Ngày 1/5 của 45 năm về trước, Côn Đảo chính thức giải phóng.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huyện không tổ chức lễ kỷ niệm. Tuy nhiên, mỗi người dân Côn Đảo đều cảm thấy tự hào đang sống trên mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc, nơi hàng vạn chiến sĩ cách mạng, người yêu nước đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Họ càng tự hào hơn khi địa danh “Địa ngục của trần gian” năm nào, nay đang đầy tràn khí thế, cơ hội rõ ràng để bước vào một giai đoạn mới phát triển mạnh mẽ.
Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Lê Văn Phong đánh giá, kinh tế – xã hội của huyện đảo đang phát triển theo đúng định hướng Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ IX nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
Theo ông Phong, để có được sự chuyển mình trong phát triển kinh tế huyện đảo thời gian qua là do huyện đã chuẩn bị tốt các nguồn lực, tạo nền tảng cho ngành kinh tế mũi nhọn du lịch. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, chỉnh trang đô thị; nâng cấp Nghĩa trang Hàng Dương, bảo tàng Côn Đảo, Đền thờ Côn Đảo và chùa Núi Một… đã tạo diện mạo mới cho Côn Đảo, hấp dẫn du khách tới và doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, nhất là đầu tư kết nối giao thông giữa đảo với đất liền.
Ông Phong khẳng định, ngành Du lịch Côn Đảo sẽ phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, từ đó kéo theo các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân ngày cảng mở rộng.
Hiện nay, dư địa cho phát triển du lịch của Côn Đảo còn rất lớn và địa phương đã sẵn sàng các quy hoạch, chuẩn bị cơ sở hạ tầng để đón nhà đầu tư. Bên cạnh các di tích lịch sử đặc biệt, tầm cỡ như: hệ thống nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương, là hàng loạt các điểm du lịch nội đảo hoặc những khu vực hoang sơ chưa được phát huy hết như: mũi Chim Chim, mũi Cá Mập, vịnh Đầm Tre, bãi Ông Câu, bãi Ông Đụng, núi Thánh giá và hệ thống các đảo rất phù hợp cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, tham quan đảo, trải nghiệm di sản thiên nhiên (lặn ngắm san hô, xem rùa biển đẻ trứng, thả rùa biển)…
Ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, trong 3 năm gần đây, Côn Đảo đã có bước chuyển mình tích cực thông qua các hoạt động đầu tư, xây dựng của các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn. Tính từ 2017 đến cuối năm 2019, Sở Xây dựng tỉnh đã cấp 11 giấy phép xây dựng với tổng diện tích sàn hơn 27.700 m2 và Ủy ban huyện cấp 214 giấy phép với tổng diện tích sàn hơn 48.700 m2 với tổng vốn đầu tư hơn 473 tỉ đồng.
Đối với một huyện đảo khoảng 8.000 cư dân, chỉ trong 3 năm, mức độ người dân đầu tư, xây dựng khách sạn mini, nhà hàng, nhà ở… cho thấy hoạt động kinh tế tại huyện đảo đang rất sôi động, đời sống người dân đã được nâng lên.
Năm 2019, Côn Đảo đón trên 393.700 lượt khách du lịch, vượt gần 94.000 lượt khách so với kế hoạch đề ra và tăng hơn 37% so với năm 2018. Tổng doanh thu thương mại – dịch vụ của huyện đạt gần 2.735 tỉ đồng, tăng hơn 12% so với năm 2018. Khách du lịch đến đảo tăng nhanh là cơ hội lớn để người dân đầu tư phát triển kinh tế hộ.
Theo thống kê của UBND huyện Côn Đảo, từ năm 2017 đến nay, huyện có 52 dự án đăng ký nguyện vọng đầu tư vào đảo. Tuy nhiên, phần lớn các dự án còn vướng thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất nên số lượng được cấp phép đầu tư còn thấp. Hiện tỉnh đang tích cực đẩy nhanh tiến độ các thủ tục cho đấu giá quyền sử dụng đất, để các dự án sớm được đưa vào triển khai hoạt động, tạo công ăn việc làm và nguồn thu cho địa phương.
Đến nay, huyện Côn Đảo đã chủ động thực hiện hàng loạt quy hoạch cho phát triển như: quy hoạch, định hình 4 khu dân cư; quy hoạch khu trung tâm thương mại; phố đi bộ Tôn Đức Thắng; hoàn thiện xây dựng Chương trình phát triển đô thị Côn Đảo làm nền tảng nâng cấp đô thị Côn Đảo trong thời gian tới. Bên cạnh đó, huyện còn triển khai đề án dạy ngoại ngữ cho người dân nhằm hình thành một nét văn hóa du lịch toàn dân tại đảo; tích cực kiến nghị, phối hợp với các cơ Trung ương và tỉnh mở rộng sân bay Côn Đảo để tăng khả năng kết nối trực tiếp từ Côn Đảo đến các vùng miền trọng điểm du lịch trong cả nước… Đây chính là những tiền đề để Côn Đảo phát triển bền vững ngay trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Tin tức