Tản mạn về chuyện mang quan tài diễu phố

Lại một vụ quan tài diễu phố, lần này là ở xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Tôi trích báo Dân Trí: 

“Theo Đại tá Trần Văn Xuân, sáng ngày 15/4, Công an xã Bình Giang nhận tin báo ông Tư uống rượu về gây gổ với vợ con. Lúc này, lực lượng công an xã xuống mời ông Tư lên làm việc nhưng ông không chịu đi.

Trong lúc giằng co với công an, ông Tư trượt chân ngã đập đầu xuống đất. Công an xã cùng vợ và 2 con của ông Tư cùng đưa ông đến trạm y tế xã Bình Giang để kiểm tra. Tại đây, cán bộ y tế thấy ông Tư chỉ trầy xước nhẹ ở đầu, nghĩ không sao nên cho ông về nhà.

Đến sáng ngày 16/4, ông Tư bị nặng hơn nên gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Đến ngày 17/4, nạn nhân tử vong nên được khám nghiệm tử thi tại Bệnh viện Đà Nẵng rồi gia đình đưa về nhà.

Đến 19h cùng ngày, người thân đưa thi thể ông Tư đến UBND xã Bình Giang yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của ông này. Vụ việc khiến nhiều người hiếu kỳ tập trung đông tại trụ sở UBND xã Bình Giang.

Sau khi được lực lượng chức năng huyện Thăng Bình vận động, giải thích, gia đình đã đưa thi thể ông Tư về nhà lo hậu sự”. Hết trích.

Các báo khác cũng đưa nội dung tương tự. Những kết luận khoa học sẽ giải đáp nguyên nhân về cái chết của ông Tư. 

Sự vụ rất đơn giản, nhưng đã bị đẩy đi quá xa, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và làm mồi ngon cho những kẻ bất lương kiếm chuyện xuyên tạc chống nhà nước, mà trước mắt và chủ yếu là nhắm vào lực lượng công an.

Nói gì thì nói, người dân mang quan tài đến trụ sở cơ quan công quyền để yêu sách, ăn vạ, làm tiền hay bất kỳ cái gì tương tự đều là sai. Đáng xấu hổ, hiện tượng này đang trở thành một thứ “hội chứng xã hội bệnh hoạn”. Thực tế cho thấy ở hầu hết các vụ việc đều bắt nguồn từ việc quá khích, kém hiểu biết của người dân và liên quan đến những bức xúc của họ đối với các cơ quan có liên quan. Cá biệt, có những vụ, nói trắng ra là làm tiền nhưng núp bóng “đòi công lý”.

Tháng 8/2010, một gia đình ở Bắc Giang đưa quan tài đến UBND tỉnh để đòi “giải quyết” cái chết của anh Khương tại trụ sở CA huyện Tân Yên; Tháng 12/1012 người dân Đông Triều, Quảng Ninh đem theo cả quan tài để chống thu hồi đất; Tháng 1/2013 gia đình anh Ái ở TX Thái Hòa, Nghệ An đem quan tài đến CA thị xã “đòi công lí”; Ngày 17/3/2013 người dân TP Vĩnh Yên lại đem quan tài đến một địa điểm trung tâm TP đòi làm rõ cái chết của anh Tuấn Anh. Chỉ vài ngày sau, người dân xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng lại mang xác anh Nguyễn Văn Quệ đến UBND xã, đòi hỏi phải làm rõ nguyên nhân cái chết của anh sau vụ bị bắt vì đánh bạc. Sau đó 1 năm, cho rằng người thân chết bất thường trong phòng giam trụ sở công an, sáng 18/10/2014, người dân kéo quan tài mang thi thể ông Nguyễn Văn Sửu đến trụ sở công an TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh “đòi làm rõ nguyên nhân”. Và tối 17/2/2020, gia đình ông Tư ở Quảng Nam đã lại mang quan tài đến UBND xã Bình Giang, huyện Thăng Bình để “đòi làm rõ nguyên nhân cái chết” của ông Tư.

Đúng sai thế nào chưa biết, nhưng làm thế là không nên, nhất là khi người ta lợi dụng xác chết như phương tiện để giải quyết mâu thuẫn hoặc đòi yêu sách.

“Nghĩa tử là nghĩa tận”, người chết cho dù vì bất kì nguyên nhân nào, dù oan ức đến mấy vẫn rất cần được tôn trọng theo truyền thống dân tộc. Anh Quệ, anh Sửu, ông Tư và bao người khác nữa đến khi chết vẫn chưa được yên. Người ta nhẫn tâm sử dụng cái xác của các anh để làm cái việc đi “đòi công lý” hoặc tiếp tục “làm kinh tế”.

Bất kể một chính quyền nào đều không mấy hào hứng khi phải đối mặt với sự tụ tập của những đám đông quá khích, bởi nó làm xấu đi hình ảnh của chính thể và nguy cơ tạo ra các bất ổn xã hội là cực lớn. Do đó, phương châm là phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm. Đây chính là điểm yếu của mọi chính quyền và người dân đã rất nhanh chóng tận dụng điểm yếu này để yêu sách.

Nhưng khi người dân rơi vào trạng thái cuồng loạn quá khích thì họ không thể nhận ra có những kẻ khác đang muốn chính trị hóa vấn đề để tấn công vấy bẩn chế độ. Vậy là từ những mục đích đơn giản chỉ là làm rõ nguyên nhân cái chết thì vụ việc dần mang màu sắc chính trị kiểu hè phố có pha chút côn đồ. Hiển nhiên, những vụ việc tương tự như thế được bơm bít, tô trát thành các hiện tượng xã hội nổi bật và được truyền thông đưa tới mọi ngõ ngách của địa cầu. Các bạn có thể thấy, sau mỗi vụ việc “quan tài diễu phố”, thì ngay lập tức các trang mạng của những người mang danh dân chủ đã có bài viết phản ánh sự kiện, nhưng lại lồng vào đó những ý kiến bôi nhọ, đổ lỗi cho chính quyền, bất chấp việc họ chưa thể biết đúng sai thuộc về ai.

Thực tế là người dân tử tế không tự nhiên đi làm cái việc cực chẳng đã đó, điều đó đồng nghĩa với những nguyên nhân dẫn đến vụ việc trước hết và chủ yếu là xuất phát từ chính quyền và từ người thi hành công vụ và sau nữa mới tới người dân. Tất nhiên, không loại trừ những nguyên nhân do bị kích động hoặc do nhận thức sai lệch về bản chất vấn đề.

Không phải ngẫu nhiên mà ở một số địa phương, khi giải quyết bất kể vấn đề gì có liên quan đến người dân thì người thi hành công vụ luôn chủ động ghi âm, ghi hình làm bằng chứng phòng xa. Vừa là bảo vệ người thi hành công vụ, bảo vệ uy tín của chính quyền, đồng thời nó là bằng chứng để vạch mặt những kẻ cơ hội, những kẻ lợi dụng vụ việc để gây bất ổn xã hội.

Nhưng khi sự việc đã xảy ra, thì nhìn thẳng vào sự thật, dám nhận khuyết điểm (nếu có) và sửa sai sẽ là con đường nhanh nhất để giải quyết tận gốc vấn nạn quan tài diễu phố. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần kiên quyết hơn với những trường hợp táng tận lương tâm, lợi dụng sự kiện để kích động người dân gây rối an ninh trật tự và thẳng tay trừng trị những trường hợp lợi dụng vụ việc để làm tiền hoặc chống phá nhà nước.

LâmTrực@

Nguồn: Tre làng

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *