Theo trang tin Đa Chiều ngày 22/4, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc ngày 21/4 đã được vệ tinh phát hiện đang di chuyển ở vùng biển gần bãi ngầm Trung Sa (Macclesfield Bank) cách căn cứ Du Lâm trên đảo Hải Nam hơn 300 hải lý về phía Nam. Trong các bức ảnh vệ tinh, có một số tàu chiến đi kèm phía sau tàu Liêu Ninh.
Trước đó, Cao Tú Thành, người phát ngôn của Hải quân Trung Quốc tuyên bố rằng 6 tàu trong nhóm tác chiến tàu Liêu Ninh, gồm tàu Liêu Ninh, các tàu khu trục và hộ vệ Tảo Trang, Nhật Chiếu, Tây Ninh, Quý Dương và tàu tiếp tế hậu cần Hô Luân Hồ đã tới Biển Đông để “huấn luyện sẵn sàng chiến đấu”.
Ảnh vệ tinh chụp biên đội tàu Liêu Ninh đang di chuyển xuống phía Nam Biển Đông (Ảnh: HSH).
Trong cùng thời gian, để bù đắp việc 4 siêu tàu sân bay Roosevelt, Nimitz, Reagan và Carl Vinson phải tạm ngừng hoạt động tuần tra sẵn sàng chiến đấu do tình hình dịch bệnh, quân đội Mỹ đã đưa tàu tấn công đổ bộ USS America (LHA-6) vào Biển Đông hoạt động.
Theo thông tin của Hải quân Hoa Kỳ, tàu tấn công đổ bộ USS America (LHA-6) có thể mang theo 20 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, tiến hành huấn luyện cất hạ cánh các chiến đấu cơ F-35B ở Biển Đông. Trong cùng thời gian, các tàu tuần dương tên lửa Bunker Hill và tàu khu trục tên lửa Barry đi cùng tàu USS America.
Những bức ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy nhóm tàu tấn công đổ bộ USS America hiện đang đi thuyền ở vùng biển phía nam Biển Đông gần giàn khoan West Capella của Malaysia. Trong chuyến đi này, quân đội Mỹ tuyên bố là thực hiện “tự do hàng hải” và hỗ trợ cho “đồng minh và đối tác”.
Tàu USS America trên Biển Đông, phía xa là 2 tàu của Trung Quốc (Ảnh: US Navy).
Điều đáng chú ý là, ngay gần giàn khoan West Capella của Malaysia, tàu thăm dò “Haiyang Dizhi Bahao” (Địa chất biển số 8) của Trung Quốc đã thực hiện nhiều vòng hoạt động thăm dò kiểu “cày ruộng” với sự hộ tống của một số lượng lớn tàu cảnh sát biển trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia nhưng Trung Quốc tự nhận là vùng biển nằm trong cái gọi là “Đường biên giới trên biển 9 đoạn” của Trung Quốc do họ tự ý vẽ ra không có bất cứ cơ sở pháp lý nào và không được quốc tế công nhận.
Trước đó, tàu “Địa chất biển số 8” đã xâm phạm và hoạt động khảo sát tại vùng biển gần bãi Tư Chính của Việt Nam, gây ra cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tàu USS America hoạt động gần tàu khoan West Caeplla của Malaysia (Ảnh: HSH).
Trang tin Đa Chiều cho rằng, rõ ràng, nhóm tàu tấn công đổ bộ USS America của quân đội Mỹ xuất hiện ở khu vực tranh chấp giữa Malaysia và Trung Quốc, mục đích là để “tiếp thêm sinh lực” cho Malaysia. Hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh hiện đang cách khu vực tranh chấp Trung Quốc – Malaysia khoảng 1.000 km. Liệu những tàu này có tiếp tục đi về phía nam tới khu vực tranh chấp hay không thì còn phải chờ xem.
Đa Chiều bình luận, các động thái cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây, đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ từ các nước láng giềng và Mỹ. Trung Quốc không chỉ mới thành lập “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” ở Biển Đông, mà còn công bố đặt “tên tiêu chuẩn” cho một số rạn san hô và các thực thể địa lý dưới đáy Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn xúc tiến bố trí các vũ khí mới trên đảo nhân tạo ở Trường Sa như máy bay tuần tra chống tàu ngầm KQ-200.
Tàu thăm dò “Địa chất biển – 8” của Trung Quốc hoạt động khảo sát bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia (Ảnh: HSH).
Ngoài ra, trong một diễn biến có liên quan đến Việt Nam, chiều ngày 21/4, Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chủ trì cuộc họp báo thường kỳ. Một phóng viên đã đặt câu hỏi: ngày 30/3, Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc đã gửi Công hàm cho Liên hợp quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Được biết, phái đoàn Thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc ngày 17/4 đã gửi Công hàm cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phản đối lập trường của Việt Nam. Trung Quốc có thể xác nhận? Và bình luận gì về điều này?
Cảnh Sảng đã xác nhận, ngày 17/4, Phái đoàn Thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã được lệnh đệ trình Công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc, nhắc lại lập trường của Trung Quốc và phản đối điều ông ta gọi là “những chủ trương phi pháp và quan điểm sai trái của Việt Nam”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lại nói bừa, ngang ngược đe dọa Việt Nam (Ảnh: DF)
Cảnh Sảng lặp lại luận điệu cũ rích: “Quần đảo Tây Sa và Nam Sa” (tức các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam –TT) là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc. Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các khu vực biển có liên quan ở Nam Hải (tức Biển Đông –TT)”, rằng “Trung Quốc cũng có quyền lợi mang tính lịch sử ở Nam Hải (Biển Đông). Bất kể quốc gia nào với bất cứ hình thức nào muốn phủ định chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông) và nhấn mạnh các yêu sách bất hợp pháp của họ đều vô hiệu và tất sẽ không thu được kết quả”.
Đáng chú ý, Cảnh Sảng đã trắng trợn đe dọa: “Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết, kiên định bảo vệ chủ quyền và quyền lợi của mình ở Biển Đông” – điều dư luận cho rằng ám chỉ việc sử dụng hành động vũ lực.
VietTimes.vn
Nguồn: Nghệ An thời báo