Trang chủ Từ Facebook Nguồn gốc của lòng dũng cảm

Nguồn gốc của lòng dũng cảm

172
0

Năm 2014, cách mạng màu đã lan đến Ukraine.

Ngày 11/03/2014, một cuộc họp báo được tổ chức ở Viện Công tố nước cộng hòa tự trị Krym. Trước mắt các phóng viên là một cô gái bé nhỏ, trong bộ sắc phục của Chánh Công tố nước cộng hòa. Nàng có đôi mắt sâu, mái tóc vàng như mùa thu nước Nga – một vẻ đẹp mong manh và truyền thống. Tên nàng là Natalia Poklonskaya. Ngày nhậm chức, nàng còn 7 ngày nữa là tròn 34 tuổi.

Ngược dòng thời gian lại vài tháng trước đó: Làn sóng Maidan đã ngập tràn thủ đô Kiyv. Lực lượng cảnh sát chống bạo động Berkut bị vô hiệu hóa, bị tước vũ khí, và sau đó là bị buộc quì gối để xin lỗi công khai trước ống kính máy quay. Ngay sau cảnh sát là đến lượt các công tố viên – những người kí lệnh bắt, lệnh truy tố các phần tử bạo động. Không còn cảnh sát bảo vệ, các công tố viên bị đám Maidan nắm cà vạt, kéo cổ dắt đi như dắt lũ bò, rồi quăng vào thùng rác.

Giữa tình cảnh đấy, quyền tổng thống Turchinov bổ nhiệm Makhnitski làm quyền Tổng Công tố Ukraine, chính thức quay đầu toàn ngành công tố Ukraine theo hướng hậu thuẫn cho lực lượng Maidan.

Natalia không chấp nhận việc quyền Tổng thống bổ nhiệm quyền Tổng Công tố mới (điều đi ngược lại trật tự Hiến pháp). Nàng viết đơn xin nghỉ việc ở Văn phòng Tổng công tố Ukraine, bỏ về quê. Ở Krym có Simferopol là nơi mẹ nàng đang sống, Krym còn có phân hiệu Yalta của Đại học Nội vụ Quốc gia – nơi nàng đã sống thời sinh viên sôi nổi, trước khi trở thành một công tố viên.

Khi nàng tìm đến văn phòng của nước cộng hòa, thì chính quyền Krym đã tan rã trên thực tế: Không ai dám bày tỏ quan điểm rõ ràng, không ai dám hành động. Lí do rất đơn giản: Họ không dự đoán được những diễn biến chính trị sôi động trên bán đảo trong mùa hè 2014, khi mà lực lượng thân Nga đã xuống đường, trong khi đám Maidan đang từ Kiyv tràn xuống. Chính quyền nửa muốn theo Nga, nửa muốn theo chính phủ trung ương ở Kiyv.

Văn phòng vắng tanh, chỉ có mỗi ông Thủ tướng (hay phó Thủ tướng). Natalia hỏi xin việc, nàng nói rằng mình sẽ làm bất cứ việc gì để giúp đỡ, kể cả là làm thư ký đánh máy chữ, tóm lại là bất cứ điều gì “để Krym không trở thành Kiyv”.

Người ta nói với nàng rằng: Họ còn trống vị trí Chánh Công tố nước cộng hòa Krym. Vị trí đó đã có 4 đồng nghiệp nam giới từ chối, đơn giản vì họ không đủ dũng khí truy tố đám Maidan. Công tố viên là những luật gia, khi chính quyền tan rã và không còn cánh tay vũ lực của cảnh sát, thì họ vô cùng yếu đuối trước bạo lực của Maidan.

Số phận thường thử thách con người: Nếu như đầu tháng 03/2014, người ta biết được chắc chắn nước Nga của Putin sẽ can thiệp bằng lực lượng quân sự vào Krym, thì chắc chẳng bao giờ đến lượt nàng nhận ghế Chánh Công tố nước cộng hòa.

Nhưng vào thời điểm đó, người ta chưa nhìn thấy quân đội Nga, chỉ nhìn thấy công tố viên bị ném vào thùng rác. Thế nên, chức vụ Chánh Công tố nước cộng hòa được trao cho cô gái tóc vàng chưa tròn 34 tuổi.

Và cô gái đó đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Buổi họp báo ngày 11/03/2014, giữa lúc các đồng sự trong Viện Công tố Krym mặt mũi láo liên nhìn một cô gái trẻ “rách giời rơi xuống”, thì Natalia đĩnh đạc tuyên bố với các phóng viên, rằng cô sẽ kiên quyết lập lại trật tự bằng pháp luật. Trong bối cảnh chính quyền tê liệt và cơ quan cảnh sát đã tan rã trên thực tế, thì phát ngôn như thế có thể nguy hiểm đến tính mạng của Natalia và gia đình nàng. Nhưng nàng đã chọn cách ứng xử mà bốn đồng nghiệp nam trước đó không chọn, hay không dám chọn: Nhận lấy chức vụ, cùng những trách nhiệm và hiểm nguy gắn với chức vụ đó. Đó là một quyết định thực sự dũng cảm của nàng.

Sau đó không lâu, thì quân Nga can thiệp. Bán đảo Krym trở thành nước cộng hòa thuộc Liên bang Nga thông qua trưng cầu dân ý. Natalia được Tổng thống Putin bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp nước cộng hòa, rồi cố vấn tư pháp quốc gia hạng ba (tương đương Thiếu tướng quân đội). Đến năm 2016, Natalia tham gia Duma quốc gia Nga, làm Phó chủ tịch Hạ viện khi mới 36 tuổi. Nàng trở thành một chính trị gia, vì đã thể hiện những phẩm chất của một luật gia vào một thời điểm hiểm nghèo nhất: Dũng cảm thượng tôn pháp luật, bất chấp cường quyền và bạo lực.

Báo chí thế giới thường quan tâm đến vẻ ngoài xinh đẹp của nàng, hay những hình vẽ chibi Nhật Bản về nàng. Nhưng dưới vẻ ngoài liễu yếu đào tơ ấy, là một trái tim dũng cảm.

Động cơ nào cho hành động dũng cảm của nàng, có lẽ phần nào được giải đáp thông qua trả lời phỏng vấn dịp kỉ niệm chiến thắng phát xít 6 năm về trước. Ngày 09/05/2014, Bộ trưởng Tư pháp nước cộng hòa Krym (Liên bang Nga) Natalia Poklonskaya đã xuống phố tham gia lễ kỉ niệm Ngày Chiến thắng cùng với các cựu chiến binh của Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Trên ngực mang dải băng tháng Georgi, nàng trả lời phỏng vấn báo chí:

“Tôi sẽ làm tất cả để con tôi có thể tự hào về tôi, và tự hào rằng nó đang được sống trong một đất nước vĩ đại là Liên bang Nga. Để con gái tôi có thể tri ân những liệt sĩ, trong đó có hai người ông của tôi, đã ngã xuống trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Tôi muốn con gái tôi được sống trong một đất nước trung thực, chứ không phải một đất nước toàn kẻ cắp, phản bội và phát xít.

Bà tôi gọi điện cho tôi và khóc than rằng cái thời giống như thời phát xít Đức chiếm đóng đang quay lại. Bà tôi 86 tuổi rồi. Bà vẫn còn nhớ bọn phát xít Đức và những cảnh sát người Ukraina làm tay sai cho chúng. Làm sao tôi dám nhìn vào mắt bà tôi nếu mặc sắc phục và phục vụ đất nước của những con người như thế? Khi tôi nghĩ về điều đó, tôi không thấy sợ nữa.”

Trong dịp kỉ niệm 75 năm Chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức, mình thấy không có gì phù hợp hơn là kể lại câu chuyện về lòng dũng cảm của một cô gái – một hậu duệ đáng tự hào của những người lính Hồng quân đã hi sinh trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Trong đôi mắt nâu của nàng công tố viên Krym năm ấy, mình nhìn thấy cái sắc lạnh của xạ thủ bắn tỉa Lyudmila Pavlichenko, thấy được sự cương quyết như những “phù thủy bóng đêm” Xô viết khi ném bom vào đầu thù. Lòng tự trọng và niềm tự hào của một chiến thắng vĩ đại trong quá khứ, đã giúp Natalia Poklonskaya có được dũng khí hơn cả những đồng nghiệp nam nhi.

Mình không chọn tấm ảnh Natalia của ngày họp báo nhậm chức Chánh Công tố Krym, mà chọn hình ảnh của cô hai tháng sau đó, giữa những cựu binh Hồng quân trên đường phố Simferopol. Lịch sử đáng tự hào và truyền thống về lòng dũng cảm của Chiến tranh vệ quốc vĩ đại – bằng cách này hay cách khác – sẽ luôn được thừa kế bởi thế hệ sau.

Tác giả: Lê Minh Lương

Nguồn gốc của lòng dũng cảm

Nguồn: Fanpage Cờ Đỏ Tp. Hồ Chí Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây