Trang chủ Thể thao Chuyện giảm lương cầu thủ 'mùa COVID': Giải pháp hay trách nhiệm...

Chuyện giảm lương cầu thủ 'mùa COVID': Giải pháp hay trách nhiệm chia sẻ

259
0

Tác hại do dịch COVID-19 gây ra với thể thao thế giới là vô cùng to lớn. Nó khiến các giải đấu phải tạm dừng. Với bóng đá, nhiều đội đang đứng trước cuộc khủng hoảng trầm trọng. Các phương pháp “thắt lưng buộc bụng” đã đưa ra và việc giảm lương cầu thủ là cách trực tiếp giúp các CLB giảm bớt khó khăn.

“Đau đầu” chuyện giảm lương cầu thủ

Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA đã họp trực tuyến với Hiệp hội CLB bóng đá châu Âu (ECA) và Hiệp hội cầu thủ thế giới (FIFPro) để đưa ra giải pháp ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tài chính trong lĩnh vực bóng đá. Theo đó, FIFA yêu cầu các đội và cầu thủ giảm lương để chung tay tháo gỡ khó khăn. Quyết định này được không ít đội bóng, cầu thủ, nhất là các ngôi sao hưởng ứng và thực hiện. Tuy nhiên, hình thức này cũng có những phản ứng trái chiều.

Chuyện giảm lương cầu thủ 'mùa COVID': Giải pháp hay trách nhiệm chia sẻMessi và đồng đội đã sẵn sàng giảm tới 70% lương để cùng đội bóng của mình giảm bớt khó khăn. Ảnh: The Sun

Nhiều nơi đã cho phép các CLB cắt lương cầu thủ và nhân viên với điều kiện là “hai bên cùng vui vẻ”. Một số CLB đã “nhanh chóng” giảm lương cầu thủ và điều này gặp phải sự không đồng thuận của Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp.

Nhiều cầu thủ ngôi sao ở Ngoại hạng Anh đã bày tỏ không muốn CLB can thiệp vào chuyện giảm lương. Đội trưởng Jordan Henderson của Liverpool lên tiếng khẳng định các đội bóng không nên giảm lương trong tình trạng hiện tại. Các cầu thủ đủ nhận thức để tình trạng hiện nay và đã đóng góp rất nhiều để bảo vệ cộng đồng. Lời kêu gọi của Henderson nhận được sự ủng hộ của đông đảo cầu thủ làng túc cầu Xứ sương mù.

Theo thống kê, quỹ lương của 20 CLB Ngoại hạng Anh chiếm 60% doanh thu của các CLB.

Các CLB Ngoại hạng Anh không thể tự tiện cắt giảm lương của các cầu thủ. Bởi điều đó sẽ khiến họ đối diện với khủng hoảng lớn vì vi phạm hợp đồng. Thay vào đó, họ chỉ có thể bàn bạc với Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) để bàn bạc về vấn đề này.

Thực tế, PFA cũng có lý của mình bởi nếu như họ bị cắt giảm lương thì cũng ảnh hưởng tới số tiền thuế đóng góp vào Vương quốc Anh. Bởi hầu hết cầu thủ ở Anh được trả lương thông qua hệ thống PAYE (đóng thuế thu nhập ngay sau khi nhận lương), đã khấu trừ 45% thuế cộng với chi phí bảo hiểm, đồng nghĩa gần một nửa số tiền họ kiếm được đều trở ngược vào kho bạc quốc gia. Trung bình mỗi cầu thủ chơi bóng ở Ngoại hạng Anh được trả khoảng 3 triệu bảng/năm và 1,4 triệu bảng tiền thuế được dùng để chi trả cho các ngành y tế, cảnh sát, dịch vụ công cộng.

Nhưng với mỗi đội bóng, họ cũng có cách giải quyết khác nhau.

Như tại Arsenal, các cầu thủ đang đàm phán chỉ giảm 12,5% lương. Southampton và West Ham đề xuất chậm trả lương cho cầu thủ và hoàn tiền trong tương lai. Một vài CLB khác thì có những thỏa thuận cá nhân với từng người.

Ở Chelsea, dù vẫn còn đang đàm phán nội bộ và có những đề xuất giảm 25%, thậm chí 30% lương nhưng nhận sự phản ứng mãnh liệt của cầu thủ. Nhiều khả năng các cầu thủ của The Blues sẽ không vì tình hình tài chính của CLB mà chịu cắt giảm nhiều hơn 10% lương trong 4 tháng.

Trong khi đó, cách các cầu thủ Manchester United trích 30% tiền lương để hỗ trợ trực tiếp cho ngành y tế thành phố Manchester đáng được nhân rộng, vì nó hiệu quả hơn, trực tiếp hỗ trợ cộng đồng, chứ không quay trở lại hầu bao của các ông chủ.

Cầu thủ cùng CLB chung tay vượt khó

Với nhiều đội bóng có dàn sao “khủng” trong đội hình, họ bắt đầu “thấm đòn” vì quỹ lương khổng lồ. Điển hình như Barcelona (Tây Ban Nha), đội bóng có tỷ lệ quỹ lương vào hàng cao nhất châu Âu hiện nay, hay Paris Saint-Germain (Pháp), Juventus (Italy).

Chuyện giảm lương cầu thủ 'mùa COVID': Giải pháp hay trách nhiệm chia sẻBarcelona là đội bóng có tỷ lệ quỹ lương vào hàng cao nhất châu Âu hiện nay. Ảnh: EPA

Để giải quyết khó khăn cùng CLB, đội trưởng Messi của Barcelona tuyên bố anh cùng các đồng đội sẽ giảm tới 70% lương để cùng đội bóng giảm gánh nặng tài chính, vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, siêu sao người Argentina cùng đồng đội cũng trích 2% lương để đảm bảo 100% thu nhập cho nhân viên đội bóng. Như vậy, với mức lương đang nhận 600.000 USD/tuần trước thuế, Messi sẽ giảm xuống còn 180.000 USD/tuần.

Trong khi đó, nhằm giúp đội bóng giảm bớt khó khăn vì dịch COVID-19, các cầu thủ Real Madrid cũng đã đồng ý giảm lương. Trước mắt, các cầu thủ sẽ giảm lương 10% và nếu tình hình tiếp tục kéo dài và giải La Liga không thể trở lại, mức giảm sẽ tăng lên là 20%.

Theo tính toán của tờ Marca, việc giảm 10% lương sẽ giúp đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 50 triệu euro và các cầu thủ cùng ban lãnh đạo Real đã phải rất vất vả mới đi được đến thống nhất cuối cùng.

Giải La Liga đã hoãn vô thời hạn từ giữa tháng 3 sau khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ và lan rộng tại châu Âu. Hiện tại, ban tổ chức La Liga cũng đang kêu gọi cầu thủ của các đội bóng khác tự nguyện giảm lương để giúp đỡ đội bóng trong mùa dịch COVID-19.

Tại Serie A, các cầu thủ Juventus đồng ý giảm lương tới 4 tháng trong thời gian nghỉ thi đấu (tháng 3, 4, 5, 6). Riêng cá nhân ngôi sao số 1 của họ là Ronaldo đã chấp nhận giảm 4,2 triệu USD tiền lương để giúp đỡ CLB. Như vậy, Juventus có thể tiết kiệm khoản tiền lên tới 90 triệu Euro trong thời điểm COVID-19 bùng phát mạnh mẽ. Điều này đủ cho “Bà đầm già” thực hiện nhiều tính toán dài hơi trong thời gian dịch bệnh.

Những ngôi sao hạng A của Paris Saint-Germain (Pháp) nhiều khả năng sẽ phải nhận mức lương thấp hơn dự kiến theo đề xuất của ông chủ đội bóng trong giai đoạn nghỉ thi đấu vì dịch COVID-19. Quỹ lương hiện tại của PSG lên tới 371 triệu euro/năm. Điều này đặt ra thách thức lớn cho đội chủ sân Công viên các Hoàng tử khi các giải đấu ở châu Âu đều bị hoãn.

Tại Bundesliga, dàn sao Bayern Munich và Dortmund đồng ý cắt giảm 20% lương để giúp đội bóng giải quyết khó khăn. Điều này đã giúp cho khoảng 850 nhân viên của hai đội bóng hàng đầu Bundesliga giữ được công việc của họ trong giai đoạn khủng hoảng này.

Các giải đấu phải tạm hoãn khiến các đội bóng mất đi những nguồn doanh thu chính từ bản quyền hình ảnh, quảng cáo và các hoạt động thương mại xung quanh. Do đó, họ cần cắt giảm chi giảm chi tiêu để tính tới con đường dài hơi phía trước.

Vì chưa thể biết đích xác bao giờ hết dịch bệnh COVID-19, chẳng biết lúc nào bóng lăn trở lại, nên nguy cơ nợ lương sẽ hiển hiện chứ không chỉ còn cắt giảm nữa.

Sự khác biệt của các đội bóng ở Việt Nam là kinh phí lót tay chứ không phải chuyện tiền lương. Một số đội bóng “thắt lưng buộc bụng” bằng cách giảm lương nhưng đa số chỉ là cho thấy sự chung tay của cầu thủ với đội bóng, còn bản chất thì tiền lương không ảnh hưởng nhiều đến kinh phí hoạt động.

Việc cắt giảm lương vẫn được coi như vấn đề tế nhị ở mỗi đội bóng. Vì thế, khi đề cập đến câu chuyện này, đa phần lãnh đạo mỗi CLB luôn nhìn nhận vấn đề tất cả phải cùng nhau chia sẻ. Đến thời điểm này, 6 đội bóng ở V-League đã tiến hành kế hoạch giảm lương của các cầu thủ.

Trong khi đó, Hiệp hội Bóng đá Thái Lan (FAT) cho biết, giải vô địch Thái Lan (Thai-League) sẽ trở lại vào tháng 9 và các cầu thủ sẽ thất nghiệp thêm 4 – 5 tháng nữa. FAT cũng đề xuất các CLB có thể cắt giảm tối đa 50% lương cầu thủ trong những tháng nói trên căn cứ trên tình hình doanh thu.

Ban tổ chức Thai-League và FAT lo sợ các CLB có thể gặp vấn đề về kiện cáo khi giảm lương các cầu thủ.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây