Hải quân Trung Quốc trong đợt duyệt binh phô diễn sức mạnh trên Biển Đông tháng 4-2018 – Ảnh: AFP
Các hành động của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông đều được các nhà nghiên cứu và chuyên gia đặt chung một bối cảnh: thế giới đang bận tâm đối phó COVID-19, đại dịch với điểm khởi phát là Trung Quốc.
Trong khi việc quyên góp vật tư y tế cho một số quốc gia là nỗ lực làm hình ảnh với thế giới, đối tượng mà Bắc Kinh nhắm tới khi chơi cứng trên Biển Đông là người dân trong nước, rằng nước này vẫn còn mạnh và sẽ không vì COVID-19 mà lơ là chủ quyền lãnh thổ, bất chấp nó đã bị cộng đồng quốc tế nhiều lần bác bỏ.
Lợi dụng dịch bệnh
Đài CNBC nhận định vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hồi đầu tháng 4 một lần nữa khiến Biển Đông trở thành tâm điểm chú ý của thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang khiến nhiều nước điêu đứng. “Bắc Kinh đang lợi dụng đại dịch để thúc đẩy các yêu sách lợi ích trên Biển Đông”, tờ báo của Mỹ nói thẳng.
Indonesia và Philippines, hai quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế do Trung Quốc tự vẽ ra, cũng trở thành đối tượng bị Trung Quốc nhắm tới.
Trong lúc các quan chức quốc phòng hàng đầu Philippines như Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana bị cách ly vì tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, Bắc Kinh đã tăng cường hiện diện xung quanh bãi cạn Scarborough và đá Vành Khăn.
Theo chuyên gia Richard Javad Heydarian, điều này đã làm dấy lên lo ngại ở Manila rằng Trung Quốc sẽ lợi dụng tình hình này để quân sự hóa bất hợp pháp như đã làm với các thực thể khác ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Dịch bệnh không làm Trung Quốc quên các vấn đề đối ngoại mà họ theo đuổi. Ngoài Biển Đông, Trung Quốc đã liên tục đưa các máy bay quân sự áp sát Đài Loan trong một tháng qua.
Bắc Kinh rõ ràng đang muốn gởi một thông điệp tới các quốc gia liên quan ở Biển Đông rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước trong bất kỳ trường hợp nào, song song với việc củng cố hình ảnh lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với nhân dân trong nước”, nhà phân tích Kelsey Broderick nhận định với CNBC.
Đồng quan điểm, chuyên gia Collin Koh thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm mục đích dập tắt các chỉ trích và nghi ngờ trong nước liên quan tới tình hình dịch COVID-19.
Theo ông Koh, “có những suy đoán” bên trong Trung Quốc rằng đại dịch sẽ làm ảnh hưởng tới năng lực bảo đảm an ninh quốc phòng. Điều này giải thích vì sao Bắc Kinh liên tục tiến hành các động thái như đã thấy vừa qua trên Biển Đông và xung quanh đảo Đài Loan.
Tàu đổ bộ tấn công USS America (trên) của hải quân Mỹ diễn tập cùng tàu khu trục JS Akebono của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản trên biển Hoa Đông ngày 10-4. Trong ảnh: Một tiêm kích tàng hình F-35 cất cánh từ boong tàu USS America trong lúc nó đang di chuyển – Ảnh: US NAVY
Chế giễu Mỹ
Ngày 13-4, Hải quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã chính thức lên tiếng tuyên bố nhóm tàu chiến gồm tàu sân bay Liêu Ninh và 5 tàu hộ tống đã tiến vào Biển Đông tập trận.
Trong khi việc sử dụng tàu hải cảnh để đâm chìm tàu cá Việt Nam là hành vi mang tính đe dọa rõ ràng đối với các bên liên quan ở Biển Đông, việc Trung Quốc triển khai tàu sân bay tập trận dường như là một nỗ lực chế giễu Mỹ.
Điều này thể hiện rõ qua một bản tin trên Thời Báo Hoàn Cầu ngày 13-4, trong đó dẫn lời “một chuyên gia quân sự giấu tên” ca ngợi việc hải quân Trung Quốc công khai thông báo sẽ tiến hành tập trận trên Biển Đông đã cho thấy Bắc Kinh không hề lợi dụng COVID-19 để làm bậy như cáo buộc của Mỹ.
Thời Báo Hoàn Cầu sau đó lập luận rằng việc nhóm tàu sân bay Trung Quốc vẫn tập trận “như kế hoạch đã vạch ra từ trước” đã chứng minh quân đội Trung Quốc không hề bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Giới quan sát nhận định Trung Quốc đang cố tình tạo ra sự đối lập với Mỹ và chứng tỏ sự ưu việt vượt trội trong bối cảnh quân đội Mỹ đang bị dịch COVID-19 trói chân.
Washington hiện không có tàu sân bay nào đang triển khai trên biển ở khu vực Thái Bình Dương trong khi số tàu sân bay có người nhiễm COVID-19 đã lên tới con số 4. Không chỉ trên biển, các hoạt động quân sự khác của Mỹ trên đất liền cũng bị tạm hoãn, bao gồm cuộc tập trận lớn nhất trong vòng 25 năm qua với các nước châu Âu hay việc rút quân khỏi Afghanistan.
Tổng số ca nhiễm trong quân đội Mỹ hiện đã lên tới 3.000 với 2 ca tử vong, trong đó ổ dịch lớn nhất là tàu sân bay USS Theodore Roosevelt – con tàu vừa hoàn thành đợt huấn luyện và tuần tra bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông.
Mỹ hiện không có tàu sân bay nào đang hoạt động ở Thái Bình Dương. Nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đều đang neo đậu tại cảng sau khi phát hiện các thủy thủ nhiễm COVID-19 – Ảnh chụp màn hình USNI
Nguồn: Tuổi trẻ
Nguồn: Nghệ An thời báo