Trang chủ Đấu trường dân chủ Chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung...

Chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc (Bài 4)

1
0

Nếu có một cách gọi gần gũi và bao quát nhất về ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 9, chúng tôi sẽ gọi ông là “chuyên gia về đại đoàn kết dân tộc”. Ông là một trong những người trực tiếp góp phần tham mưu các chính sách của Đảng, Nhà nước ta về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc từ những ngày đầu giải phóng cho đến nay. Ông Nguyễn Túc đã nói gì về câu chuyện hòa hợp dân tộc 45 năm sau ngày 30-4-1975.

Bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam

– PV: Thưa ông, đã 45 năm sau ngày 30-4-1975, cũng là 45 năm thực hiện chủ trương của Đảng về hòa hợp dân tộc. Là người từng tham gia tham mưu những chủ trương, chính sách về đại đoàn kết cho Đảng, Nhà nước từ những ngày đầu, ông có cảm nhận gì khi nhìn lại 45 năm nỗ lực thực hiện hòa hợp dân tộc?

– Ông Nguyễn Túc: Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 20 năm đã thắng lợi huy hoàng. Một nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi là nhờ truyền thống yêu nước và đại đoàn kết của dân tộc ta. Truyền thống đoàn kết đó là do đâu, chính là do có Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ khởi xướng và lãnh đạo, đây là yếu tố tạo ra đường lối độc lập, tự chủ của chúng ta. Ngay tại Nghị quyết Trung ương 15 năm 1959 đề ra nhiệm vụ chung của cách mạng Việt Nam đã đề cập: Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh để giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà…; khơi dậy truyền thống yêu nước và cấu kết cộng đồng, huy động sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc vào cuộc. Lịch sử dân tộc ta cũng đã chứng minh rằng: Khi nào dân ta đoàn kết thì nước ta được độc lập, khi nào dân ta chia rẽ thì nước ta bị đô hộ…

Chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc (Bài 4)

Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 9. Ảnh: qdnd

Sau 45 năm tính từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đến nay tình hình thế giới và tình hình trong nước ta đã thay đổi rất nhiều. 45 năm trước ta với Mỹ là kẻ thù của nhau, mặc dù ngay sau khi giải phóng, Đảng, Nhà nước ta đã chủ động có phương châm ngoại giao tiến bộ. Tôi còn nhớ bài phát biểu của đồng chí Hoàng Quốc Việt (lúc đó là Trưởng ban Dân vận – Mặt trận, và giữ cương vị Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam) tại buổi mít tinh ngày Quốc tế Lao động 1-5-1975 đã có một câu đại ý rằng: Với thắng lợi 30-4 chúng ta gửi lời chào hữu nghị đến nhân dân Mỹ, chúng ta cảm ơn những người Mỹ có lương tri đã đồng tình, ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, chúng ta mong rằng với sự kiện này, mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ sẽ bước sang một trang sử mới”. Truyền thống hòa hiếu của dân tộc ta được thể hiện rõ, nhưng Mỹ lúc bấy giờ vừa thất bại cay đắng, nên họ đã tìm mọi cách để cấm vận, bao vây, kìm hãm sự phát triển của ta…

Chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc (Bài 4)

Những cô gái ba đảm đang quạt thóc vàng gửi ra tiền tuyến ở Vũ Thư, Thái Bình, năm 1967. Ảnh: vapa.org.vn/Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam

Nhưng đến hôm nay đã rất khác, mối quan hệ giữa ta với Mỹ trở thành đối tác toàn diện, nước ta đã vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đất nước ta sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Năm 1975 có hơn 1 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, mà chủ yếu ở Mỹ và các nước tư bản, trong thời điểm đó, vì nhiều lý do khác nhau, đa phần những người Việt Nam ở nước ngoài sợ “Việt cộng”, căm thù “Việt cộng” và trốn tránh “Việt cộng” như họ nói. Nhưng đến hôm nay, Người Việt Nam ở nước ngoài đã lên đến 4,5 triệu người. Họ không chỉ ở Mỹ và các nước tư bản, mà sinh sống, học tập công tác ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, hầu hết đã suy nghĩ khác về đất nước. Tinh thần yêu nước, tinh thần cấu kết cộng đồng dân tộc ở trong dòng máu của họ đã trỗi dậy. Tình hình đó đòi hỏi Đảng ta phải có những chính sách cụ thể, để làm sao những người Việt Nam ở nước ngoài mãi mãi là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam… Chúng ta đã có nhiều nghị quyết thể hiện tinh thần đó…

“Khép lại quá khứ, mở ra tương lai”

– PV: Có ý kiến cho rằng: Muốn hòa hợp dân tộc phải từ bỏ chế độ XHCN, phải thực hiện đa nguyên, đa đảng, bỏ cụm từ ngụy quân, ngụy quyền. Thậm chí họ còn đòi Đảng, Nhà nước ta phải xin lỗi vấn đề cải tạo người chế độ cũ, xin lỗi vấn đề thuyền nhân… Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

– Ông Nguyễn Túc: Tư tưởng bao dung, nhân nghĩa thấm đượm từ ngàn đời trong nhân dân ta, tinh thần bao dung, nhân nghĩa đó được Bác Hồ kế thừa và phát huy. Tôi nhớ mãi trong bức thư Bác Hồ gửi đồng bào Nam bộ thể hiện quan điểm đối với những người lầm đường, lạc lối thì chúng ta bằng tình thương để giúp đỡ họ, cảm hóa họ. Thực hiện tư tưởng đó của Người, sau năm 1975, chúng ta tập trung để cải tạo, cảm hóa, giúp đỡ hàng loạt ngụy quân, ngụy quyền, quan chức chế độ cũ. Việc làm đó nhằm giúp họ hiểu được đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, đồng thời nhằm tránh xảy ra những việc đáng tiếc, khi ở miền Nam mỗi gia đình đều là một nghịch cảnh. Rất nhiều gia đình miền Nam do ngụy quân, ngụy quyền, thực hiện chính sách của Mỹ, bằng các chiến lược, trong đó có “Việt Nam hóa chiến tranh”, “thay màu da trên xác chết”, họ đã thực hiện những việc “trời không dung, đất không tha” như: Tố cộng, Luật 10/59…. nếu ta thừa thắng xông lên, không khoan dung thì nhất định sẽ xảy ra đổ máu sau chiến tranh và đó là điều rất đáng tiếc. Những người phục vụ chế độ cũ, sau khi được tập huấn, cải tạo về lại quê hương cuộc sống diễn ra bình thường… Đối với những nhân sĩ, trí thức, quan chức lớn có tinh thần yêu nước, biết sai lầm thì các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta chỉ đạo MTTQ, Ban Dân Vận Trung ương đến từng nhà để vận động, cảm hóa. Khi đó, tôi là thư ký cho đồng chí Hoàng Quốc Việt. Tôi nhớ các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy phụ trách công tác Dân vận đến gặp các ông Nguyễn Xuân Oánh, quyền thủ tướng chính quyền Sài Gòn; ông Nguyễn Văn Huyền, chủ tịch thượng viện chính quyền Sài Gòn; bà Phước Đại, phó chủ tịch thượng viện chính quyền Sài Gòn; ông Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá tổng tham mưu trưởng quân đội chính quyền Sài Gòn… vận động thuyết phục cảm hóa họ. Như vậy có thể thấy chính sách của chúng ta rất nhân đạo, bao dung, khi đổi mới chúng ta mới đưa ra khẩu hiệu “khép lại quá khứ, mở ra tương lai” nhân rộng tinh thần bao dung, nhân nghĩa, để thu hút mọi con dân đất Việt về với Tổ quốc…

Những đòi hỏi phi lý

Thế nhưng những năm gần đây, nhất là dịp 30-4 vẫn có một số người chống đối, rắp tâm để phá chế độ này, đòi cái nọ, đòi cái kia, đòi không được gọi ngụy quân, ngụy quyền. Bản chất anh là ngụy quân, ngụy quyền, thì người ta gọi. Bác Hồ cũng nói từ trong chiến tranh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Anh là ngụy thì người ta phải gọi là ngụy thôi. Anh là tay sai cho đế quốc thì người ta gọi là tay sai, người ta không nói gì sai cả…

Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là nguyện vọng ngàn đời của dân tộc ta. Có độc lập dân tộc, nhân dân ta mới có cuộc sống như hiện nay. Thế mà lại đòi xóa bỏ CNXH, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng… thì không được. Chúng ta thực hiện “đại đoàn kết của dân tộc” trên cơ sở vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; truyền thống nhân nghĩa, khoan dung đề cao tinh thần dân tộc, để tập hợp mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội. Những yêu sách ngược với ước vọng của toàn dân ta thì không thể được chấp nhận.

PV: Thưa ông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Mặt trận đã quan tâm đến vấn đề người Việt Nam ở nước ngoài ra sao?
Ông Nguyễn Túc: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH từ năm 1991 đã xác định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tể tách rời của dân tộc”. Vấn đề tham mưu cho Đảng về chính sách đối với Người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc cùng với Ban Dân vận Trung ương. Chúng tôi đã quán triệt Tư tưởng Hồ Chí Minh về lấy bao dung nhân nghĩa, khép lại quá khứ, mở ra tương lai để tham mưu xây dựng Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 17-11-1993 của Bộ Chính trị (khóa VII) về đại đoàn kết dân tộc, góp phần cụ thể hóa cương lĩnh.

Theo tư tưởng của Bác Hồ, CHXH là ai cũng cơm no, ai cũng áo ấm, ai cũng được học hành và được sống trong độc lập tự do. Nghị quyết 07 lúc đó chỉ ra: Đoàn kết mọi người Việt Nam, tán thành sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu giữ vững hòa bình, độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu tiến lên dân giàu xã hội công bằng văn minh, sau này Bộ Chính trị mới bổ sung thêm cụm từ dân chủ …

Suốt từ Đại hội IV của Đảng đến nay, nhất là từ lúc tiến hành sự nghiệp đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tham mưu giúp Đảng, Nhà nước về chiến lược chính sách đại đoàn kết dân tộc. Từ đó người Việt Nam ở nước ngoài ngày gắn kết với quê hương ngày càng sâu sắc hơn.

Chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc (Bài 4)

MTTQ Việt Nam phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức “Trại hè cho con em người Việt Nam ở nước ngoài” năm 2017. Ảnh: TTXVN

Nếu như năm 1975 trong Mặt trận Thống nhất chỉ duy nhất 1 người nước ngoài tham mặt trận đó là ông Huỳnh Thúc Đồng, Việt kiều Pháp, thì đến nay thì có hơn 30 vị đại diện người Việt Nam ở nước ngoài trên khắp thế giới đã tham gia vào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ba việc cần làm để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

PV: Thưa ông, chúng ta đang tiến hành đại hội đảng các cấp hướng tới Đại hội XIII của Đảng. Theo ông, thời gian tới, Đảng ta cần phải có đột phá gì vấn đề gì nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc?

Ông Nguyễn Túc: Theo tôi trong những năm tới chúng ta thực hiện tốt 3 vấn đề cơ bản:

Vấn đề thứ nhất: Phải phát huy dân chủ thực sự. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Muốn đoàn kết thực sự thì phải có dân chủ thực sự, đây là yếu tố quyết định nhất trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong điều kiện mới hiện nay, chúng ta đang phát triển kinh tế nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường, thì một yếu tố quan trọng, không kém phần dân chủ đó chính là hài hòa lợi ích.

Trong chiến tranh có quy luật của chiến tranh, hòa bình có quy luật của hòa bình. Chiến tranh là cái TÔI phải phục tùng cái TA, “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Nhưng hiện nay, trong hòa bình chúng ta phải giải quyết hài hòa giữa cái TÔI và cái TA. Trên thực tế chúng ta giải quyết vấn đề này không đơn giản, nếu không khéo thì cái TÔI lấn át cái TA. Đặc biệt thời gian vừa qua khi chúng ta tiến hành thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, chúng ta thấy rằng khi tiến hành phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN, thì người ta thấy thị trường nhiều hơn, mà người ta quên cái định hướng XHCN, người ta vơ vào cái TÔI nhiều hơn, thành ra có một số đồng chí của chúng ta bị sa ngã, dẫn đến con đường tù tội…

Do đó theo tôi, muốn có đoàn kết, bên cạnh vấn đề dân chủ thực sự, chúng ta phải quan tâm đến vấn đề hài hòa về lợi ích, muốn vậy,phải xây dựng cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, khách quan, sát thực tế.

Vấn đề thứ ba: Tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Nếu tăng trưởng kinh tế mà không gắn với tiến bộ và công bằng xã hội thì sẽ xảy ra mất đoàn kết trong nội bộ. Chúng ta hãy hình dung cả đất nước ta có 54 dân tộc anh em, nếu chúng ta chỉ phát triển kinh tế ở một số vùng, miền nhất định, hoặc ở một tầng lớp nhất định, thì nó nảy sinh mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, khoảng cách giàu nghèo, phân hóa xã hội…Vấn đề thứ hai: Trong điều kiện hiện nay, chế độ chính sách, phải đáp ứng được năng lực và trách nhiệm của từng người, thực tế các chế độ chính sách hiện nay chưa thực sự khuyến khích được người dân, dễ tạo cho người ta tham nhũng… Chính vì vậy tại các kết luận của Trung ương từ Đại hội VIII đến nay vẫn nhắc đi nhắc lại đó là vấn đề: Giải quyết hài hòa lợi ích, nếu chúng ta giải quyết tốt hài hòa lợi ích thì sẽ huy động được tất cả các thành phần kinh tế trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

KHÁNH TRÌNH (QĐND/thực hiện)

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây