Trang chủ Thể thao Thể thao Việt Nam: Vượt qua khó khăn, sẵn sàng bước vào...

Thể thao Việt Nam: Vượt qua khó khăn, sẵn sàng bước vào thi đấu đỉnh cao

0
0

Đầu năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các mặt của đời sống, trong đó có lĩnh vực thể dục thể thao. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chuyên gia, huấn luyện viên, vận động viên, ngành Thể dục thể thao đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm tốt công tác phòng, chống, ngăn ngừa lây nhiễm, đồng thời vẫn có phương án tập luyện phù hợp để các vận động viên sẵn sàng bước vào thi đấu đỉnh cao ngay khi dịch đi qua.

Thể thao Việt Nam: Vượt qua khó khăn, sẵn sàng bước vào thi đấu đỉnh caoĐội tuyển bóng đá nam Việt Nam đang chờ đợi các trận vòng loại thứ hai World Cup 2022 quay trở lại sau dịch COVID-19. Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN

Giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vương Bích Thắng cho biết, theo kế hoạch, năm 2020, toàn ngành đặt quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đề ra với nhiều dự kiến, kế hoạch cho các đội tuyển, từng bộ môn. Tuy vậy, dịch COVID-19 bùng phát ngay từ đầu năm đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch của ngành, buộc ban huấn luyện các đội tuyển phải điều chỉnh phù hợp. Các giải đấu phải lùi thời gian tranh tài và cọ xát. Dịch COVID-19 cũng khiến toàn bộ hoạt động bóng đá trong nước và quốc tế nhiều tháng qua bị ngưng trệ. Các giải chuyên nghiệp chưa biết ngày trở lại, trong khi kế hoạch của các đội tuyển quốc gia cũng chưa được tính toán cụ thể.

Trước tình hình dịch phức tạp, ngành Thể dục thể thao đã liên tục chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện tốt cách ly toàn xã hội, nhằm đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chuyên gia, huấn luyện viên, vận động viên…

Các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia lớn tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, nơi tập trung đông vận động viên đỉnh cao tập luyện, đều thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều giải pháp thích hợp. Điển hình như Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, nơi quản lý khoảng 600 vận động viên của các đội tuyển: Pencak silat, bóng bàn, bắn súng, bắn cung, cử tạ, Taekwondo, điền kinh, thể dục dụng cụ, vật, Wushu, đấu kiếm, đua thuyền… đã phải hủy bỏ các đợt tập huấn, các giải đấu trong nước và quốc tế do dịch bệnh phức tạp.

Còn tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, công tác đảm bảo sức khỏe cho các cán bộ, chuyên gia, vận động viên, huấn luyện viên là nhiệm vụ hàng đầu. Lãnh đạo các Trung tâm cũng trao đổi với huấn luyện viên, chuyên gia để một số bộ môn, vận động viên tập luyện tại chỗ, tăng cường tập thể lực. Các đội tuyển khác vẫn đảm bảo kế hoạch tập luyện bình thường, song yêu cầu về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách 2m khi tiếp xúc… vẫn luôn được giám sát chặt chẽ.

Nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, lên phương án tập luyện phù hợp đã giúp cho cán bộ, công nhân viên, vận động viên, huấn luyện viên trong toàn ngành tránh được dịch bệnh, chưa ghi nhận một trường hợp nào mắc COVID-19.

Tích cực tập luyện để sẵn sàng bước vào thi đấu

Theo lịch thi đấu của thể thao Việt Nam, trong quý I/2020 sẽ diễn ra nhiều môn thi đấu tranh tài để tích điểm tham dự Olympic Tokyo 2020 (Olympic được lùi sang năm 2021). Nhưng dịch COVID-19 đã khiến các giải, trận đấu bị lùi tới thời điểm thích hợp. Có thể kể đến Giải Taekwondo quốc tế (tích điểm Olympic) tại Bỉ; Giải Boxing vòng loại Olympic khu vực châu Á tại Jordan, hay trận đấu bóng đá giữa Đội tuyển Việt Nam với Đội tuyển Malaysia trong khuôn khổ Vòng loại thứ hai World Cup 2022 dự kiến diễn ra trong tháng 3 đã bị lùi tới khi dịch được khống chế. Các giải đấu, hội thi, hội diễn lớn đều phải hoãn cho tới khi được phép tổ chức trở lại.

“Cái khó ló cái khôn”, không “nằm yên” chờ hết dịch, các bộ môn thể thao đỉnh cao cũng đã nỗ lực tìm ra giải pháp thích hợp để vừa giữ được sức khỏe lại đảm bảo chuyên môn cho các vận động viên trong thời điểm này.

Có thể kể ra như môn cử tạ – một trong những môn hứa hẹn sẽ có nhiều vận động viên góp mặt tại Olympic Tokyo năm 2021 đã áp dụng việc tập luyện trực tuyến. Theo đó, Ban huấn luyện và các vận động viên không gặp mặt nhau trực tiếp, nên đã tìm ra giải pháp thiết thực bằng việc quản lý trực tuyến, gửi các clip tập luyện, yêu cầu đúng kỹ thuật và giờ giấc. Trong thời gian giãn cách xã hội, đội tuyển cử tạ vẫn áp dụng hình thức này trong việc tập luyện, trao đổi giáo án và nhận các thông báo từ ngành Thể dục thể thao.

Hướng dẫn tập trực tuyến cũng là lựa chọn của thầy trò huấn luyện viên Nguyễn Thị Thu Hà thuộc đội tuyển thể dục nghệ thuật Việt Nam. Theo lịch tập luyện, các vận động viên nghiêm túc điểm danh từ 8h sáng, buổi chiều từ 14h, tập luyện theo các giáo án. Việc nhắc nhở, giám sát được Ban huấn luyện thực hiện qua máy tính, điện thoại thông minh tại nhà.

Không chỉ đến khi có dịch COVID-19 mới áp dụng mà từ nhiều năm nay, đội tuyển cờ vua Hà Nội đã áp dụng hình thức tập luyện trực tuyến nên các kỳ thủ đều cảm thấy thoải mái. Theo huấn luyện viên Bùi Vinh của đội tuyển cờ vua Hà Nội, không giống các bộ môn khác, thành viên đội tuyển cờ vua Hà Nội đã quen với cách dạy trực tuyến từ các chuyên gia nước ngoài. Vì thế, việc tập luyện qua hình thức trực tuyến không gây khó khăn cho các kỳ thủ.

Còn thầy trò ở môn điền kinh lại chọn giải pháp tập theo nhóm ít người. Buổi sáng, huấn luyện viên Đào Xuân Cường ở nội dung cự ly 110m rào bộ môn điền kinh Hà Nội tập luyện cho các vận động viên theo nhóm nhỏ từ 1 – 2 người, chia ra nhiều khung giờ khác nhau. Việc này bảo đảm yêu cầu về phòng chống dịch, lại nâng cao trình độ chuyên môn, thể lực cho các vận động viên.

Như vậy có thể thấy, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, với những giải pháp phù hợp, tình hình tập luyện giữ phong độ ở các bộ môn đã được triển khai thực hiện hiệu quả. Hiện sức khỏe của toàn thể cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên đều được đảm bảo an toàn; tình hình tập luyện của các đội tuyển được duy trì theo đúng kế hoạch.

Trong những ngày tới, nếu tình hình dịch bệnh còn tiếp diễn, các Trung tâm, bộ môn vẫn sẽ đồng thời duy trì phòng, chống dịch và áp dụng các giải pháp tập luyện để đảm bảo phong độ cũng như ổn định về mặt tâm lý cho các vận động viên, giúp họ luôn ở trạng thái sẵn sàng bước vào tranh tài ở những giải đấu đỉnh cao khi dịch bệnh kết thúc.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây