Thủ tướng quyết định “chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế-xã hội”.
Mặc dù cuộc thăm dò dư luận của một tờ báo mạng cho thấy, đa số người trả lời đều muốn tiếp tục cách ly xã hội sau 22/4 và đồng thời Ban Chỉ đạo quốc gia chống dịch Covid-19 cũng đề xuất giữ Hà Nội ở nhóm nguy cơ cao, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn kết luận hạ bậc rủi ro của Thủ đô xuống nhóm địa phương “có nguy cơ” và chỉ áp dụng tiêu chí nguy cơ cao với một số khu vực cụ thể của thành phố.
Chỉ cách đây một tuần, cả hai nhóm “nguy cơ cao” và “có nguy cơ” đều phải thực hiện Chỉ thị 16 cách ly xã hội và Chỉ thị 15, trong đó có nội dung cấm các dịch vụ không thiết yếu, thì theo quyết định mới nhất của người đứng đầu Chính phủ, từ 0 giờ ngày 23/4, sẽ dừng cách ly xã hội đối với nhóm có nguy cơ, bao gồm cả Hà Nội và TP.HCM và lãnh đạo mỗi địa phương được phép chủ động “quyết định cụ thể việc mở cửa hàng, cửa hiệu hay đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu”.
Đây là một quyết định dũng cảm, thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo, sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ nhiều nguồn, có trực giác nhạy bén, nắm bắt rất sát hơi thở của cuộc sống và dám chịu trách nhiệm, không kết luận chung chung, đá quả bóng trách nhiệm cho cấp dưới.
Sức ép để phục hồi kinh tế là rất lớn từ người dân và doanh nghiệp.
Cả tập thể chung vai
Ở mặt trận y tế, Trưởng ban Ban chỉ đạo chống dịch Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là một nhà quản lý đầy kỹ năng và tâm huyết, được hỗ trợ bởi những nhà chuyên môn rất giỏi trong lĩnh vực của mình, đặc biệt là lĩnh vực y tế. Ngoài ra, Ban chỉ đạo chống dịch còn huy động được chất xám và các nguồn lực vật chất của 300 chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Vì vậy, Ban chỉ đạo đã tham mưu cho Chính phủ đưa ra những quyết định kịp thời và đầy quyết đoán, trong đó có những biện pháp chống dịch rất mạnh mẽ, chưa có tiền lệ, đem lại kết quả chống dịch cực kỳ ấn tượng, được đánh giá cao không phải chỉ bởi người dân trong nước mà còn bởi các tổ chức khu vực và quốc tế, các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những nước phát triển.
Ở mặt trận kinh tế, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và VCCI là những cơ quan đi đầu trong việc tham mưu cho Thủ tướng những chính sách giảm thiểu tác hại do những biện pháp chống dịch gây ra đối với an sinh xã hội và nền kinh tế, đồng thời cũng mạnh dạn đề xuất điều chỉnh cách phân loại nhóm nguy cơ và các biện pháp chống dịch sao cho hiệu quả chống dịch vẫn được đảm bảo với chi phí thấp nhất.
Ở mặt trận thông tin truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có những hướng dẫn khá cụ thể sao cho thông tin trung thực đến được người dân nhưng không gây hoang mang.
Những tiếng kêu vang vọng từ cuộc sống của hàng chục ngàn người xếp hàng chờ nhận gạo từ thiện mỗi ngày, của hàng ngàn doanh nghiệp đang hấp hối, của hàng triệu lao động bị đứt quãng thu nhập và mất việc làm … đã được trân trọng lắng nghe và chuyển tải thành những đề xuất chính sách cụ thể.
Dĩ nhiên, lãnh đạo Chính phủ còn có nhiều nguồn tham khảo thông tin và tham mưu chính sách khác nữa, bao gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Sống chung an toàn với Covid-19
Ngày 18/4, mặc dù kết quả kiểm soát dịch ở Việt Nam đang tiến triển rất tốt, Trưởng ban Ban chỉ đạo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lần đầu tiên đề cập đến việc “chung sống an toàn” với Covid-19. Trong bối cảnh có gần 2,5 triệu người nhiễm virus và trên 150 ngàn người chết vì Covid-19 trên toàn thế giới, và các con số này vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày; còn ở Việt Nam chính sách cách ly xã hội vẫn đang tiếp tục và nguy cơ lây nhiễm cộng đồng từ các ca “lang thang” vẫn còn, việc đưa ra khái niệm “chung sống” có thể khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng, mặc dù Ban chỉ đạo nhấn mạnh là chung sống phải đi kèm các biện pháp bảo đảm an toàn chống lây nhiễm.
Lúc đó, có một luồng dư luậncố gắng giải thích khái niệm ‘sống chung an toàn” mà Ban chỉ đạo dùng là để nói về việc kết thúc cách ly xã hội và dỡ bỏ lệnh cấm các dịch vụ không thiết yếu khi đã hết dịch/không còn dịch ở Việt Nam, được chính thức hóa bởi một quyết định công bố hết dịch của Thủ tướng. Tuy nhiên đây không phải là cách hiểu của Ban chỉ đạo và cách giải thích đó cũng không có tác dụng làm mọi người bớt hoang lo lắng. Có lẽ vì thấu hiểu sự hoang mang này của một bộ phận nhân dân nên đến sáng ngày 22/4, Ban chỉ đạo vẫn thận trọng đề xuất giữ Hà Nội ở nhóm nguy cơ cao và áp dụng cách ly xã hội đến hết 30/4.
Tuy nhiên, chiều ngày 22/4, Thủ tướng quyết định “chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế-xã hội.” Đây là tuyên bố đầy tinh thần trách nhiệm, là sự chuẩn bị tinh thần kịp thời và cần thiết cho các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức để sẵn sàng đối diện với thực tại và chủ động, tự giác, sáng tạo với những giải pháp của mình để quay trở lại cuộc sống bình thường, dù là “bình thường mới” với muôn vàn khó khăn hơn trước, và quyết tâm vươn lên.
TP.HCM là địa phương đi đầu cả nước trong việc hiện thực hóa tầm nhìn của Thủ tướng về sống chung với Covid-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mà biểu hiện rõ nhất, thiết thực nhất là sự nghiên cứu, xây dựng và ban hành bộ quy tắc đối với các loại hình sản xuất kinh doanh, trường học (Quy chuẩn an toàn COVID-19). Việc này đáng ra phải do các cơ quan chuyên môn ở Trung ương đi đầu rồi hướng dẫn các địa phương triển khai. Tuy nhiên, sự chủ động của TP.HCM và sự ủng hộ mạnh mẽ của Thủ tướng sẽ tạo áp lực để cả bộ máy vào guồng và sẽ sớm có các bộ quy chuẩn an toàn Covid-19 cho tất cả các lĩnh vực.
Trong bối cảnh số người nhiễm và chết trên thế giới gia tăng chóng mặt khiến người dân vô cùng lo lắng, cả hệ thống đang quay cuồng với công tác chống dịch, đòi hỏi về sự đồng thuận, đoàn kết và tuân thủ rất cao, việc góp ý, phân tích những biện pháp chống dịch trên mặt trận y tế mà chưa quan tâm tương xứng đến mặt trận kinh tế của nhiều tổ chức, cá nhân đã được Thủ tướng cầu thị lắng nghe. Trong giai đoạn “sống chung an toàn” với Covid-19 tới đây với những thách thức và rủi ro còn nhiều, chúng ta cần tin tưởng và chung vai cùng Chính phủ để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Vũ Tú Thành
Nguồn: Tuần Việt Nam