Vừa qua, Trung Quốc đã viện dẫn công hàm do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958 gửi Thủ tướng Chu Ân Lai như bằng chứng cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Trong công hàm mới được gửi lên Liên Hiệp Quốc (LHQ), Trung Quốc khẳng định cộng đồng quốc tế và cả chính phủ Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với các quần đảo này. Hơn nữa, Trung Quốc còn cho rằng sau năm 1975, Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc không phủ nhận (estoppel) trong luật quốc tế vì đã có yêu sách trái phép đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng lúc Bắc Kinh đưa ra các cáo buộc nói Việt Nam xâm phạm chủ quyền, xâm chiếm biển, đảo”. Đây là hành động xuyên tạc trắng trợn sự thật lịch sử, cho thấy âm mưu, ý đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.
Công hàm năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Chúng ta đều biết rằng sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, quân giải phóng tiến về tiếp quản Thủ đô năm 1954. Theo Hiệp định Geneva, Việt Nam tạm chia làm hai miền cho quân đội hai bên Việt – Pháp tập kết, quân Pháp được rút dần cho tới khi hoàn toàn không còn bóng dáng trên đất Việt Nam. Hai miền Việt Nam sẽ tiến tới tổng tuyển cử để thành lập nhà nước hoàn toàn toàn độc lập, có quyền tự quyết, bình đẳng với mọi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, khi thực dân Pháp rút đi, đế quốc Mỹ đã lập lên cái gọi là chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở dưới vĩ tuyến 17, nơi đáng lẽ chỉ bị phân chia tạm thời cho quân Pháp rút lui. Đế quốc lập nên chính phủ bù nhìn, ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng chính phủ đó vẫn được quốc tế thừa nhận và nhiều nước đặt quan hệ ngoại giao. Theo quy định của Hiệp định Geneva thì đất đai, vùng trời, vùng biển, các đảo, quần đảo (Hoàng Sa, Trường Sa) thuộc quyền quản lý của chính quyền phía dưới vĩ tuyến 17. Tất nhiên, lúc đó là chính quyền Quốc gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại đang nắm giữ và có ảnh hưởng chính trị phần lớn phía dưới vĩ tuyến 17 và vẫn được quốc tế thừa nhận.
Trong khi đó, với âm mưu, ý đồ muốn giải phóng Đài Loan với sự can dự của Mỹ, Trung Quốc có đưa ra bản tuyên bố về lãnh hải, với đặc thù quan hệ đặc biệt và là những nước trong khối xã hội chủ nghĩa, Việt Nam cần sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế để thống nhất đất nước, Chính phủ Việt Nam khi đó của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có gửi công hàm công nhận quyền hợp pháp trong phạm vi 12 hải lý theo quy định của quốc tế về lãnh hải. Nội dung Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi vì hơn ai hết, chính Thủ tướng VNDCCH thấu hiểu quyền tuyên bố về lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, và việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia luôn luôn là mục tiêu hàng đầu đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh ra đời của Công hàm như đã nêu trên.
Theo đó, Công hàm 1958 có hai nội dung rất rõ ràng: Một là, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý; Hai là, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Đồng thời, trong Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu. Do đó, chỉ xét về câu chữ trong một văn bản có tính chất ngoại giao cũng dễ dàng nhận thấy mọi suy diễn cho rằng Công hàm 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị San Francisco 1951, các quốc gia tham dự đã bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại hội nghị này, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phiên họp toàn thể mà không có bất kỳ sự phản đối hay ý kiến gì khác của tất cả các quốc gia tham dự. Điều đó có nghĩa là kể từ năm 1951, cộng động quốc tế đã thừa nhận chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế là vô hiệu. Chính vì vậy, Hoàng Sa, Trường Sa khi đó thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa, mọi tuyên bố của Việt Nam dân chủ Cộng hòa về hai quần đảo này đều không có hiệu lực pháp lý.
Hơn nữa, Hiệp định Geneva 1954, mà Trung Quốc là một nước tham gia chính thức, cũng thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về người Việt Nam. Các điều khoản trong Hiệp định cũng yêu cầu các quốc gia tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Vì vậy, tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong bản tuyên bố ngày 4/9/1958 về cơ sở pháp lý quốc tế là trái pháp luật quốc tế.
Có thể thấy rằng Trung Quốc đã xuyên tạc trắng trợn “Công hàm năm 1958”. Cái mà Trung Quốc muốn là lừa bịp nhân dân thế giới về cái gọi là “Việt Nam công nhận chủ quyền biển, đảo của Trung Quốc” nhằm hợp thức hóa mưu đồ chiếm trọn biển Đông của họ. Vì vậy, là người dân Việt Nam yêu nước chân chính thì cần phải tỉnh táo, đấu tranh bẻ gãy luận điệu xuyên tạc, bịp bợm của chúng.
Thúy Kiều
Nguồn: Người con Đất Mẹ