Không gian mạng xã hội đang ngày càng trở nên phức tạp vì tính tiện ích của nó đã kéo theo nhiều hệ lụy khi những đối tượng xấu đã lợi dụng để chia sẻ những bài viết với những thông tin mơ hồ, thậm chí là tin giả. Hiện nay, tin giả (fake news) đang là vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm vì nội dung của những tin này thường tạo sự “hấp dẫn” kích thích sự tò mò của người đọc, nên nếu như không tìm hiểu nguồn gốc thông tin thì rất dễ bị dắt mũi dù chủ của người tung tin cố tình hay đơn giản là trêu đùa.
Chẳng hạn như mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ một thông tin giật gân khiến cho không ít các bạn trẻ cảm thấy lăn tăn, lo lắng, thậm chí là bức xúc, phẫn nộ. Cụ thể, liên quan đến quyết định số 588/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký về: “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”.
Tuy nhiên, một số anh chị tay nhanh hơn não hoặc tỏ ra nguy hiểm chứng minh bản năng săn tin của mình nên đã chế ra một bài viết với cái tít nghe “rợn gáy” với những ai đang FA: “Chính phủ sẽ quyết định xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng nếu nam, nữ kết hôn muộn sau 30 tuổi”. Sự thật có phải như vậy hay không ?
Trong quyết định số 588 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quy định rõ về mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con); giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con); duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 – 2,2 con).
Trang web này đưa tin sai sự thật về quyết định của Chính phủ
Có thể thấy, thông tin mà nhiều người đang chia sẻ cho rằng “Chính phủ sẽ quyết định xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng nếu nam, nữ kết hôn muộn sau 30 tuổi” là tin giả, là hoàn bịa đặt, vì trong nguyên văn quyết định của người đứng đầu Chính phủ làm gì có câu nào, chữ nào nói là xử phạt nếu kết hôn muộn mà các vị chia sẻ như đúng rồi vậy? Việc Thủ tướng ký quyết định trên chỉ là khuyến khích người dân kết hôn sớm, sinh con bằng cách hỗ trợ kinh tế, xóa bỏ những khó khăn gặp phải khi sinh con. Còn người dân có muốn hay không là quyền của các bạn, không ai có quyền ép buộc hay xử phạt cả.
Đây là chiêu trò giật tít, câu view khiến dư luận hiểu sai về chính sách của Chính phủ. Đây không chỉ là hành vi sai trái mà còn vi phạm Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP mà Chính phủ vừa ban hành vào tháng 4 vừa qua. Theo đó, quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
https://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/item/44086802-tu-15-4-chia-se-tin-gia-tren-mang-xa-hoi-bi-phat-den-20-trieu-dong.html
Ngoài ra, để phát hiện và tránh bị các tin giả dắt mũi, đặc biệt là không để mất tiền “ngu”, mỗi tín đồ mạng xã hội khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Dưới đây là một số cách để các bạn đọc có thể tham khảo để nhận diện, phát hiện các tin giả trên mạng xã hội:
Thứ nhất, cần kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra.
Thứ hai, kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin, thường nguồn phát của thông tin xuyên tạc, giả mạo thường là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam “.vn”. Các trang mạng chính thống của cơ quan tổ chức Nhà nước có tên miền quốc gia “.vn” và có địa chỉ, thông tin đăng ký cụ thể rõ ràng trên trang. Đối với các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích xanh). Người dân nên quan sát và phân biệt rõ các trang mạng xã hội chính thống và các trang giả mạo.
Thứ ba, kiểm tra tác giả, đọc kỹ nội dung để suy ngẫm xác định thông tin thật hay giả; tin tức giả hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Tìm các tin, bài viết trên các trang chính thống, uy tín có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin sự tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực.
Thứ tư, lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ từ những trang mạng xã hội nên tiếp cận các luồng thông tin chính thống; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân; thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động vi phạm pháp luật hoặc thông tin mà chưa rõ nguồn gốc, chưa xác định được tính chính xác của thông tin.
Trường hợp phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Đẩy mạnh thông tin tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống, đấu tranh, phê phán lên án hành vi sai trái vi phạm trên mạng xã hội.
Mã Phi Long
Nguồn: Bản tin Dân chủ