Ngày 2/5, Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho biết, do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã chịu thiệt hại nặng nề trong tháng 4, doanh thu chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ.
Theo đó, doanh thu lưu trú giảm 88% so với cùng kỳ năm trước với lượng khách chủ yếu là khách thuê theo giờ hoặc những trường hợp lưu trú nhằm chữa bệnh, khách quốc tế đến và chưa thể về nước… Trong khi đó, ở ngành ăn uống, dù các đơn vị có đưa ra phương thức giao hàng tại nhà hay chỉ bán mang đi nhằm hạn chế tổn thất doanh thu, tuy nhiên do tâm lý e ngại, người dân chỉ ăn uống tại nhà, tránh tiếp xúc bên ngoài khiến doanh thu ngành này giảm 86% so với cùng kỳ.
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, tính chung 4 tháng đầu năm, ngành du lịch, lữ hành có doanh thu ước đạt 4.175 tỉ đồng, giảm đến 58% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo sắp tới, hoạt động lữ hành sẽ còn khó khăn do dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong khi đó, du lịch nội địa dự báo sẽ có chuyển biến tích cực bắt đầu vào quý III/2020. Tuy nhiên, yếu tố tâm lý, chi phí là những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu của người dân trong ngành du lịch, vì vậy ngành du lịch cần có những chính sách kích cầu, khuyến mãi sau mùa dịch để thu hút khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết sắp tới, Sở sẽ kết nối với các doanh nghiệp vận chuyển (hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ), các khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan du lịch, các doanh nghiệp lữ hành để tung ra những gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa với giá tour cạnh tranh nhưng chất lượng để phục hồi lại ngành du lịch sau dịch bệnh. Ngoài ra, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh xúc tiến quảng bá điểm đến cả ở thị trường quốc tế lẫn nội địa. Không chỉ khách nước ngoài mà lượng khách trong nước cũng đóng vai trò rất quan trọng. Khả năng chi tiêu của khách Việt rất cao, nên các doanh nghiệp lữ hành cũng cần phải có những sản phẩm phù hợp để thu hút khách nội địa.
“Đối với khách nước ngoài, chúng ta không chỉ chăm chăm quan tâm đến thị trường trọng điểm mà phải quan tâm đến những thị trường tiềm năng để chúng ta bọc lót. Ví dụ, từ trước đến giờ, thị trường Bắc Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn luôn đứng đầu, với TP Hồ Chí Minh, đây là thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Khi thị trường trọng điểm có sự khủng hoảng như vừa qua thì chúng ta vẫn có thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Australia…”, bà Hoa nói.
Nguồn: Báo Tin tức