu lạc bộ dân ca ví, giặm, để các Câu lạc bộ này ngày càng phát huy, đưa dân ca ví, giặm lan tỏa mạnh mẽ hơn, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ cần có những tập sách, đĩa CD, VCD sưu tầm làn điệu cổ, làn điệu mới phát cho các câu lạc bộ. Qua đó, mỗi lần sinh hoạt, các thành viên trong Câu lạc bộ sẽ có tư liệu mới để nghe và học tập cả trong cách hát, sáng tác các làn điệu được hay, đa dạng hơn. Bên cạnh đó, tỉnh nên có cơ chế chính sách hỗ trợ thường xuyên để động viên, góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy dân ca Nghệ Tĩnh, tạo thêm sự phong phú cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây