Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, qua vụ Nguyễn Xuân Đường ở Thái Bình, Thủ Thiêm ở TPHCM, cử tri muốn nói về vai trò Đoàn Đại biểu Quốc hội ở đâu.
Tại phiên họp thứ 45, sáng 8/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Trưởng Ban Dân Nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, đã tổng hợp được 2.102 kiến nghị. Các kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 2.008 kiến nghị được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 95,53%.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị nên cập nhật những vấn đề từ sau kỳ họp thứ 8, trong tình hình đại dịch nhưng cả hệ thống vẫn vận hành nhịp nhàng, tuyệt nhiên không để ảnh hưởng đến điều hành công việc. Điều đó thể hiện năng lực bộ máy, sự nỗ lực của các cấp trong thực hiện trách nhiệm với nhân dân, trong đó có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, giải quyết kiến nghị của cử tri.
Đánh giá báo cáo khá toàn diện, đủ điều kiện trình ra Quốc hội, tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc cho rằng, cần phân tích rõ hơn các số liệu để có cái nhìn bao quát, qua đó Quốc hội và cử tri có thể theo dõi, đánh giá.
“So sánh năm 2019 với năm 2018 có gì tiến bộ? Số đơn thư, kiến nghị tăng hay giảm, giải quyết như thế nào, chất lượng giải quyết đảm bảo không, tiến bộ hay thụt lùi? Kiến nghị của cử tri chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nào” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiện đặt vấn đề.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao báo cáo của Ban Dân nguyện khi đã tổng hợp toàn diện, chỉ ra được những điểm tích cực, những nơi là tốt. Tuy nhiên, bà cho rằng cũng cần chỉ ra những nơi làm chưa tốt.
Dẫn chứng qua công tác phòng chống đại dịch Covid-19, niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước và của cộng đồng quốc tế với Việt Nam tăng lên, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, việc giải quyết kiến nghị của cử tri cũng nói đến niềm tin của người dân với các cơ quan, do đó, báo cáo cần đánh giá vấn đề này.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đặt vấn đề, giữa hai kỳ họp nổi lên bức xúc gì? Trước đây vấn đề tai nạn giao thông, tín dụng đen được đề cập, sau đó các cơ quan đã quyết liệt xử lý hiệu quả như ban hành Nghị định 100% về xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, phát hiện và triệt phá nhiều tổ chức cho vay nặng lãi.
Lần này có phải vấn đề đất đai nữa không? Theo Phó Chủ tịch nước, gần đây nổi lên vụ Nguyễn Xuân Đường ở Thái Bình hay xung quanh vấn đề Thủ Thiêm ở TP Hồ Chí Minh thì cử tri muốn nói đến vai trò của Đoàn Đại biểu Quốc hội ở đâu? Dĩ nhiên đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội không phải là cơ quan trực tiếp giải quyết kiến nghị nhưng trách nhiệm chuyển tải nội dung kiến nghị cử tri, cũng như đeo đám để giải quyết đến cùng một vấn đề, kiến nghị tới đâu? Do đó, bà Thịnh đề nghị Ban Dân nguyện nghiên cứu thể hiện nội dung này trong báo cáo.
Hoan nghênh báo cáo đã có những dẫn chứng cụ thể, đề cập “địa chỉ” cụ thể theo tinh thần “nói có sách, mách có chứng”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị quan tâm việc thu phí tự động không dừng ở lĩnh vực giao thông. Bởi qua các kỳ họp cũng như các cuộc giám sát liên quan đều có phản ánh nhưng đến giờ này không thực hiện được. Bộ GTVT phải làm rõ lý do, vì vấn đề này ảnh hưởng đến an toàn trật tự giao thông./.
Nguồn: VOV.vn