Trang chủ Tin tức Độc đáo làng rối nước lâu đồi nhất miền Bắc

Độc đáo làng rối nước lâu đồi nhất miền Bắc

140
0

Xã Hồng Quang (Nam Trực – Nam Định) hiện còn lưu giữ một “đặc sản” văn hóa dân gian nổi tiếng trong và ngoài nước. Đó là phường rối nước lâu đời làng Rạch (hay còn gọi là phường rối nước Nam Chấn).

Trước đây, phường rối nước này phục vụ hội hè, đình đám trong vùng. Ngày nay, phường rối nước Nam Chấn mở rộng phục vụ du lịch và chế tác các con rối thành món quà tặng lưu niệm hấp dẫn du khách.

Nghề truyền thống

Theo các cụ cao niên, rối nước làng Rạch là môn nghệ thuật lâu đời, đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Theo các cụ cao niên,rối nước làng Rạch có lịch sử lâu đời nhất miền Bắc cùng với các phường rối như: Nguyên Xá (Đông Hưng, Thái Bình), Nhân Hòa (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) hay Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội). Hằng năm, cứ vào dịp rằm tháng Giêng- ngày kỵ đức Thành hoàng đệ nhất, dân làng lại mở hội, tổ chức đám rước linh đình, trong đó không thể thiếu là những tích trò rối nước.

Độc đáo làng rối nước lâu đồi nhất miền BắcXem biểu diễn rối nước tại nhà nghệ nhân Phan Văn Mạnh.

Theo ông Phan Văn Khuê, trưởng ban văn hóa của thôn, từ xa xưa, làng Rạch đã nổi tiếng với nghề sơn mài và tạc tượng cho các đình, chùa. Đặc biệt, các nghệ nhân làng Rạch còn có thể vừa biểu diễn, vừa chế tác các con rối, đạo cụ. Công việc này đòi hỏi sự tinh tế, tính thẩm mỹ cao. Đó cũng là lý do khiến nghệ thuật múa rối nước ở đây phát triển mạnh.

Trước đây, phường rối làng Rạch thường biểu diễn ở ao làng. Buồng trò được làm bằng tre nứa, mành che là vải xanh thêu bốn chữ “Quốc trung hữu Thánh”, tức là trung với nước và cung phụng Thánh. Tới năm 1987, làng đã xây dựng được ngôi thủy đình rộng hơn 2.000m2 để thuận tiện cho việc biểu diễn. Bên cạnh thủy đình là một nhà trưng bày và bảo quản các con trò.

Theo thời gian, nghề rối nước làng Rạch có lúc tưởng chừng bị mai một. Nhưng rồi, sức sống mạnh mẽ tiềm ẩn trong môn nghệ thuật này một lần nữa lại được những con người con làng Rạch “thổi bùng” với nhiều tích trò được phục dựng, cải tiến, tạo nên các tiết mục hấp dẫn như: Lê Lợi khởi nghĩa, Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Trưng Trắc – Trưng Nhị, cưỡi cá dâng hoa, xay thóc giã gạo, vợ chồng ông lão câu cá, múa lân, chọi trâu….

Gắn với phát triển du lịch

Với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, ngày nay, phường rối nước làng Rạch đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong việc bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống. Nghệ nhân Phan Văn Mạnh, đại diện cho thế hệ thứ 7 trong một gia đình có truyền thống múa rối nước chia sẻ: “Hiện nay, có quá nhiều loại hình giải trí nên lượng khán giả của múa rối nước rất hạn chế. Trước kia, mỗi lần biểu diễn, đoàn của ông cần ít nhấ ttừ 5 đến 7 người. Để biểu diễn ngày 2 buổi với mức thù lao500.000 đồng/người, họ phải mất 2 ngày để chuẩn bị và thu dọn đồ nghề, chưa kể tiền đi lại, ăn ở… nên tiền công chẳng đáng là bao. Tuy nhiên, từ hồi phát triển du lịch, các nghệ nhân cũng mở thêm các thuỷ đình nhỏ biểu diễn tại nhà và truyền dạy nét độc đáo, tính nhân văn cho học sinh, sinh viên”.

Độc đáo làng rối nước lâu đồi nhất miền BắcKhách du lịch trải nghiệm quy trình làm rối nước và mua làm quà lưu niệm.

Cùng với biểu diễn là chế tác bán con rối làm lưu niệm. Anh Phan Văn Triển, 42 tuổi, chủ xưởng chế tác rối nước tại xóm Rạch Trung cho biết: “Hiện tại, mỗi tháng, gia đình tôi sản xuất được 200 con rối nước theo đơn đặt hàng của khách đủ diễn 18 tích trò. Thu nhập từ nghề chế tác con rối nước cũng từng bước được nâng cao do ngày càng nhiều người biết đến và yêu thích nghệ thuật múa rối nước”.

Cả thôn Rạch hiện có 7 hộ gia công con rối nước. Trước nhu cầu của khách và thích ứng với đời sống hiện đại, cùng với những con rối cổ truyền, các hộ cũng sáng chế những mẫu mới cung cấp cho thị trường quà lưu niệm.

Thỏa mãn nhu cầu đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa bản địa của du khách quốc tế, nhiều công ty du lịch đã đến tìm hiểu và “bắt tay” với người dân làng Rạch để khai thác, đưa du khách đến. Hiện nay, phường rối nước làng Rạch cũng thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Tuy hoạt động phục vụ khách du lịch mới bắt đầu được mở rộng vài năm gần đây, nhưng đây thực sự là hướng đi tích cực, tạo động lực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghề rối nước ở làng Rạch. Nhờ vậy, ngoài việc bảo tồn nghệ thuật múa rối nước truyền thống trước nguy cơ mai một, người dân làng Rạch hiện đã có thể “sống khỏe” với nghề thông qua việc chế tác con rối và biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Bà Bùi Thị Nhàn, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Ecohost Việt Nam cho biết: Trong các chương trình trải nghiệm văn hóa đồng bằng Bắc Bộ tuyến Hà Nội – Nam Định, điểm đến xem múa rối nước làng Rạch luôn được du khách nước ngoài quan tâm bởi nét nghệ thuật đặc sắc vùng quê, vừa tìm hiểu văn hóa, sinh hoạt đời sống người dân trong vùng.

Các phường rối của làng Rạch hiện có gần 1.000 con trò với hơn 40 tích trò khác nhau. Cùng với các sự tích cổ, một số trò mới và số lượng các con rối nước theo hướng hiện đại cũng không ngừng phát triển phù hợp với thị hiếu đa dạng của khán giả..

Trước dịch COVID-19, bình quân mỗi tuần có 5-6 đoàn khách đến tìm hiểu và xem biểu diễn nghệ thuật rối nước làng Rạch. Hy vọng, ngành du lịch sớm phục hồi để nghệ thuật truyền thống rối nước tiếp tục được biểu diễn, quảng bá văn hóa Việt Nam, du lịch Việt Nam.

 

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây