Thời gian này, các ca mắc Covid-19 ở trong cộng đồng rất lâu trước khi được phát hiện

Thời gian này, các ca mắc Covid-19 ở trong cộng đồng rất lâu trước khi được phát hiện

Ở giai đoạn này, dù mỗi ngày chỉ ghi nhận số ca mắc ít nhưng đều là các trường hợp ở trong cộng đồng rất lâu.

Sáng 16/4, Bộ Y tế công bố ca bệnh 16 tuổi, người dân tộc Mông, trú tại một thôn ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, gần biên giới giáp Trung Quốc. Đây là ca bệnh đầu tiên ở Hà Giang.

Điểm đáng chú ý, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, khó thở từ ngày 7/4, sau đó được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn. 9 ngày sau, ca bệnh này mới được công bố.

Thời gian này, các ca mắc Covid-19 ở trong cộng đồng rất lâu trước khi được phát hiện
Các cơ sở y tế phải chủ động phát hiện sớm các ca mắc. Ảnh: Việt Linh.

Người mắc ở trong cộng đồng rất lâu

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định tình hình dịch hiện nay vẫn phức tạp. Ngoài khu vực Hà Nội và các vùng lân cận, những tỉnh cận biên giới Trung Quốc cũng cần đặc biệt chú ý.

Theo ông Nga, với các tỉnh ở phía Bắc, mẫu xét nghiệm phải gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để khẳng định dương tính. Đơn vị này phải xử lý hàng nghìn mẫu, tiến hành xét nghiệm nhiều lần mới có thể khẳng định, kèm theo quá trình vận chuyển, đi lại từ các địa phương nên có thể kết nghiệm không thể có sớm.

Việc chậm trễ chỉ điểm người dương tính với SARS-CoV-2 sẽ có nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng. Điều này đã được Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế quán triệt khi ngay từ đầu. Theo đó, người dấu hiệu bệnh như ho, sốt, khó thở, đau họng,… phải được xếp vào diện nghi ngờ để thực hiện cách ly.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng có công văn chỉ đạo các cơ sở y tế phải nâng cấp các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, những người có triệu chứng đến viện đều được xem là ca nghi ngờ, điều trị, phân loại như người bệnh và lấy mẫu xét nghiệm. PGS Nga cũng lấy ví dụ mới nhất, Hà Nội còn yêu cầu tất cả hiệu thuốc thực hiện khai báo y tế cho khách đến mua thuốc ho, sốt đồng thời lấy mẫu xét nghiệm những đối tượng này.

“Khi chưa được phát hiện dương tính nhưng có các dấu hiệu bệnh (sốt, ho, đau họng, khó thở) thì bản thân người đó phải có ý thức bảo vệ những người xung quanh. Cá nhân tự bảo vệ mình là bảo vệ cho người thân. Nếu làm đúng như Chính phủ kêu gọi thì dịch sẽ không lây lan. Chẳng hạn, khi bị ốm, cá nhân phải tự nhận thức mình có nguy cơ là bệnh nhân, tự chủ động đeo khẩu trang, cách ly với người thân và những người khác, rửa tay xà phòng,… Người trong gia đình cũng như vậy”, PGS Nga phân tích.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cũng nhận định nếu trước đây, mỗi ngày cả nước ghi nhận 8-9 ca mắc Covid-19 cũng không đáng sợ bằng 1-2 ca của giai đoạn này vì số người mắc ít nhưng đều là các trường hợp ở trong cộng đồng rất lâu.

“Hiện nay, khi dịch lây lan ra cộng đồng, chúng ta đang đuổi theo con virus. Tức là mình phát hiện một người nào đó trong cộng đồng mà không biết người đó đã mang mầm bệnh bao lâu, virus đã theo người đó tới những chỗ nào, lây cho bao nhiêu người, nguy hiểm hơn nhiều”. Bác sĩ Khanh cho rằng” “10 ca được phát hiện ở khu cách ly không đáng sợ bằng 1-2 ca ngoài cộng đồng như hiện nay”.

Thời gian này, các ca mắc Covid-19 ở trong cộng đồng rất lâu trước khi được phát hiện
Số người mắc ít trong thời gian gần đây nhưng đều là các trường hợp ở trong cộng đồng rất lâu. Ảnh: Bộ Y tế.

Vai trò quan trọng của cơ sở y tế

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết khi dịch ở giai đoạn đầu, chủ yếu do người từ nước ngoài về có nguy cơ mắc và lây lan virus, chúng ta cách ly họ tập trung, chủ động tìm nguồn lây và ngăn chặn nguồn lây. Sang giai đoạn này, các ca lây trong cộng đồng tìm nguyên nhân rất khó.

Về giải pháp để sớm phát hiện các ca mắc, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng vai trò của các cơ sở y tế rất quan trọng.

“Nếu người F0 mắc bệnh, chắc chắn họ sẽ tới cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Lúc này, cơ sở y tế có nhiệm vụ phát hiện sớm ca F0. Theo đó, các cơ sở y tế phải có phản xạ khai thác yếu tố dịch tễ”, bác sĩ Khanh đặt vấn đề.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội Truyễn nhiễm Việt Nam, cũng cho rằng phải tăng cường xét nghiệm để phát hiện các ca mắc, “đặc biệt những người có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi”.

PGS Hồng Hà lưu ý người dân khi có bất cứ dấu hiệu ốm nào, cũng cần chủ động đeo khẩu trang, cách ly, rửa tay xà phòng để hạn chế nguy cơ lây sang người khác, nhất là người thân của mình.

“Người dân phải tiếp tục cảnh giác trong thời gian này. Tuyệt đối không lơ là nhất là khi chưa có vắc xin và thuốc điều trị. Khi có sự giao lưu, tiếp xúc nhiều, trong cộng đồng còn có ca bệnh tự do sẽ dẫn đến tình trạng lây nhiễm, PGS Hồng Hà khuyến cáo.

Hà Quyên/ZN


Nguồn: Cánh cò

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *