Trang chủ Dân quyền Phản ánh người nghèo giữa dịch bệnh-đừng nhìn phiến diện

Phản ánh người nghèo giữa dịch bệnh-đừng nhìn phiến diện

162
0

Phản ánh người nghèo giữa dịch bệnh-đừng nhìn phiến diện

Mấy ngày gần đây, một số cơ quan báo chí có loạt bài phản ánh về những ảnh hưởng của đại dịch tới cuộc sống của người dân thủ đô, nhất là những người khốn khó thuộc dạng yếu thế trong xã hội. Đồng thời, họ cũng khai thác và đề cập đến những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm trong xã hội đã có những phần quà hỗ trợ, đã góp những cây ATM gạo để giúp đỡ cho người dân nghèo thủ đô.

Điển hình như báo Thanh niên có bài viết “Giọt nước mắt phía sau những cây ATM” hay báo Zing và một số báo khác có bài viết “Những người ăn qua bữa, sống qua ngày giữa đại dịch”…

Việc các báo có bài phản ánh về những tấm gương khốn khó giữa đại dịch là cần thiết, cung cấp một góc nhìn đa chiều về hậu quả dịch bệnh, tuy nhiên ở một chừng mực nào đó, một số bài viết trên các báo đã chỉ nóng vội đưa tin về một số người yếu thế mà chưa kiểm chứng các thông tin về gia cảnh của họ thực sự chính xác, dẫn tới miêu tả họ như những thân phận bần cùng trong xã hội. Đặc biệt, một số báo hoàn toàn không đề cập tới những sự quan tâm của chính quyền cơ sở tới những gia cảnh nào, tạo cảm giác cho người đọc là những thân phận này bị chính quyền bỏ rơi.

Ở một góc độ khác, một số báo lại ca ngợi quá mức các Mạnh Thường Quân mà hoàn toàn quên đi những nỗ lực của chính quyền trong việc hỗ trợ người dân. Thành ra, qua đọc các báo, một số độc giả có cảm tưởng, người dân thì khốn khó, chính quyền thì bỏ rơi, chỉ còn mỗi các Mạnh Thường Quân đứng ra giúp đỡ.

Thiết nghĩ đó là cách đưa tin khá phiến diện, vô hình trung tạo nên một cái nhìn không chính xác và một thái độ ác cảm của người dân vào chính quyền.

Cần khẳng định rằng chăm lo cho các thân phận yếu thế trong xã hội luôn là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất nhân văn của chế độ ta. Không chỉ trong thời dịch bệnh, trước khi dịch bệnh xảy ra, chính quyền cũng đã hết sức quan tâm đến các thân phận yếu thế trong xã hội, đều có chính sách hỗ trợ những người nghèo. Khi dịch bệnh xảy ra, chính quyền lại càng quan tâm hơn tới việc hỗ trợ những người yếu thế.

Chỉ lấy một ví dụ cụ thể trong loạt bài của các báo để thấy các báo đã đưa tin phiến diện và thiếu chính xác như thế nào.

Đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Ngọ, nhân vật trong bài của báo Thanh Niên.

Bà Ngọ trú tại tổ dân phố Trù 1, phường Cổ Nhuế 2, trước đây bà Ngọ thuộc hộ nghèo của Phường. Năm 2015, Hội liên hiệp phụ nữ phường cùng một số nhà hảo tâm đã sửa chữa nhà cho gia đình bà với tổng số tiền là 65 triệu đồng. Năm 2018, với sự kêu gọi của Phường, có nhà hảo tâm đã tặng cho bà mỗi tháng 1000000 đồng với tổng số tiền là 12.000.000.

Cuối năm 2019, trong đợt rà soát hộ nghèo, gia đình bà được đưa ra khỏi diện nghèo với lý do gia đình có một thành viên trong độ tuổi lao động (con trai bà tên Đỗ Xuân Hòa, sinh năm 1982 sức khỏe bình thường), còn 01 người con gái đã đi lấy chồng.

Mặc dù đã ra khỏi hộ nghèo nhưng trong đợt phòng chống dịch, thấy gia đình bà vẫn còn khó khăn nên chính quyền vẫn quan tâm hỗ trợ cho bà, cụ thể:

Cùng câu lạc bộ Thiện Nguyện tặng bà một phần quà như những hộ nghèo khác với 10 kg gạo vào ngày 7/4

Chiều ngày 19/4 Phường đã cử đoàn công tác xuống tặng quà cho gia đình bà Ngọ với 10kg gạo, 1 thùng mỳ tôm, nước mắm, dầu ăn…

Chiều cùng ngày UBND phường Cổ NHuế 1 cũng tặng bà Ngọ phần quà 500.000 đồng và 20kg gạo…

Nói như vậy để thấy, đúng như lời thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, không một ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chống dịch. Chính quyền cơ sở, các ban ngành đoàn thể cũng như các Mạnh Thường Quân đã phối hợp chung tay giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội rất nhiều.

Báo chí nên có cách phản ánh đa chiều và toàn diện hơn thì hiệu quả tuyên truyền sẽ tốt biết bao.

Chắc chắn sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau trong mùa dịch.

Viễn

Nguồn: Dân quyền

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây