Trang chủ Thể thao Ngành Thể thao đảm bảo tập luyện, quyết tâm ‘thắng’ dịch COVID-19

Ngành Thể thao đảm bảo tập luyện, quyết tâm ‘thắng’ dịch COVID-19

167
0

Đạp xe “băng đồng” hàng trăm vòng trong khuôn viên trung tâm huấn luyện, tập bơi trên cạn, tự tổ chức các giải đấu trong nội bộ đội tuyển… là những cách luyện tập đáng nhớ của các vận động viên (VĐV) thể thao Việt Nam trong mùa dịch COVID-19, khi các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia lớn nhất cả nước phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch.

Thể thao thành tích cao “vượt khó” duy trì luyện tập

Bốn trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (TTHLTTQG) tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ đều là các đơn vị tập trung nhiều VĐV đỉnh cao của quốc gia. Vì lẽ đó, yêu cầu đảm bảo điều chỉnh công tác luyện tập đối với từng đội tuyển đang tập huấn tại đây nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trở thành công tác trọng tâm giai đoạn những ngày tháng 4.

Ngành Thể thao đảm bảo tập luyện, quyết tâm ‘thắng’ dịch COVID-19Đông đảo cán bộ công chức, viên chức, người lao động, HLV, VĐV tại trung tâm HLTTQG Hà Nội thực hiện nghiêm túc chương trình phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: TCTDTT.

Theo kế hoạch, một số VĐV của một số đội tuyển đang tập huấn tại TTHLTTQG Hà Nội sẽ tập huấn tại nước ngoài, tuy nhiên trước tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, các đội tuyển đã có sự điều chỉnh, thay đổi kế hoạch tập huấn. Kể từ sau Tết Nguyên đán trở lại tập trung tập huấn, các đội tuyển đều tập luyện tại trung tâm. Các hoạt động dã ngoại, tập huấn tại các địa phương ngoài Hà Nội đều bị hủy bỏ. Đơn cử như đội tuyển xe đạp, theo kế hoạch đi tập huấn tại Hòa Bình và Lào Cai nhưng do dịch nên đội tập luyện tại Trung tâm.

Ông Nguyễn Mạnh Sơn, Trưởng phòng huấn luyện (TTHLTTQG Hà Nội) cho biết, để chuẩn bị cho các giải đấu thể thao trong nước cũng như quốc tế trong năm 2020, TTHLTTQG Hà Nội đang quản lý khoảng 600 VĐV của các đội tuyển Pencak Silat, bóng bàn, bắn súng, bắn cung, cử tạ, Taekwondo, điền kinh, thể dục dụng cụ, vật, wushu, đấu kiếm, đua thuyền… Việc nhiều chuyên gia nước ngoài đã không thể sang được Việt Nam như đúng kế hoạch hay việc một số giải thi đấu cọ xát trong nước và quốc tế của nhiều môn không được tổ chức ảnh hưởng không nhỏ đến công tác huấn luyện của từng đội tuyển.

“Có thể khẳng định rằng, đến thời điểm này, mọi hoạt động cũng như kế hoạch tập luyện của các đội tuyển tại trung tâm tuy có những thay đổi, xáo trộn nhưng vẫn được đảm bảo”, ông Sơn chia sẻ.

Bên cạnh đó, đối với cấp đội tuyển, nhiều HLV, do không thể đến huấn luyện trực tiếp nên họ lựa chọn cách huấn luyện trực tuyến khá thú vị như yêu cầu các VĐV trong đội tuyển thực hiện các bài tập theo đúng giáo án đã trao đổi qua email, thư điện tử sau đó thực hiện quay, thu hình trực tiếp bài tập của mình qua điện thoại thông minh, hoặc hình thức online nào đó trả bài cho HLV. Từ đó, HLV có thể quan sát được tổng thể bài tập và kịp thời đưa ra những điều chỉnh về kỹ thuật cho phù hợp, nhằm hoàn thiện bài tập của VĐV một cách tốt nhất.

Khó khăn trong việc duy trì tập luyện cho các VĐV là nỗi lo chung của các TTHLTTQG. Tiến sỹ Lê Hồng Sơn – Giám đốc TTHLTTQG Đà Nẵng cho biết, hiện nay, có 212 VĐV, 42 HLV và 1 chuyên gia của 12 đội tuyển trẻ, 6 đội tuyển quốc gia cùng đội thể thao người khuyết tật môn bơi đang tập luyện tại đây.

Để đảm bảo an toàn cho VĐV các đội tuyển đang tập trung tập huấn, từ ngày 1/4, trung tâm thực hiện lệnh cấm trại, hầu hết cán bộ, công nhân viên chức ở các bộ phận liên quan đến VĐV và HLV đều sinh hoạt, cùng tập luyện, ăn, nghỉ tại trung tâm. Số ít cán bộ ít liên quan đến VĐV, HLV được giải quyết cho làm việc tại nhà.

Điều này khiến cho một số đội tuyển của Trung tâm gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch tập luyện. Đơn cử như đội tuyển bơi phải thực hiện tập luyện trên cạn, đội tuyển cầu lông tập tại chỗ thay vì tập luyện tại bể bơi và nhà thi đấu Trường Đại học TDTT Đà Nẵng gần đó. Hay như, đội tuyển đua thuyền – địa điểm tập luyện cách Trung tâm 26km nên cần sự giám sát chặt chẽ về các yêu cầu chống dịch như đeo khẩu trang, cách xa 2m…

TTHLTTQG TP Hồ Chí Minh hiện đang quản lý trên 250 VĐV của hơn 20 đội tuyển, trong đó có 9 đội tuyển quốc gia và 2 đội tuyển thể thao người khuyết tật. Với đặc thù gồm có 2 cơ sở: cơ sở 1 ở Thủ Đức – TP Hồ Chí Minh và cơ sở 2 ở Phan Thiết – Bình Thuận, cùng với đó là việc một số đội tuyển đang tập huấn rải rác ở Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh cũng như các CLB, do đó công tác quản lý VĐV, HLV trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay đã gặp phải không ít khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, ông Võ Quốc Thắng – Giám đốc TTHLTTQG TP Hồ Chí Minh cho biết: Trung tâm đã áp dụng triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 vào công tác quản lý, giám sát quá trình tập luyện, chế độ dinh dưỡng, ăn uống của từng VĐV, từng đội tuyển.

Phòng chống COVID-19 bằng nhiều phương án

Với số lượng VĐV lớn, để công tác quản lý cũng như phòng chống dịch được đảm bảo hiệu quả, an toàn về sức khỏe cho toàn thể HLV, chuyên gia cũng như VĐV các đội tuyển, ông Nguyễn Anh Minh, Phó giám đốc TTHLTTQG Hà Nội cho biết: “Có thể nói TTHLTTQG Hà Nội gần giống như một doanh trại quân đội, hay như một khu cách ly đặc biệt vậy “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, việc kiểm soát người ra vào vô cùng nghiêm khắc.”

Ngành Thể thao đảm bảo tập luyện, quyết tâm ‘thắng’ dịch COVID-19Cùng với việc bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch, VĐV các đội tuyển tại trung tâm HLTTQG Đà Nẵng vẫn duy trì tập luyện theo đúng kế hoạch. Ảnh: TCTDTT.

Từ đầu tháng 4, TTHLTTQG Hà Nội đã bố trí phân công cán bộ, công chức, viên chức, người lao động luân phiên trực và làm việc. 1 nhóm sẽ có mặt tại trung tâm làm việc 24/24 (không về nhà, ăn, ngủ tại trung tâm) để vận hành các hoạt động của trung tâm diễn ra hàng ngày, 1 nhóm sẽ làm việc tại nhà qua hình thức online. Hai nhóm làm việc này sẽ được thay đổi theo tuần.

Từ cuối tháng 3, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng yêu cầu thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với VĐV, HLV đang tập huấn tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia,. yêu cầu bệnh viện Thể thao Việt Nam chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ điều trị, cách ly theo quy định của Bộ Y tế; chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh tại bệnh viên cũng như có phương án phối hợp phòng, chống dịch bệnh với các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia.

Tại TTHLTTQG Hà Nội cả hai khu A và khu B đều có khu vực cách ly riêng biệt, đảm bảo kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Tại đây cũng có đội ngũ y bác sĩ trực chiến, cũng có nhà bếp riêng… hàng ngày việc đo thân nhiệt và kiểm soát sức khỏe được tiến hành đều đặn.

Với mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an toàn sức khỏe, thể lực của các VĐV, TTHLTTQG TP Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành phát khẩu trang cho HLV, VĐV, chuyên gia, quản lý, viên chức và người lao động trong trung tâm, trang bị bình nước rửa tay, bình sát khuẩn nhanh. Xác định việc giữ gìn môi trường cơ quan sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh cũng là góp phần ngăn ngừa dịch bệnh, trung tâm đã tiến hành việc tiêu độc, khử trùng triệt để toàn bộ cơ quan, các phòng ở, nhà ăn, sân bãi tập luyện, khu vui chơi, khu vệ sinh của VĐV.

Biện pháp tăng cường chế độ dinh dưỡng cho VĐV cũng được các TTHLTTQG chú trọng. Ngoài việc thay đổi thực đơn thường xuyên, các món ăn phong phú, đảm bảo dinh dưỡng, bữa ăn dành cho các VĐV được tăng cường chất đạm, bổ sung các loại rau, củ quả và thuốc bổ, thực phẩm chức năng… Các khâu như lựa chọn thực phẩm, chế biến đều được kiểm duyệt kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe các VĐV.

Bằng nhiều biện pháp khác nhau, trên nhiều kênh khác nhau, công tác tuyên truyền về phòng dịch bệnh COVID-19 tại các TTHLTTQG đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hơn lúc nào hết, thể thao Việt Nam vẫn duy trì chế độ tập luyện, ổn định về mặt tâm lý, sẵn sàng hướng tới giai đoạn trở lại với các giải đấu đỉnh cao khi dịch bệnh kết thúc.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây