Trang chủ Chính trị Lễ thượng cờ thống nhất non sông tại Hiền Lương – Bến...

Lễ thượng cờ thống nhất non sông tại Hiền Lương – Bến Hải

122
0

VOV.VN -Năm nay, Lễ Thượng cờ thống nhất non sông được rút gọn số người tham gia, không có phần hội nhưng vẫn rất trang trọng, thiêng liêng.

Sáng nay (30/4), tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, tỉnh Quảng Trị đã diễn ra Lễ Thượng cờ thống nhất non sông nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2020).

Lễ thượng cờ thống nhất non sông tại Hiền Lương - Bến Hải
Lễ Thượng cờ thống nhất non sông.

Khác với mọi năm, năm nay, Lễ Thượng cờ thống nhất non sông được rút gọn số người tham gia, chỉ có phần lễ chào cờ, không có diễn văn phát biểu, không có phần hội nhưng vẫn rất trang trọng và thiêng liêng.

Đại biểu đến dự Lễ Thượng cờ tuân thủ quy định về phòng chống dịch Covid-19 như kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đảm bảo quy định về số lượng người và giữ khoảng cách.

Trong khoảnh khắc thiêng liêng, trên nền nhạc Quốc ca hào hùng, lá cờ đỏ sao vàng được dần kéo lên trên kỳ đài Hiền Lương. Hình ảnh này gợi nhớ đến những năm tháng chiến tranh khốc liệt, dưới mưa bom bão đạn, quân và dân ta vẫn kiên cường, quyết tâm giữ ngọn cờ luôn tung bay nơi kỳ đài giới tuyến.

Lễ thượng cờ thống nhất non sông tại Hiền Lương - Bến Hải
Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải trong ngày 30/4.

Sau khi Hiệp định Genève được kí kết vào ngày 20/7/1954, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam- Bắc. Dòng sông Bến Hải- cầu Hiền Lương trở thành giới tuyến quân sự tạm thời trong hơn 20 năm. Nơi đây được xem là biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của dân tộc ta. Lá cờ Tổ quốc trong chiến tranh vẫn luôn in hình trên bầu trời thể hiện khát vọng thống nhất của nhân dân 2 miền Nam- Bắc.

“Gươm nào chém được dòng Bến Hải, lửa nào thiêu được dải Trường Sơn”, trong chiến tranh, dòng sông này đêm đêm vẫn tấp nập những chuyến đò chi viện cho miền Nam ruột thịt. Suốt 21 năm mang trên mình nỗi đau chia cắt, chứng kiến cảnh tang tóc, đau thương nhưng vô cùng anh dũng, kiên trung, cầu Hiền Lương đã trở thành “nhân chứng lịch sử đặc biệt” trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Đã qua 45 mùa xuân thống nhất, ký ức những năm tháng hào hùng và bi tráng của dòng sông và nhịp cầu lịch sử Hiền Lương- Bến Hải mãi mãi in đậm trong ký ức hàng triệu người Việt Nam.

Lễ thượng cờ thống nhất non sông tại Hiền Lương - Bến Hải
Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải.

Ông Lê Công Hường, 81 tuổi, ở thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh xúc động chia sẻ, Lễ Thượng cờ năm nay tuy diễn ra rút gọn, không tập trung đông người nhưng giá trị ý nghĩa vẫn không thay đổi. Ngày 30/4/1975 Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên người dân mong muốn có buổi lễ Thượng cờ để hiểu rõ hơn sự trọng đại của buổi lễ này.

Sau Lễ Thượng cờ thống nhất non sông tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, cán bộ và nhân dân Quảng Trị đã đến thắp hương viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Thành Cổ Quảng Trị./.

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây