Dã tâm của Trung Quốc khi thành lập 2 quận trên Biển Đông và hành động của chúng ta lúc này

Dã tâm của Trung Quốc khi thành lập 2 quận trên Biển Đông và hành động của chúng ta lúc này

Ngày 18/4/2020, Đài Truyền hình Trung Quốc – CGTN đưa tin Bắc Kinh phê chuẩn thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam theo luật pháp quốc tế). Được biết, Tây Sa và Nam Sa cũng chính là cách TQ gọi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hai quận mới này sẽ trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, do TQ ngang ngược lập ra vào năm 2012.

Dã tâm của Trung Quốc khi thành lập 2 quận trên Biển Đông và hành động của chúng ta lúc này

                            Trung Quốc xây dựng trái phép ở đảo Phú Lâm.

Quận Tây Sa, có trụ sở chính quyền quận đặt ở đảo Phú Lâm, sẽ quản lý khu vực Tây Sa và Trung Sa (cách TQ gọi tên bãi cạn Scarbourough và bãi ngầm Macclesfield gần đảo Luzon của Philippines). Trong khi đó, quận Nam Sa có trụ sở tại đá Chữ Thập của Việt Nam, sẽ quản lý quần đảo Trường Sa cùng vùng biển xung quanh.

MƯU ĐỒ CỦA TRUNG QUỐC KHI LẬP 2 QUẬN TÂY SA VÀ NAM SA?

Đây không phải là chuyện hoàn toàn mới. Tháng 6-2012, chính phủ TQ đã công bố việc thiết lập cái mà nước này gọi thành phố Tam Sa. Vào ngày 24-7-2012, “thành phố Tam Sa” đã chính thức công bố rằng thành phố này đã thành lập một chính quyền cấp phủ. Cùng ngày, Quân đội nhân dân TQ cũng công bố sẽ thiết lập một căn cứ quân sự ở Tam Sa, mục đích là phục vụ như một cơ quan chỉ huy tất cả đơn vị vũ trang hoạt động trên toàn khu vực biển Đông. Lúc đó Bộ chỉ huy hạm đội Nam Hải, cũng chính là hạm đội hùng hậu nhất của TQ, được thành lập năm 1949 với hơn 20.000 quân, còn đang đóng quân ở đảo Hải Nam.

Như vậy, sự kiện TQ lập ra hai huyện đảo trái phép ở biển Đông lần này đã nằm trong một chuỗi sự kiện mà Bắc Kinh đã tính toán từ trước. Ý đồ của chính phủ TQ khi cho CGTN thông báo tin trên là muốn khẳng định sự kiểm soát và chủ quyền trên toàn khu vực mà họ đã khoanh vùng (còn được gọi là đường chín đoạn hay “đường lưỡi bò”) ở biển Đông. Năm 2016, Tòa Trọng tài quốc tế đã bác bỏ tính pháp lý của yêu sách đường chín đoạn mà TQ đưa ra. Như vậy có thể thấy, hành động lần này của TQ là cố tình thách thức các nước trong khu vực có quyền lợi và chủ quyền ở biển Đông, cũng như dò xét phản ứng của các nước trên thế giới đã và đang lưu thông qua khu vực này như thế nào.

Động thái thành lập trái phép hai quận đảo quản lý Trường Sa và Hoàng Sa cho thấy dã tâm TQ muốn chính thức hóa sự kiểm soát thực tế của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Mặc dù việc thành lập này là phạm pháp và không thay đổi thực tế là TQ vẫn đang chiếm giữ trái phép một số đảo ở đây, nhưng TQ muốn “hợp pháp hóa” các yêu sách về chủ quyền ở khu vực biển Đông, nằm trong lộ trình những bước đi cụ thể để hiện thực hóa ý đồ từ chiếm giữ bất hợp pháp thành một lãnh thổ dưới quyền kiểm soát hành chính.

Mục tiêu lâu dài của TQ thông qua hành động lần này là nhắm vào “thực thi”  đường lưỡi bò 9 đoạn theo Điều 121 khoản 3 của UNCLOS quy định “những đảo đá nào không thích hợp cho việc cư trú của con người hoặc một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. TQ đang cố gắng chứng minh rằng đây là các đảo có người dân cư trú và lâu dài, do đó chúng có vùng đặc quyền kinh tế với 200 hải lý và thềm lục địa bao xung quanh đảo.

Thủ đoạn của TQ là lợi dụng cả thế giới và khu vực đang tập trung vật lộn chống dịch bệnh CoVid-19 để tiến hành các bước leo thang phi pháp, đẩy nhanh quá trình bành trướng của họ trên biển. Tất nhiên, dù tình hình quốc tế thế nào thì họ cũng sẽ thực hiện các bước đi này, nhưng TQ luôn biết lựa chọn thời điểm để bảo đảm các hành động ít gây phản ứng nhất. Do đó, các hành động trước đây của họ thường mang yếu tố bất ngờ và lợi dụng tình huống cụ thể để đẩy nhanh quá trình bành trướng biển Đông.

LIỆU MỸ VÀ DƯ LUẬN THẾ GIỚI CÓ KHả NĂNG NGĂN CHẶN DÃ TÂM CỦA TQ?

Từ năm 2009 đến nay, TQ cố tình chĩa mũi dùi vào Mỹ để tuyên truyền với người dân trong nước và để thị oai với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cảnh báo từ Mỹ từ đó đến nay lại làm cho giới tuyên truyền TQ thích thú và dùng các việc chỉ trích của Mỹ để đánh “võ miệng”. Bắc Kinh rêu rao Mỹ mới chính là phía bắt nạt TQ, can dự vào biển Đông – nơi mà TQ vẫn khẳng định là chuyện riêng của TQ với từng quốc gia trong khu vực. TQ biện hộ cho những hành động sai trái của mình, như quân sự hóa các thực thể nước này chiếm giữ, cải tạo trái phép ở biển Đông, là để phòng thủ trước Mỹ.

Còn về phía Mỹ, luôn khẳng định, đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông là lợi ích quan trọng đối với Mỹ, nhưng đúng là mọi hành động của Mỹ mới dừng ở mức nói suông và biểu diễn hải quân, chưa hề khiến TQ mảy may lay động

Rõ ràng, các chỉ trích của dư luận quốc tế, sức ép từ các nước lớn như Mỹ không có ý nghĩa gì với TQ. Những năm gần đây, TQ thậm chí mạnh mẽ phản pháo lại các chỉ trích từ các quốc gia khác. Các chuyến tuần tra tự do hàng hải (FONOPS) của hải quân Mỹ quanh các đảo TQ đang chiếm giữ trái phép ở khu vực biển Đông đã tăng rất nhiều vào năm 2019 so với các năm trước đó nhưng cũng không làm TQ ngừng đưa ra các bước đi độc chiếm biển Đông.

Mỹ có các sáng kiến ở khu vực Thái Bình Dương như khối tứ giác kim cương (Quad) bao gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, hiện nay mở rộng thành Quad plus với sự tham gia thêm của ba quốc gia Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam. Tuy nhiên, sáng kiến này vẫn chưa có nhiều bước đi thực chất để tăng tính liên kết và cam kết giữa các quốc gia thành viên. Đơn giản là các quốc gia thành viên vẫn có mối quan hệ kinh tế, thương mại rất tốt với TQ, và một số quốc gia không muốn làm phật lòng TQ. Điều này hoàn toàn khác với thời Chiến tranh lạnh trước đây.

Dự đoán rằng, sau hành động leo thang này của TQ, Mỹ và đồng minh cũng sẽ chỉ dừng lại ở mức độ chỉ trích từ giới hành pháp và lập pháp, tương tự như chỉ trích cũng như cảnh báo Bộ Ngoại giao, Lầu Năm góc và cả các nghị sĩ Mỹ sau khi tàu hải cảnh TQ đâm tàu cá Việt Nam chìm vào đầu tháng 4

VIỆT NAM NÊN LÀM GÌ TIẾP THEO?

Dã tâm của TQ khả năng là hoàn thành chiếm cứ biển Đông trước 2021, thời hạn dự kiến để Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) hoàn thành, tạo trận thế “đã rồi” trên Biển Đông.

Thực tế, Việt Nam đã và đang sử dụng tổng thể các mặt trận đấu tranh với TQ.

Trên mặt trận chính trị-ngoại giao là lên tiếng phản đối, gửi công hàm phản đối, bày tỏ thái độ trên các diễn đàn chính trị-ngoại giao, kêu gọi các quốc gia khác ủng hộ và tham gia vào việc đảm bảo tự do hàng hải ở biển Đông…

Trên mặt trận an ninh-quốc phòng, thể hiện như tăng cường hơn nữa năng lực của ngư dân, của cảnh sát biển và lực lượng hải quân…

Trên mặt trận kinh tế, đã có chiến lược giảm sự phụ thuộc vào kinh tế TQ, đa dạng hóa mối quan hệ thương mại với các nước.

Trên mặt trận pháp lý, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhiều lần tuyên bố, sẵn sàng đưa TQ ra các tòa quốc tế hay bên thứ ba phù hợp để giải quyết các bất đồng, xung đột.

Trong thế trận hiện nay, dù rất căng thẳng, mỗi người dân chúng ta càng cần đoàn kết, đồng lòng, sẵn sàng “tham chiến” trên mọi “mặt trận” nói trên, tin tưởng vào người cầm lái đất nước, không nghe theo những kẻ kích động, xúi giục, đục nước béo cò, vô hình chung “tiếp tay” cho dã tâm của TQ, làm khó khăn thêm cho đất nước khi đang phải đối phó với “thù trong” (là dịch bệnh) và “thù ngoài” (là dã tâm của TQ) nói trên.

Nguồn: Loa phường

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *