Lần đầu tiên, Chính phủ ban hành một gói hỗ trợ quốc gia về an sinh xã hội có quy mô 62.000 tỷ bằng tiền mặt để hỗ trợ kịp thời cho hàng triệu người dân bị tổn thương bởi dịch bệnh. Đây là tin vui lớn với những người nghèo, và nhất là từ đầu tháng 4 đến nay khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, quá nhiều đối tượng lao động phổ thông chạy ăn từng bữa trong ngày đã và đang rơi vào cảnh khốn khó.
Với gói hỗ trợ 62.000 tỷ, một lần nữa chứng minh rằng, Việt Nam chống dịch không chỉ bằng những chỉ thị, khẩu hiệu, hành động kỷ luật nghiêm như thiết quân lệnh, khoanh vùng dịch, cấm biên, rà soát, xét nghiệm, chữa trị… mà còn chống dịch bằng hỗ trợ vật chất đến tận từng người dân. Rõ ràng, cơm áo gạo tiền cho người nghèo lúc khốn khó quý hơn ngàn lần những luận bàn cao siêu của những “nhà yêu nước, lo cho dân” suốt ngày kêu gào, la lối trên mạng.
Mặc dù số tiền hỗ trợ có thể không lớn bằng các cường quốc trên thế giới, nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, trong lúc này đối với nhiều gia đình là vô cùng quý giá và cần thiết. Đây thực sự là “phao cứu sinh”, “cứu cánh” trực tiếp cho người nghèo, người yếu thế, người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nói cách khác gói hỗ trợ có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội, đồng thời thể hiện cam kết một “Chính phủ hành động”.
Tất nhiên, bất kỳ chính sách nào ra đời cũng không thể thực hiện một cách vội vàng, cẩu thả khiến tiền không đến đúng đối tượng. Đó là điều cần thận trọng, minh bạch trong việc thống kê các đối tượng. Thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chính sách bị kéo dài, có độ trễ trong triển khai thực hiện. Bởi nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì “người dân không thể chờ đợi thêm được nữa”. Dịch bệnh bùng phát đẩy doanh nghiệp vào khó khăn, người nghèo mất kế sinh nhai thấp thỏm không biết sống sao. Vậy nên, gói hỗ trợ phải nhanh chóng, sớm triển khai để giúp hộ nghèo, hộ kinh doanh vượt qua “cơn bão”, người yếu thế có chi phí sinh hoạt trong thời gian chờ dịch bệnh qua đi. Đây là yếu tố sống còn, bởi chỉ cần chậm trễ một nhịp trong việc đưa chính sách vào cuộc sống thì nhiều gia đình sẽ rất khó “sống sót” sau khi qua đại dịch.
Một tư lệnh ngành chia sẻ rằng, ngành ông tuần qua phải họp xuyên suốt “bục mặt, mờ mắt”, và Chính phủ cùng một số thành viên vừa họp lo “dập dịch”, vừa lo bàn sửa cho nhanh ra được dự thảo Nghị quyết an sinh. Ngay sau khi Chính phủ trình bản báo cáo, UBTV Quốc hội đã có cuộc họp bất thường, tổ chức nhanh gọn trong sáng ngày 8/4 để chốt thông qua gói hỗ trợ này. Có thể thấy, nỗ lực rất cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm trong đại dịch “không có người dân nào bị bỏ lại phía sau” như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Guồng máy ở trên đã vận hành hết công suất để đưa ra Nghị quyết an sinh cho người dân vượt qua đại dịch thì các địa phương, cơ quan chức năng cũng cần chung tay để đồng tiền chính sách “đi thẳng” đến tay các đối tượng được thụ hưởng một cách nhanh nhất. Đây là chính sách dành cho người nghèo cho nên cần phải đặt cả trái tim vào đó mà “tăng tốc chạy”!
Thế Khoa
Nguồn: Cánh cò